Vũ Minh Hoạ viết về chính đời mình, không văn chương, không hoa mĩ, không định thi vị hoá hay đau thương hoá. Như lời của người biên tập: “Chị là một người phụ nữ bình thường, gặp phải hoàn cảnh hơi bất thường, mà trở nên có nhu cầu viết một cái gì đó, để lại một cái gì đó, cho những đứa con, cho những người phụ nữ đã, đang hoặc sẽ chọn từ khoá “đơn thân” như chị. Chị từ chối cả việc nhờ người khác chấp bút, vì chị không cần biến cuộc đời mình thành văn học”.
Chuyện tan vỡ của một tình yêu đã từng đẹp, đẹp tới mức nếu không có cái kết thúc đau đớn, thì ta những có thể viết thành truyện: Một chàng lính đẹp trai, tài hoa, nhảy đẹp, dám từ bỏ một “tình yêu thơ mộng, nhiều kỷ niệm của tuổi học trò”, dám cầm dao và tuyên bố với gia đình sẽ tự tử nếu không được lấy Minh Hoạ, cô gái mình yêu lúc đó, hoặc là sẽ mãi mãi không lấy ai nữa… Cô gái Minh Hoạ lúc đó, vì áp lực, đã từng nghĩ tới việc từ bỏ tình yêu, nhưng rồi lại bị cảm hoá bởi tấm chân tình ấy.
Họ đã từng có những ngày đẹp đẽ mà, từng có sự ấm áp đụng chạm trái tim người đọc khi Minh Hoạ kể chuyện, chồng (cũ) thấy vợ không có quần áo mới, nên đã đưa cho vợ 300.000 đồng để đi mua quần áo với bạn.
Đâu phải họ không yêu nhau, đâu phải tình cảm không keo sơn, gắn bó. Để rồi có 2 cậu con trai đáng yêu, kháu khỉnh, khiến Minh Hoạ hạnh phúc đến mức “mong sao có tới 5 thằng cu như Việt Hùng- Việt Hưng để mẹ ngắm nhìn”.
Vậy thì điều gì khiến họ tan vỡ, khiến người chồng nồng nàn ngày nào đã không còn nữa? Có nguyên nhân cả ở 2 phía. Người chồng thì tiến lên mà người vợ thì lại lùi bước.
Bao xinh đẹp, nõn nà ngày xưa dành hy sinh hết cho chồng con, lấy hạnh phúc của chồng con làm vui, áo không dám mua mới, đầu quên cả chải chuốt, rồi gầy gò, còm cõi, rồi khép nép tại gia; vì nghĩ tới công danh, sự nghiệp của chồng, vun vén cho chồng ra khỏi nhà là quần áo phẳng phiu, thơm phức nước hoa; không hỏi tới thu nhập của chồng vì muốn chồng ra ngoài mà có đồng tiêu pha với bạn.
Người phụ nữ ấy còn tin chồng, yêu chồng tới mức bao nhiêu cảnh báo của bạn bè không để tâm, vô tư mà muốn mai mối cho cô gái lỡ thì ở cơ quan chồng, dù biết cô ấy thích chồng mình ra mặt.
Phụ nữ dại thế đấy. Cứ nghĩ khi người ta yêu mình, thì sẽ yêu suốt đời, tình yêu sẽ không suy suyển. Cứ nghĩ khi mình hy sinh cho người ta, người ta sẽ phải cảm động mà yêu mình hơn, chung thuỷ với mình hơn, biết ơn mình hơn và đánh giá mình cao hơn.
Mà đàn ông thì thường hiếm người nghĩ theo chiều hướng “phụ nữ” thế...
