Vở cải lương "Thầy Ba đợi" ra mắt nhân dịp 100 năm cải lương Việt Nam. Ảnh: Gia Thuận/TTXVN. |
Thăng trầm nghệ thuật cải lương
Nhìn vào bản kịch mục của cải lương Việt Nam trong 100 năm qua, có thể thấy, nghệ thuật cải lương Việt Nam đã phát triển thật đa dạng, phong phú. Từ những vở diễn khai thác tâm trạng con người trong tương quan với gia đình và xã hội như: “Tham phú phụ bần”, “Đời cô Lựu”, “Tô Ánh Nguyệt”... cho đến dòng kịch thể hiện lịch sử, dã sử với những vở diễn tiêu biểu như: “Trần Hưng Đạo”, “Quang Trung”, “Mai Thúc Loan”, “Thái hậu Dương Vân Nga”, “Tô Hiến Thành xử án”... và những tác phẩm được chuyển thể từ các tác phẩm văn học như: Lục Vân Tiên, Kim Vân Kiều, Nhị Độ Mai, Phạm Công Cúc Hoa, Lưu Bình Dương Lễ...
Cùng với sự phong phú của các tác phẩm, là tên tuổi của những cây bút lớn, sáng tạo ra những tác phẩm có tiếng vang như: Tư Chơi, Huỳnh Thư Trung, Nguyễn Thành Châu (Năm Châu), Trần Hữu Trang... và đội ngũ nghệ sỹ mà tên tuổi của họ đã đi vào lịch sử sân khấu cải lương, như Năm Phỉ, Phùng Há hoặc Bảy Nghiêu, Ba Vân, Tám Danh, Ba Du, Ngọc Thạch... ở thế hệ đầu; Thanh Tòng, Diệp Lang, Thanh Sang, Minh Vương, Út Bạch Lan, Thanh Kim Huệ, Ngọc Giàu, Tô Kim Hồng... ở những thế hệ tiếp theo. Cải lương miền Bắc sinh sau, nhưng cũng có được những ngôi sao đáng nể như: Ái Liên, Bích Hồng, Bích Hợp, Anh Đệ, Đào Mộng Long, Mạnh Tưởng rồi đến Kim Xuân, Lệ Thanh, Tấn Sửu...
Những năm gần đây, một đội ngũ đạo diễn cải lương đích thực được đào tạo bài bản, được tắm mình trong thực tiễn sân khấu cải lương và có những đóng góp đáng chú ý. Ở miền Nam có NSND Trần Ngọc Giàu, NSƯT Hoa Hạ, NSND Giang Mạnh Hà; ở miền Bắc là những gương mặt đạo diễn trẻ đầy triển vọng như: Triệu Trung Kiên, Hoàng Quỳnh Mai, Trần Quang Hùng.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thành, trong lịch sử 100 năm hình thành và phát triển, nghệ thuật cải lương cũng đã trải qua những thăng trầm. Từ giai đoạn huy hoàng của cải lương ở những năm 1930, rồi xuống dốc ở những thập niên 1940 - 1950, sau đó lại vực dậy ở những năm 1960. Giai đoạn phát triển của những năm 1975 đến sau đổi mới 1986, sân khấu cải lương lại bước vào sự suy thoái. Đặc biệt, bước sang thế kỷ 21, cải lương cả nước một lần nữa lại rơi vào khủng hoảng toàn diện và trầm trọng, nhất là khủng hoảng công chúng, khi đất nước bước sang thời kỳ hội nhập, phát triển, và công nghệ số đang phát triển ngày càng mạnh như hiện nay.
Các nghệ sĩ của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu trình diễn vở "Đào Duy Từ". Ảnh: Nguyễn Thanh Liêm/TTXVN |
Để nghệ thuật cải lương phát triển
Nhiều ý kiến cho rằng, để nghệ thuật cải lương phát triển trong giai đoạn hiện nay, ngoài việc chú trọng đến công tác đầu tư tìm những kịch bản hay, đạo diễn tài năng, diễn viên giỏi, nâng cao chế độ hưởng thụ nhuận bút sáng tạo tác phẩm cho tác giả và chế độ bồi dưỡng biểu diễn cho các nghệ sỹ... cần chú trọng đến việc đưa công nghệ vào áp dụng trên sân khấu cải lương và trong việc đưa cải lương đến với công chúng.
