Hàn Mặc Tử - người hiền viết "Thơ điên"22/9/2012 là tròn 100 năm ngày "Người thơ" ra đời, nhưng cũng là ngót nghét 72 năm ông rời cõi trần vì căn bệnh phong quái ác (ông mất ngày 11/10/1940, tại nhà thương Quy Hòa - tỉnh Quy Nhơn).
Nói đến Hàn Mặc Tử là nhớ tới một "Mùa xuân chín" trong veo tới yếu lòng: "Trong làn nắng ửng khói mơ tan. Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng. Sột soạt gió trêu tà áo biếc. Trên giàn thiên lý bóng xuân sang"; đến "Đây thôn Vĩ Dạ" với những yêu thương tới thổn thức: "Sao anh không về chơi thôn Vỹ? Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên. Vườn ai mướt quá xanh như ngọc. Lá trúc che ngang mặt chữ điền".
Nhưng nói tới Hàn Mặc Tử cũng lại nói tới "Thơ điên" với những vần thơ đau đớn, quằn quại, với những giây phút "hộc ra trăng" trong cô đơn tận cùng của người thơ...
Âu cũng bởi cuộc đời bất hạnh đã khiến con người trong trẻo, yêu đời, yêu người tha thiết ấy phải điên, phải cuồng, phải loạn. Chính bởi vậy, niềm thương với ông càng chan chứa hơn...
Một đời bất hạnh
Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, ông sinh ngày 22/9/1912, tại Lệ Mỹ (Đồng Hới, Quảng Bình), trong một gia đình theo đạo Công giáo, ông là con thứ tư trong gia đình có 8 anh chị em. Anh trai cả của Hàn Mặc Tử là Nguyễn Bá Nhân (tức nhà thơ Mộng Châu), cũng chính là người đã dìu dắt ông trên con đường thơ văn.
Hàn Mặc Tử sinh ra vốn đã ốm yếu, tính tình hiền từ, giản dị, hiếu học và thích giao du bè bạn trong lĩnh vực văn thơ. Do thân phụ là ông Nguyễn Văn Toản làm thông ngôn, ký lục nên thường di chuyển nhiều nơi, nhiều nhiệm sở, nên Hàn Mặc Tử cũng đã theo học ở nhiều trường khác nhau như Sa Kỳ (1920), Qui Nhơn, Bồng Sơn (1921 - 1923), Pellerin Huế (1926).
Hàn Mặc Tử làm thơ từ rất sớm, khi mới 16 tuổi, với các bút danh Lệ Thanh, Phong Trần. Năm 21 tuổi, Hàn Mặc Tử quyết định vào Sài Gòn lập nghiệp, làm ở Sở Đạc Điền. Ở Sài Gòn, ông làm phóng viên phụ trách trang thơ cho tờ báo Công luận. Khi ấy, Mộng Cầm ở Phan Thiết cũng làm thơ và hay gửi lên báo. Hai người bắt đầu trao đổi thư từ với nhau, và ông quyết định ra Phan Thiết gặp Mộng Cầm. Một tình yêu lãng mạn, nên thơ nảy nở giữa hai người, và đây cũng chính là mối tình sâu đậm nhất trong đời nhà thơ bất hạnh.
Theo gia đình Hàn Mặc Tử kể lại, thì vào khoảng đầu năm 1935, họ đã phát hiện những dấu hiệu của bệnh phong trên cơ thể ông. Tuy nhiên, ông cũng không quan tâm vì cho rằng nó là một chứng phong ngứa gì đó không đáng kể. Cho đến năm 1936, khi ông xuất bản tập "Gái quê", rồi đi Huế, Sài Gòn, Quảng Ngãi, vào Sài Gòn lần thứ hai, được bà Bút Trà cho biết đã lo xong giấy phép cho tờ Phụ nữ tân văn, quyết định mời Hàn Mặc Tử làm chủ bút, bấy giờ ông mới nghĩ đến bệnh tật của mình. Nhưng ý ông là muốn chữa cho dứt hẳn một loại bệnh thuộc loại “phong ngứa” gì đấy, để yên tâm vào Sài Gòn làm báo chứ không ngờ đến một căn bệnh nan y. Năm 19 - 1939, Hàn Mặc Tử đau đớn dữ dội. Tuy nhiên, ở bên ngoài thì không ai nghe ông rên rỉ than khóc. Ông chỉ gào thét ở trong thơ mà thôi.
Do thời ấy mọi người đều cho rằng bệnh phong là căn bệnh truyền nhiễm nên bao nhiêu bệnh nhân đã bị hắt hủi, cách ly, xa lánh thậm chí bị ngược đãi. Hàn Mặc Tử cũng không là ngoại lệ. Bị người đời hắt hủi, ông đã bỏ tất cả quay về Quy Nhơn, vào nhà thương Quy Hòa (20/ 9/1940) mang số bệnh nhân 1.134, và từ trần tại nhà thương này vì chứng bệnh kiết lỵ, khi mới bước sang tuổi 28.
Một đời tài năng
Cuộc sống ngắn ngủi, nhưng di sản thơ mà Hàn Mặc Tử để lại cho đời cũng đủ để ông trở thành một nhà thơ của thi đàn "Thơ Mới" sánh cùng Xuân Diệu, Huy Cận...
