Tham dự buổi lễ có các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, đại diện dòng họ Lê và đông đảo người dân hai huyện Thạch Hà, Lộc Hà.
Đền Chiêu Trưng thờ vị tướng Lê Khôi tọa lạc trên địa bàn xã Thạch Bàn thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Hàng năm vào ngày mùng 2-3/5 âm lịch, nhân dân hai huyện Thạch Hà và Lộc Hà thường tổ chức Lễ hội Đền Chiêu Trưng và các hoạt động rước thuyền, các trò chơi dân gian đi cà kheo, đánh cờ, thả diều và đua thuyền tại các xã Thạch Bàn, Thạch Hải, Thạch Đỉnh (Thạch Hà) và xã Thạch Kim, Mai Phụ, Thạch Bằng (Lộc Hà).
Lễ hội đền Chiêu Trưng được Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 2459/QĐ-BVHTTDL, ngày 20/6/2017. Ảnh: baohatinh.vn |
Tương truyền trong một lần tướng Lê Khôi đem quân đánh trận ở phía Nam, ông đã đánh tan thành Đồ Bàn, bắt được vua Bí Cai. Trên đường trở về ông lâm bệnh và mất vào ngày 3/5, năm Bính Dần (1446); quân sỹ hạ thuyền buồm, mai táng ông tại bến Long Ngâm, chân núi Nam Giới nay là xã Thạch Bàn (Thạch Hà). Từ đó nhân dân trong vùng lập miếu thờ ghi nhớ công ơn của vị tướng Lê Khôi.
Tướng Lê Khôi người làng Lam Sơn, Thụy Nguyên (nay là Thọ Xuân,Thanh Hóa), ông là cháu ruột của vua Lê Thái Tổ. Ông tham gia các trận đánh lớn và lập được nhiều chiến công hiển hách nên được nhà vua phong là Kỳ lân hộ vệ thượng tướng quân, Tổng quản hành quân, Nhập nội thiếu úy.
Việc công nhận và tôn vinh giá trị văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Đền Chiêu Trưng là nguồn cổ vũ động viên cho nhân dân hai huyện Thạch Hà, Lộc Hà quyết tâm phấn đấu xây dựng và bảo tồn các giá trị văn hóa từ lâu đời của cha ông.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Nữ Y, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh nêu rõ: Lễ hội Đền Chiêu Trưng được công nhận di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với công lao của người dân vùng cửa biển Hà Tĩnh từ bao đời nay đã gìn giữ, tôn tạo để lĩnh hội nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Đó cũng là sự cổ vũ động viên nhân dân Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh.
Sau lễ đón nhận bằng di sản Văn hóa phi vật thể Lễ hội Đền Chiêu Trưng, các đại biểu và nhân dân đã tổ chức rước bằng công nhận từ Trung tâm huyện Thạch Hà đến Đền Chiêu Trưng. Trong thời gian này, nhiều hoạt động văn hóa dân gian được nhân dân hai huyện Thạch Hà, Lộc Hà tổ chức sôi nổi nhằm duy trì lễ hội truyền thống của địa phương, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của quê hương.