Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng năm Nhâm Thìn 2012: Điểm hội tụ tâm linh, văn hóa và tinh thần đại đoàn kết dân tộc

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hà Kế San (ảnh), Trưởng Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Nhâm Thìn 2012 trả lời phỏng vấn Báo Tin tức.

Thưa đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, xin đồng chí cho biết quy mô tổ chức và công tác chuẩn bị Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Nhâm Thìn 2012.

Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày lễ trọng của dân tộc Việt Nam. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Nhâm Thìn 2012 do tỉnh Phú Thọ chủ trì tổ chức, có sự tham gia của các tỉnh, thành phố: Điện Biên, Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng, đại diện cho các tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia tổ chức Giỗ Tổ. Ngoài ra, có một số tỉnh tham gia các hoạt động lễ hội như: Hải Dương, Hưng Yên, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, TP Hà Nội...

Các nội dung lễ hội năm nay sẽ được tổ chức trọng thể, trang nghiêm, thành kính, an toàn và tiết kiệm, góp phần giáo dục truyền thống và lòng tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần tuyên truyền, tôn vinh "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương", với hai phần lễ và hội.

Đoàn “100 con Lạc cháu Hồng” về dâng hương tại Đền Hùng năm 2011. Ảnh: Nhật Anh - TTXVN


Về phần lễ, sẽ tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng của thành phố Việt Trì (sáng mùng 5 tháng 3 năm Nhâm Thìn), Lễ dâng hương Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Quốc Mẫu Âu Cơ (sáng mùng 6 tháng 3 năm Nhâm Thìn) và theo truyền thống, Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các bộ, ngành trung ương và các tỉnh, thành phố sẽ được tổ chức vào sáng mồng 10 tháng 3 năm Nhâm Thìn.

Về phần hội, sẽ có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch phong phú mở rộng không gian từ Đền Hùng về đến Ngã ba Hạc thành phố Việt Trì, các huyện Lâm Thao và Phù Ninh được tổ chức gắn với Chương trình “Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam" năm 2012, với các hoạt động diễn ra trong thời gian lễ hội như: Tổ chức Lễ Rước kiệu và tiến dâng lễ vật tri ân công đức các Vua Hùng của 6 xã vùng ven khu di tích lịch sử Đền Hùng vào sáng mùng 8 tháng 3 năm Nhâm Thìn; tổ chức đánh trống đồng, múa sư tử và hát xoan của các phường xoan cổ trong tỉnh; tổ chức Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh dầy của một số tỉnh, thành phố; tổ chức biểu diễn của các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của các tỉnh tham gia tổ chức Giỗ Tổ; tổ chức các hoạt động thể thao: bóng chuyền nam, cờ tướng, vật dân tộc và bắn nỏ của 13 huyện, thị, thành trong tỉnh, hội thi bơi chải trên sông Lô, trưng bày sinh vật cảnh và cổ vật tại Bảo tàng Hùng Vương, Hội chợ Hùng Vương và giải bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc tranh cúp Hùng Vương năm 2012...

Về công tác chuẩn bị tổ chức, ngay từ tháng 1/2012, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Nhâm Thìn 2012, thành lập Ban Tổ chức và phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên Ban Tổ chức, Bộ phận thường trực và các Tiểu ban phục vụ tổ chức như: Tiểu ban nội dung, nghi lễ, lễ tân và tài chính hậu cần; Tiểu ban an ninh trật tự, an toàn và Tiểu ban tuyên truyền; chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có liên quan xây dựng kế hoạch, kịch bản chi tiết tổ chức các hoạt động theo từng nội dung công việc cụ thể; chỉ đạo các đơn vị chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các hạng mục công trình xây dựng tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng và các công trình văn hóa trên địa bàn tỉnh phục vụ tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Nhâm Thìn 2012.

Tại thành phố Việt Trì đã tiến hành chỉnh trang đô thị, chuẩn bị cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi nhất để đón đồng bào về Giỗ Tổ. Song song với việc chuẩn bị cơ sở vật chất, công tác chuẩn bị các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, du lịch đã và đang diễn ra hết sức khẩn trương.

Xin đồng chí cho biết những nét mới trong Giỗ Tổ năm nay và công tác tuyên truyền, quảng bá hát xoan Phú Thọ vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại; công tác đảm bảo an ninh trật tự, cảnh quan môi trường... ở lễ hội năm nay được thực hiện như thế nào?

Năm Nhâm Thìn 2012, công tác tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng tiếp tục được tổ chức đảm bảo tính trang trọng, thành kính, thể hiện đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” và truyền thống tri ân công đức tổ tiên của dân tộc Việt Nam, để lại ấn tượng sâu sắc đối với đồng bào và du khách khi hành hương về Giỗ Tổ.

Tại lễ hội năm nay, các hoạt động tổ chức lễ hội truyền thống sẽ góp phần phục vụ việc xây dựng, củng cố, tuyên truyền và vận động đề cử hồ sơ "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, như việc tổ chức Rước kiệu và tiến dâng lễ vật của cộng đồng nhân dân 6 xã vùng ven Khu di tích lịch sử Đền Hùng... Bên cạnh việc tổ chức các hoạt động lễ hội truyền thống, năm nay nhân dịp hát xoan vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, Ban Tổ chức tổ chức nhiều điểm hát xoan do chính các nghệ nhân của các phường xoan gốc biểu diễn trong các ngày diễn ra lễ hội, phục vụ đồng bào và du khách khi về với đất Tổ, tạo điểm nhấn của Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng năm Nhâm Thìn.