Mọi chuyện vỡ tung và tình yêu chỉ vỡ tan vào đúng cái hôm lễ tình yêu Valentine năm 2006 ấy. Trớ trêu sao, tình yêu tan vỡ trong ngày tình yêu. Tôi thật sự không dám hiểu cái cảm giác của người đàn bà phải đi thuê thám tử theo dõi chồng mình, ngóng từng tin nhắn từ khi chồng mình mua gói quà rất to, rồi ra bến xe, rồi đến Thanh Hoá, rồi mua hoa hồng… rồi cuống cuồng gửi con để bắt xe vào Thanh Hoá, rồi nhìn cảnh chồng tình tứ với người phụ nữ khác, rồi man dại khóc, tê tái đau lên xe taxi đi về Hà Nội, vì không biết phải làm gì lúc ấy...
Và cuộc hôn nhân những từng đẹp, đã đến hồi kết thúc, bởi “một kẻ bạc tình và một kẻ khóc, cười, nổi khùng không kiểm soát”…
Người đàn bà gầy gò, tiều tuỵ “gầy đến mất hơi xơ xác” bắt đầu cuộc sống đơn thân với hai cậu con trai. Những ngày cắt đứt mọi liên lạc với bạn bè, người thân, kể cả chị gái… để có thể dứt bỏ quá khứ. Những ngày khổ sở chật vật phải lần lượt gửi con bé về cho bà ngoại, con lớn cho chị chồng (cũ) vì không thể nuôi nổi con, thắt lòng cắn răng mà xa con, mà bươn chải làm đủ thứ việc trên đời, viết bài, làm web, tổ chức chương trình ca nhạc cho hội nghị, mở trường mầm non… miễn là kiếm được tiền. Những ngày thiếu đói tới mức tưởng sụp đổ, rồi những ngày hồi phục lại, những ngày có tình yêu khiến mình vui hơn, trẻ trung ra, hồn nhiên ra và những ngày lại chia tay, lại một mình với 2 cậu con trai lộc ngộc, đang cái tuổi ẩm ương cũng khó kiểm soát…
Cũng may, giờ chắc chắn mọi chuyện đã qua rồi, còn lại một “Minh Hoạ trước mắt tôi bây giờ là một người đàn bà đỏ da thắm thịt, vừa đủ độ “chín”, ánh mắt long lanh, cả khi cười lẫn khi rơi lệ…” . Vâng quả thật cái hành trình ấy chắc đã phải hết, chứ chẳng lẽ đời người lại cứ chìm mãi với nỗi đau khôn tưởng đến thế sao. Minh Hoạ giờ đây đã có thể nhìn quá khứ bình tĩnh hơn, dám dũng cảm cảm ơn người chồng đã phản bội để mình có thể có cơ hội thấy được bản lĩnh, nghị lực của mình.
Viết ra thì xót xa, đau là thế; nhưng điều khiến “Hành trình đơn thân” chinh phục người ta lại là ở cái thái độ bình tĩnh viết của Minh Hoạ, không văn chương, thô ráp, chân chất kể chuyện thôi, cũng không bình luận, không dùng những từ ngữ để chì chiết ai, để đổ lỗi cho ai, không còn hận thù, không còn oán trách…
Nhưng vẫn biết, cái nỗi đau cuộc đời ấy là vết dao, có thể lành, nhưng sẽ không thể mờ trong đời một người, nhất là người phụ nữ. Thế nên, Minh Hoạ giờ vẫn tiếp tục đơn thân, dù những người đến với chị không ít. Có lẽ, để mở lòng yêu lại một ai đó và dám đi cùng một ai đó, sẽ cần thời gian nữa cho vết sẹo trong lòng Minh Hoạ, và cần hơn, là môt người đàn ông đủ lớn, đủ rộng dài để chị dám tựa vào…
"Hành trình đơn thân không có bài học lớn, nhưng sẽ có vô vàn bài học nhỏ cho tất cả những ai đang trong cảnh "chung thân", nơi ở bình yên nhất không hẳn là nơi an toàn nhất, nơi nhiều sóng gió nhất không hẳn là không có cách để vượt qua..." |