Triển lãm trưng bày, giới thiệu đến công chúng 35 tác phẩm đá cảnh thiên nhiên. Đây cũng chính là những tác phẩm đá cảnh tiêu biểu đã được Nhà Xuất bản Thông tấn chọn lựa và in trong tập sách “Những tác phẩm sinh vật cảnh tiêu biểu Việt Nam” (năm 2011) và những tác phẩm đá cảnh thiên nhiên đạt giải Vàng trong các cuộc thi ở nhiều tỉnh, thành của Việt Nam như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Đà Lạt …
Các tác phẩm được triển lãm mang hình dáng các danh lam thắng cảnh với các tên gọi như: Một thoáng Hạ Long, Một thoáng Cố đô, Hòn chồng Nha Trang, hay hình dáng các loài động vật như Kim quy, Lân hý cầu, Hắc điểu, Mãnh sư, Linh cẩu vãn sanh hoặc những nhân vật trong các tuồng tích như: Tôn Ngộ Không, Quan Công, thầy trò Đường tăng, thậm chí có tác phẩm đá còn có cả dáng "Phật bà Quan âm", "Bùi Giáng", "Cư dân sa mạc"...
Những cảnh trí, hình ảnh được thiên nhiên khắc họa trên đá và được nhà sưu tập Phan Khôi cảm nhận và nhìn ra những điểm đặc biệt để đặt tên cho từng tác phẩm thể hiện niềm đam mê và tâm huyết đối với những tác phẩm đá cảnh mà tác giả đã dày công sưu tầm và gìn giữ.
Suiseki là một từ ngữ Nhật Bản với “Sui” nghĩa là “thủy” (nước). “Seki” là “thạch” (đá). Suiseki là nghệ thuật thưởng ngoạn đá khi đá vẫn giữ được trong điều kiện tự nhiên của chúng; ở Việt Nam được hiểu là đá nghệ thuật, đá cảnh. Suiseki thường được trưng bày trên đế gỗ đã chạm khắc.
Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, Huỳnh Đình Quốc Thiện cho biết: Triển lãm nhằm giới thiệu cho người dân, du khách biết thêm về một loại hình nghệ thuật, một thú chơi độc đáo, công phu, qua đó giúp mọi người biết trân quý các tài nguyên thiên nhiên.
Triển lãm diễn ra đến hết ngày 7/1/2019, tại Bảo tàng Đà Nẵng.