Năm 2012 là năm lẻ, nhưng lượng du khách về Giỗ Tổ được dự báo sẽ rất đông, do được nghỉ ba ngày liên tục và công tác tuyên truyền, quảng bá đã được đẩy mạnh. Do vậy, công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn, cảnh quan môi trường hết sức được chú trọng và quan tâm. Ban Tổ chức (Tiểu ban an ninh trật tự, an toàn) đã xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, phương án bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, các tỉnh, thành phố và đồng bào về dự Giỗ Tổ; tổ chức duy tu các tuyến đường, phân luồng, phân tuyến xe cơ giới để bảo đảm an toàn giao thông trong dịp lễ hội, phối hợp với C67 (Bộ Công an) có kế hoạch phân luồng từ xa tránh tắc đường trên các hướng về Phú Thọ.

Xây dựng phương án phòng, chống cháy nổ, bảo vệ cảnh quan, phòng chống cháy rừng, vận động nhân dân bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh môi trường trong khu di tích, cảnh quan thành phố Việt Trì và các huyện lân cận; chỉ đạo Khu di tích lịch sử Đền Hùng phối hợp với các ngành liên quan xây dựng phương án tăng cường bảo vệ môi trường trong các ngày lễ hội; các hoạt động kinh doanh hàng hóa dịch vụ được quy định theo từng khu, điểm và bắt buộc phải niêm yết và bán đúng giá đã niêm yết; các hoạt động trông giữ xe cũng được Ban Tổ chức quy định chặt chẽ nhằm phục vụ tốt nhất đồng bào và du khách. Thành lập 2 đoàn Công tác liên ngành (do Công an tỉnh làm trưởng đoàn công tác) nhằm tăng cường công tác quản lý các hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và các hoạt động có liên quan tại lễ hội, đảm bảo theo đúng quy định trong thời gian diễn ra lễ hội.

Để công tác tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng 2012 gây ấn tượng sâu sắc không chỉ với nhân dân cả nước và du khách nước ngoài, xứng tầm để được vinh danh như hát xoan với tư cách là “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”, theo đồng chí, tỉnh Phú Thọ cần phải làm gì?

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc xây dựng hồ sơ đề cử quốc gia "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ", Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan ở Trung ương trong việc xây dựng hồ sơ. Đến nay, hồ sơ đã được đệ trình UNESCO.

Các hoạt động Giỗ Tổ năm nay tiếp tục được tổ chức với các hoạt động hướng tới việc củng cố và tuyên truyền cho hồ sơ "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ". Tỉnh Phú Thọ đã và đang chỉ đạo tổ chức các hoạt động lễ hội đảm bảo tính truyền thống, tăng cường sự tham gia của cộng đồng, giữ gìn, chắt lọc và bảo tồn các nét đẹp văn hóa truyền thống cội nguồn của dân tộc; các hoạt động Lễ hội đền Hùng không chỉ tạo ấn tượng sâu sắc đối với đồng bào ta ở trong nước và nước ngoài, mà sẽ tạo ấn tượng đẹp với khách quốc tế. Năm nay, Lễ rước kiệu và tiến dâng lễ vật của các xã, phường vùng ven Khu di tích lịch sử Đền Hùng, một hoạt động văn hóa truyền thống nhằm tri ân công đức tổ tiên các Vua Hùng có từ hàng ngàn năm nay, sẽ có sự tham dự của đại diện các cơ quan ngoại giao và Tổ chức UNESCO tại Hà Nội. Công tác tuyên truyền về các hoạt động Giỗ Tổ sẽ được đẩy mạnh, nhằm tạo sự đồng thuận cao nhất của quốc tế để UNESCO công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong năm nay.

Việc tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng có ý nghĩa như thế nào trong đời sống nhân dân, thưa đồng chí?

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng từ lâu đã ăn sâu vào tâm khảm thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam. Đây là điểm hội tụ tâm linh, hội tụ văn hóa, hội tụ tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Người dân Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu cũng đều thành kính tri ân công đức tổ tiên các Vua Hùng có công dựng nước. Thông qua Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương, giáo dục truyền thống yêu nước, biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với trách nhiệm vinh dự được đồng bào cả nước giao trọng trách trông coi Thái miếu Tổ tiên, tỉnh Phú Thọ đã và đang cố gắng hết sức để tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Nhâm Thìn 2012 được trọng thể, trang nghiêm, thành kính, ấn tượng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và đảm bảo tiết kiệm nhất theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Tạ Toàn (thực hiện)

Đặc sắc hoạt động văn hoá dân gian tại Lễ hội Đền Hùng 2012
Đặc sắc hoạt động văn hoá dân gian tại Lễ hội Đền Hùng 2012

Lễ hội Đền Hùng năm Nhâm Thìn 2012, diễn ra liên tục trong 6 ngày từ 25-31/3/2012(tức 4-10/3 âm lịch). Ngoài các phần lễ chính như: Dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, Rước kiệu, Dâng lễ vật... còn diễn ra nhiều hoạt động văn hoá, thể thao mang đậm bản sắc dân gian như: Đấu vật, bắn nỏ, hát Xoan, quan họ, dân ca...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN