Họa sĩ Lê Duy Ứng: Vẽ bằng ánh sáng niềm tin

Bị thương và hỏng đôi mắt chỉ 2 ngày trước giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước năm 1975, tưởng chừng mất hết hy vọng vào cuộc sống, nhưng được sự giúp đỡ của bạn bè, đồng đội và tình yêu chân thành của người vợ, họa sỹ Lê Duy Ứng (thương binh hạng 1/4) đã đứng lên, nỗ lực không ngừng để tiếp tục sự nghiệp sáng tác và cho ra đời những tác phẩm hội họa, điêu khắc có giá trị nghệ thuật cao.

 

Ánh sáng và niềm tin


Họa sỹ Lê Duy Ứng sinh năm 1947 tại làng Cổ Hiền, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Được bố là họa sỹ - nhà báo Lê Yến hướng dẫn, nên chỉ mới 10 tuổi, Lê Duy Ứng đã biết vẽ và vẽ rất đẹp. Học hết cấp 3, Lê Duy Ứng vào Đại học Mỹ thuật Hà Nội (42 Yết Kiêu), đến năm học thứ 3, theo tiếng gọi của non sông, ông nhập ngũ lên đường đi chiến đấu. Năm 1972, ông có mặt ở Quảng Trị, sau một thời gian chiến đấu, ông được đưa lên làm trợ lý tuyên huấn trung đoàn 101.


Sau giải phóng thành cổ Quảng Trị, đơn vị ông đánh vào Cửa Việt. Sau chiến thắng Cửa Việt, ông được rút về làm cán bộ tuyên huấn của Sư đoàn 325. Ngày 17/5/1974, ông được điều về làm trợ lý tuyên huấn Quân đoàn 2 (binh đoàn Hương Giang), theo đội hình hành quân thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn.


 

Họa sỹ thương binh Lê Duy Ứng bên tác phẩm của mình.

 

Sáng ngày 28/4/1975, trong trận đánh căn cứ Nước Trong, cách cửa ngõ Sài Gòn 30 cây số, khi đang chụp ảnh, vẽ ký họa ghi lại hình ảnh chiến đấu của bộ đội ta trên chiếc xe tăng 847 (thuộc Lữ đoàn 203), ông bị trúng đạn và hỏng cả 2 mắt. Khi tỉnh dậy, mắt không nhìn thấy gì, nghĩ mình sẽ khó qua khỏi, nên ông muốn làm một việc gì đó thật ý nghĩa.


Vậy là dưới làn bom đạn ác liệt, ông lần mò lấy giấy, dùng ngón tay làm bút, dùng máu từ vết thương ở mắt của mình vẽ bức chân dung Bác Hồ với nền là lá cờ Tổ quốc, cờ Đảng, dưới bức chân dung, ông ghi đậm dòng chữ “Ánh sáng niềm tin/Con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân”, ông gấp cẩn thận bức tranh, cho vào túi áo ngực và lại ngất đi.


Kể đến đây, họa sỹ Lê Duy Ứng đùa vui: “Đồng đội bảo tôi là người cao số, mấy lần chết đi sống lại”. Rồi ông kể, sau khi bị thương, ông được đồng đội đưa vào trạm phẫu thuật gần đó, nhưng do ông đã ngừng thở, nên đồng đội đưa ông vào nhà xác. Đến khi tỉnh dậy, thấy khát nước, ông thều thào kêu: “Nước, nước, nước!”. Một chiến sĩ quân y đi ngang nghe tiếng kêu đã bế ông ra. Vừa ra khỏi nhà xác, một tiếng nổ đinh tai, một quả đạn pháo rót trúng nhà xác.


Đến khi ra đến Sơn Lộc, ông lại bị chết lâm sàng lần nữa. Đồng đội đưa ông đi chôn. Trong lúc đồng đội sửa sang lại huyệt, ông tỉnh dậy bò ra khỏi cáng. Đồng đội phát hiện lại đưa ông về điều trị. Khi thay quần áo cho ông, mọi người ở Quân y viện đã hết sức ngỡ ngàng trước bức tranh đặc biệt trong túi áo của ông, nên đã mang cất đi. Bức huyết họa ấy đã trở thành biểu tượng của niềm tin chiến thắng và sức sống mãnh liệt của người chiến sĩ cách mạng Việt Nam, hiện đang được trưng bày ở Bảo tàng Hồ Chí Minh.

 

Và một nghị lực phi thường...


Họa sỹ Lê Duy Ứng tâm sự: “Những ngày đầu khi biết mình bị mù, tôi tuyệt vọng nghĩ thế là hết. Rất nhiều lần tôi nghĩ đến cái chết. Nhưng khi thấy đồng đội mình là Vũ Đình Phơn (bị hỏng 2 mắt, cụt 2 tay) nhưng vẫn rất yêu đời, đùa vui suốt ngày, tôi thấy mình vẫn còn may mắn hơn bạn, nên không còn ý định tự tử nữa”.