Nói về Hàn Mặc Tử, Hoài Thanh - Hoài Chân, tác giả của cuốn "Thi nhân Việt Nam" nổi tiếng đã dành cho ông những lời nhận xét thật sự đầy ưu ái: "Tôi đã nghe người ta mạt sát Hàn Mạc Tử nhiều lắm. Có người bảo: "Hàn Mạc Tử? thơ với thẩn gì! toàn là nói nhảm". Có người còn nghiêm khắc hơn nữa: "Thơ gì mà rắc rối thế! mình tưởng có ý nghĩa khuất khúc, cứ đọc đi đọc lại hoài, thì ra nó lừa mình!".
Nhưng tôi cũng đã nghe những người ca tụng Hàn Mạc Tử. Trong ý họ, thi ca Việt Nam chỉ có Hàn Mạc Tử. Bao nhiêu thơ Hàn Mạc Tử làm ra họ đều chép lại và thuộc hết. Mà thuộc hết thơ Hàn Mạc Tử đâu có phải chuyện dễ. Đã khúc mắc mà lại nhiều: tất cả đến sáu bảy tập. Họ thuộc hết và chọn những lúc đêm khuya thanh vắng, họ sẽ cao giọng, ngâm một mình. Bài thơ đã biến thành bài kinh và người thơ đã trở nên một vì giáo chủ”.
Những ngày viết "Thi nhân Việt Nam", Hoài Thanh - Hoài Chân đã dành tới ngót 1 tháng chỉ để đọc thơ Hàn Mặc Tử. Và cũng như độc giả yêu thơ Hàn Mặc Tử, họ theo ông suốt cả "vườn thơ rộng rinh không bờ bến", để mang theo cảm giác "càng đi xa càng ớn lạnh", ớn lạnh bởi thơ chính là tiếng khóc của người thơ, vốn không hề kêu tiếng nào trong những ngày bệnh tật hành hạ, và chỉ "thét lên bằng thơ".
Hàn Mặc Tử khi hiện diện bằng "Gái quê" (1936), thật có đôi chút bình dị. Thơ ông lúc ấy trong trẻo, dễ dàng, và có phần "giông giống những ai đó". Như nhận xét của Hoài Thanh - Hoài Chân, đó là "Nhiều bài có thể là của ai cũng được. Còn thì tả tình quê trong cảnh quê. Lời thơ dễ dàng, tứ thơ bình dị". Thế nhưng, trong cái giông giống thời cuộc ấy, vẫn có chút gì riêng của ông trong một tình yêu "không có cái vẻ mơ màng thanh sạch như mối tình ta vẫn quen đặt vào trong khung cảnh những vườn tre, những đồi thông. Ấy là một thứ tình nồng nàn, lơi lả, rạo rực, đầy hình ảnh khêu gợi".
Nhưng có lẽ đến khi "nhập cuộc" với "Thơ điên" (19), mới là lúc Hàn Mặc Tử có đất thể hiện mình. Dường như nỗi đau của bệnh tật, của sự cô đơn đã khiến ông "rút ruột làm thơ", rút ruột tâm sự với người bạn thân - người tri âm tri kỷ duy nhất của ông lúc này: Vầng trăng!
"Thơ điên" gồm 3 tập: “Hương thơm” - “Mật đắng” - “Máu cuồng” và “Hồn điên”. Và ở mỗi tập, thì cảm xúc của Hàn Mặc Tử lại một bùng nổ hơn.
Với "Hương thơm", đó là "mảnh đất" nơi có ánh trăng, ánh nắng, tình yêu và cả người yêu đều như muốn biến ra hương khói.
Với "Mật đắng", cảm xúc đã "bùng" lên hơn với những "lời thơ như dính máu".
Và với "Máu cuồng” và “Hồn điên", thì hoàn toàn là một thế giới của Hàn Mặc Tử - một thế giới trăng, toàn trăng. "Trăng ở đây cũng ghen, cũng giận, cũng cay nghiệt, cũng trơ tráo và cũng náo nức dục tình. Hàn Mặc Tử đi trong trăng, há miệng cho máu tung ra làm biển cả, cho hồn văng ra, và rú lên những tiếng ghê người...".
Nếu chỉ có vậy, đã đủ để thương người thơ lắm rồi. Nhưng càng thương hơn, khi thật ra trong những phút giây hoảng loạn ấy, ông vẫn yêu cuộc sống lắm, nó thể hiện trong những câu thơ đôi khi trong trẻo tới bất ngờ của ông. Như "Ngả nghiêng đồi cao bọc trăng ngủ. Đầy mình lốm đốm những hào quang". Hay như "Ta bay lên! Ta bay lên! Gió tiễn đưa ta tới nguyệt thiềm. Ta ở cõi cao nhìn trở xuống: Lâng lâng mây khói quyện trăng đêm"...
Đọc thơ Hàn Mặc Tử nhiều, yêu thương cả những câu chuyện, vở kịch viết về ông cũng nhiều, đôi khi vẫn cứ mang trong lòng một cảm giác trách cuộc đời đã "bất nhẫn" với ông, khiến cả cuộc đời ông không có nhiều những phút vui. Âu cũng bởi, dường như ngay trong cái bút danh ông chọn cho mình, cũng đã "tiền định" những bất hạnh mà ông gánh chịu."Hàn Mạc Tử", bút danh ông chọn năm 1936, có nghĩa là "chàng trai đứng sau bức rèm lạnh lẽo, trống trải". Sau đó bạn bè gợi ý ông nên vẽ thêm mặt trăng khuyết vào bức rèm lạnh lẽo để lột tả cái cô đơn của con người trước thiên nhiên, vạn vật. "Mặt trăng khuyết" đã được "đặt vào" chữ "Mạc" thành ra chữ "Mặc". Hàn Mặc Tử có nghĩa là "chàng trai bút nghiên"!
A.A