Từ năm 2001 đến nay đã có 540 buôn trong tổng số 553 buôn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong tỉnh Đắk Lắk được đầu tư xây dựng Nhà văn hóa cộng đồng (NVHCĐ), mô phỏng theo kiến trúc nhà dài của đồng bào Êđê và Mnông. Tỉnh Đắk Lắk đã chi cho chương trình này trên 60 tỷ đồng, bình quân mỗi NVHCĐ được đầu tư từ 100 - 150 triệu đồng. Trong điều kiện của một tỉnh còn khó khăn như Đắk Lắk thì khoản kinh phí này là không hề nhỏ, đã thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các DTTS.
Nhà văn hóa buôn Kram, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin được xây khang trang nhưng không có hoạt động văn hóa nào. |
Tuy nhiên hiện nay ở Đắk Lắk, hàng trăm NVHCĐ được xây dựng hoành tráng đang ở trong tình trạng không hoạt động vì “cốt” thì có, nhưng phần “hồn” thì chưa. Theo kết quả giám sát, kiểm tra của HĐND tỉnh Đắk Lắk, hầu hết các NVHCĐ đang trong tình trạng không hoạt động, hoặc thi thoảng chỉ được dùng vào một vài cuộc gặp mặt khi có vị lãnh đạo cấp trên nào đó về thăm buôn, cần họp dân. Nhiều NVHCĐ chưa hoạt động đã bị xuống cấp trầm trọng. Đây là một sự lãng phí lớn, khó có thể đưa ra một lời giải thích thấu đáo.
Việc hầu hết các NVHCĐ bị “đắp chiếu” là do có quá nhiều bất cập trong việc đầu tư xây dựng. Do chủ đầu tư khoán trắng cho đơn vị thi công, không qua sự tham mưu của các ngành chuyên môn về văn hóa, vì vậy hầu hết các NVHCĐ “của Nhà nước” được thiết kế không giống nguyên mẫu NVHCĐ truyền thống, không thực hiện đúng phong tục truyền thống của đồng bào: Không làm lễ chọn đất, không cúng dựng nhà, không làm lễ cúng vào nhà mới khi hoàn thành... Thế nên khi hoàn thành, bàn giao, nhiều buôn đã không chịu nhận Nhà văn hóa vì: Ngôi nhà này không phải là của buôn làng mình, sợ vào sinh hoạt ở nhà này sẽ bị thần linh trách phạt.
Khuôn viên các NVHCĐ hầu hết đều quá chật hẹp, không thể sử dụng để tổ chức được các sinh hoạt văn hóa văn nghệ ngoài trời giống như NVHCĐ truyền thống. Mặt khác, sau khi bàn giao, hầu hết các công trình này đều ở tình trạng “rỗng ruột”: Không điện, không nước, không khu vệ sinh, không có hệ thống âm thanh, không có các vật dụng văn hóa truyền thống như: Cồng chiêng, ghế K’pan... Gần đây, sau nhiều lần kiến nghị, một số NVHCĐ đã được đầu tư về trang thiết bị nên đã bắt đầu “nhúc nhắc” hoạt động.
Một lãnh đạo của ngành văn hóa tỉnh Đắk Lắk cho biết: Để các NVHCĐ khắc phục được phần nào bất cập hiện nay, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, giải trí và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, rất cần có sự đầu tư trang thiết bị cần thiết, đồng thời cần đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ cho những người được giao quản lý NVHCĐ của các buôn, đi kèm đó là chế độ phụ cấp phù hợp và kinh phí hoạt động hàng năm cho các NVHCĐ đã được xây dựng.
Bài và ảnh: Việt Dũng