Cũng chính trong những ngày điều trị ở bệnh viện, ông may mắn gặp Giáo sư, bác sỹ Đào Xuân Trà, khi đó là Phó viện trưởng kiêm Trưởng khoa mắt Viện Quân y 108. Thấy ông suốt ngày ngồi buồn trên ghế đá, Giáo sư Trà ra vỗ vai ông động viên: “Mình biết là họa sỹ mà lại bị hỏng mắt, Ứng sẽ rất buồn. Nhưng vừa rồi mình sang Liên Xô, thấy có một người mù nhưng nặn tượng đẹp lắm, hay là Ứng thử chuyển sang điêu khắc xem sao”. Nghe Giáo sư Trà nói vậy, ông cảm thấy phấn chấn hẳn lên, ông nhờ bạn bè ở trường Mỹ thuật tìm giúp đất và miệt mài tập nặn trong bóng tối.


Sau nhiều ngày tháng, ông hoàn thành tác phẩm đầu tay của mình, bức tượng về Bác Hồ cùng dòng thơ “Hỏng mắt con tạc tượng Người/Niềm tin ánh sáng trọn đời trong con”. Tác phẩm của ông nhận được nhiều lời khen ngợi. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đến thăm Viện quân y 108, xem ông nặn tượng Bác Hồ đã xúc động, trước lúc chia tay, Đại tướng động viên: "Cháu biết nhạc sĩ vĩ đại Betthôven sáng tạo nên những tác phẩm âm nhạc bất hủ khi nào không? Là khi người nhạc sĩ này đã bị điếc. Là họa sĩ bị hỏng mắt, cháu hãy lấy tấm gương đó phấn đấu và rèn luyện”. “Nghĩ đến những người đồng đội đã ngã xuống ở chiến trường, nghĩ đến lời động viên của vị tướng tài ba, cùng sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, của tất cả những người thân, tôi nghĩ mình phải cố gắng để tiếp tục sáng tác, để tri ân những đồng đội và không phụ lòng tốt mọi người.


Vậy là trong suốt 8 năm sống trong bóng tối, tôi đã nặn được khoảng 50 bức tượng bằng đất, các tác phẩm ấy được nhiều người động viên, khen ngợi” - người họa sỹ thương binh tâm sự.


Năm 1982, ông may mắn được Giáo sư, bác sỹ Nguyễn Trọng Nhân mổ ghép mắt thành công, mang lại nguồn ánh sáng quý giá. Năm 1983, họa sĩ Lê Duy Ứng đã trở lại phục vụ quân đội và tiếp tục con đường sáng tác của mình với những tác phẩm về đề tài chiến tranh, cách mạng. Nhưng rồi mắt ông lại kém dần đi. Đến năm 2005, ông sang Nhật Bản phẫu thuật lần nữa và được phục hồi một phần thị lực.


Ông lại tiếp tục sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của mình với tất cả trái tim và nhiệt huyết. Những tác phẩm nổi tiếng của ông được nhiều người biết đến như bức “Tượng Bác Hồ trên đỉnh Trường Sơn”, “Bác Hồ với thiếu nhi”, “Chiến thắng Cửa Việt”, “Tội ác của Mỹ, ngụy với nhân dân Quảng Trị”...


Trong câu chuyện của mình, họa sĩ Lê Duy Ứng không quên nhắc tới người vợ hiền của ông là bà Trần Thị Lê - người luôn đồng hành cùng ông trong suốt những buồn vui của cuộc đời. Ông kể lại, ông và bà gặp và yêu nhau từ năm 1973. Nhưng sau khi bị thương hỏng đôi mắt, vừa mặc cảm, lại không muốn làm khổ người yêu, nên ông không báo cho bà Lê biết.


Mãi sau này, bà Lê được một người bạn của ông báo tin, người phụ nữ một lòng một dạ chung thủy đã đi tìm ông. Thấy ông cứ từ chối mãi, bà Lê đã nói: “Anh đừng từ chối em. Dù bây giờ anh không nhìn được, nhưng anh đã biết mặt em rồi. Nếu sau này, khi con chúng ta ra đời, sẽ giống anh hoặc giống em, lúc đó anh có thể hình dung được khuôn mặt của con chúng ta...”. Nghe câu nói đó, người họa sỹ mù vô cùng xúc động, vậy là tháng 9/1976, hai người đã tổ chức đám cưới.


Trong suốt cuộc đời mình, họa sỹ thương binh Lê Duy Ứng đã sáng tác hàng ngàn bức tranh, tượng... giành được 8 giải thưởng nghệ thuật trong và ngoài nước. Ông đã tổ chức được 44 cuộc triển lãm. Gần đây nhất là triển lãm tranh, ký họa chiến trường và tượng của ông tại Huế, khai mạc từ 17/5, nhân dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Bác Hồ, triển lãm đến 20/8 mới kết thúc.


Ông cũng mới khai mạc một triển lãm nhân dịp kỷ niệm 40 năm Giải phóng Quảng Trị, rất nhiều người khi đến xem triển lãm đã rất xúc động và cảm phục tấm gương và nghị lực phi thường của người họa sỹ thương binh tài ba Lê Duy Ứng.



Bài và ảnh: Phương Hà

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN