Quần thể Khu di tích đền Cao là nơi thờ năm vị tướng họ Vương đã có công trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược vào thế kỷ thứ X bảo vệ đất nước Đại Cồ Việt; tri ân đức vua Lê Đại Hành, Thành hoàng Dương Tôn Linh có công khai hoang lập ấp, khai sinh vùng đất An Lạc ngày nay.
Trong đó, đền Cao thờ Thiên Bồng Đại tướng quân Đại Vương - Vương Đức Minh; đền Bến Tràng thờ Dực Thánh Linh Ứng Đại vương - Vương Đức Xuân; đền Bến Cả thờ Anh Vũ Dũng Lược Đại vương - Vương Đức Hồng; đền Cả thờ cha mẹ của 5 đức Thánh và hai người con gái là Đào Hoa Trinh Thuận Công chúa - Vương Thị Đào, Liễu Hoa Linh ứng Công chúa - Vương Thị Liễu.
Những di tích này có từ thời Tiền Lê, là các công trình mang đặc trưng kiểu dáng kiến trúc truyền thống, chủ yếu thời hậu Lê và thời Nguyễn.
Quần thể di tích đền Cao hiện còn bảo lưu nhiều yếu tố gốc, trong một không gian văn hóa tâm linh gắn với các câu chuyện, sự tích ly kỳ, được khôi phục, đưa vào dịp lễ hội hàng năm.
Bên cạnh đó, Quần thể di tích đền Cao còn lưu giữ nhiều di vật, cổ vật có giá trị như sắc phong bia đá cùng hệ thống câu đối, đại tự, đồ thờ… có nội dung ca ngợi công lao của các vị thánh được tôn thờ, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc.
Đền Cao còn được bao bọc bởi 54 cây lim cổ thụ hàng trăm năm tuổi xung quanh làm tăng thêm vẻ uy nghi cho ngôi đền cổ linh thiêng.
Với những giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, Quần thể di tích đền Cao đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích cấp quốc gia vào năm 2018.
Lễ hội truyền thống Đền Cao năm nay diễn ra trong 3 ngày, từ 26 - 28/2. Lễ hội bao gồm các nghi lễ truyền thống như: Lễ mộc dục, tế khai Xuân, lễ rước kiệu từ đền Cao, đền Bến Cả, đền Bến Tràng về đền Cả, lễ ban “Khước” Thánh, Lễ tưởng niệm Ngày mất của 5 đức Thánh họ Vương, tế nghinh, lễ rước bộ…
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian đậm bản sắc địa phương được tổ chức như: Hội thi giã bánh giầy, nấu chè kho, giải vật truyền thống.