Theo NSND Giang Mạnh Hà, quy luật vận hành khách quan của thế giới đã bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cả nhân loại được phơi bày trên mặt phẳng của thời đại kỹ thuật số, nên nghệ thuật cải lương cũng phải thay đổi, trước hết là cơ sở vật chất. Nhà nước cần đầu tư xây dựng nhà hát biểu diễn xứng tầm chuyên nghiệp. Trong đó, nhất thiết phải được đầu tư hệ thống âm thanh, ánh sáng, màn hình LED, xưởng chế tạo các mô hình sân khấu ảo... được bấm nút điều khiển từ xa theo mô hình thế giới đang sử dụng. NSND Giang Mạnh Hà khẳng định, nếu biết cách sử dụng kỹ thuật công nghệ một cách hợp lý, chúng ta không lo việc công nghệ “phá” cải lương, bởi khi các vở diễn hiện đại vẫn còn sử dụng âm nhạc, làn điệu cải lương thì nó vẫn mãi mang thần thái hồn phách của cải lương.
Nhà biên kịch Vương Huyền Cơ cho rằng, trong thời đại công nghệ số như hiện nay, để cải lương tiếp cận được giới trẻ, cần mở kênh Youtube cho cải lương. Theo đó, các nhà hát cải lương, đài phát thanh, đài truyền hình cần sản xuất những chương trình, bài bản cải lương hay nhất, cùng lời giới thiệu cụ thể về từng làn điệu, giúp công chúng có cơ hội tiếp cận với cải lương một cách dễ dàng qua Youtube, để từ đó, công chúng cảm nhận, thấu hiểu điệu “Xuân tình” hát như thế nào, “Văn Thiên Tường” hát ra sao... Mưa dầm thấm lâu, dần dần, công chúng sẽ có kiến thức nền móng về nghệ thuật cải lương. Cùng với đó là mở rộng việc đưa cải lương tiếp cận với thế hệ trẻ, các học sinh, sinh viên trong các trường học. Theo đó, các nghệ sỹ sẽ trình diễn và diễn giải về từng làn điệu, dạy cho các em hát bài bản, dần dần mỗi em học sinh, sinh viên đều có được kiến thức cơ bản, rồi từ hiểu sẽ yêu cải lương.
Đồng quan điểm này, PGS.TS Trần Trí Trắc cho rằng, để tồn tại và phát triển, nghệ thuật cải lương hôm nay không có con đường nào khác, là tự làm mới mình từ bao cấp sang tự chủ. Nghĩa là, các nghệ sỹ phải biết khẳng định mình như một doanh nhân, đơn vị mình như một doanh nghiệp, tác phẩm của mình như một hàng hóa đặc biệt và biết cạnh tranh trên thương trường của hội nhập quốc tế, ngay trên tay của mỗi khán giả đương thời. Để làm được điều đó, trước hết, nghệ sỹ phải biết bảo tồn, phát huy, phát triển cải lương trên cơ sở văn hóa Việt. Chúng ta hội nhập với thế giới phẳng với tốc độ của công nghệ 4.0, vì vậy, các nghệ sỹ cải lương phải nâng cao trình độ, bắt kịp với thời đại qua các phương tiện máy móc, ổ cứng, màn hình, con chuột, phần mềm, mạng internet... vì khán giả sẽ đến với cải lương bằng những con đường đó. Nghĩa là, sáng tạo cải lương hôm nay phải mang tính khoa học hiện đại, tính tối giản, tính thông dụng đời thường với lượng thông tin nhanh nhạy về chân - thiện - mỹ thời đại phù hợp với văn hóa Việt hiện đại.