Sau khi đưa ba rạp mới chính thức hoạt động (Kim Đồng – 19 Hàng Bài, Công Nhân – 42 Tràng Tiền, Đại Nam – 89 Phố Huế) vào dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, bộ mặt các sàn diễn, sàn chiếu dành cho môn nghệ thuật thứ bảy của Hà Nội cơ bản được thay đổi.
Khang trang, hiện đại hơn và mọi người ngầm hiểu đó là sự tôn trọng văn hóa của Hà Nội nhân sự kiện trọng đại của Thủ đô. Theo đánh giá của cả cơ quan quản lý văn hóa Hà Nội cũng như lãnh đạo các rạp hát, quá trình vận hành các rạp mới đồng nghĩa với số lượng khán giả đến với các đêm diễn, đêm chiếu phim có chuyển biến rõ rệt; nhà hát thường xuyên được đỏ đèn.
Cải tiến chất lượng cùng với thay đổi diện mạoBa rạp mới của Hà Nội cùng được đầu tư đa năng nhằm tăng khả năng sử dụng, làm phong phú hoạt động của nhà hát, phù hợp với xu hướng mới. Với thiện chí này, Hà Nội quyết định đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho các công trình xây mới rạp, riêng rạp Kim Đồng là "món quà" của Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam dành cho Hà Nội nhân dịp Đại lễ gồm 1 phòng chiếu phim 4D và 2 phòng chiếu 2D. Công suất thiết kế của mỗi rạp từ 440 ghế đến 665 ghế, trang thiết bị hiện đại.
Ca sĩ Tuyết Tuyết trong vở kịch của Nhà hát kịch Hà Nội. Ảnh: Internet |
Đối với các cơ quan được giao khai thác rạp mới, mục tiêu “kéo” khán giả đến với mình luôn được ưu tiên hàng đầu khi được sở hữu một cơ ngơi tương đối hoàn chỉnh. Đánh giá về những cố gắng của các nhà hát khi khai thác rạp mới, ông Trần Quốc Chiêm, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội khẳng định: “Mỗi nhà hát có một hướng đi để thu hút khán giả đến với mình nhưng quan trọng nhất họ đã phát huy tổng lực xây dựng những tác phẩm có chất lượng nhằm phục vụ tốt hơn cho khán giả”.
Nhà hát kịch Hà Nội, đơn vị quản lý rạp Công nhân, đã từng nổi tiếng nhiều năm qua với những vở kịch “để đời”: Tôi và chúng ta, Cát bụi...từ khi đưa rạp hát mới vào sử dụng đã ra mắt công chúng Thủ đô nhiều tác phẩm hay: Tình sử nghìn năm, Hà Mi của tôi, Đứa con bị đánh cắp, Trái tim trong trắng…
Đó là những vở kịch xây dựng trên sự nghiêm túc và đam mê nghề nghiệp, chuyển tải những nội dung có chiều sâu tư tưởng kết hợp lực lượng hùng hậu của dàn diễn viên. Bà Trịnh Thúy Mùi, Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, đơn vị được giao quản lý rạp Đại Nam cũng cho biết: “Là một rạp nằm ở trung tâm thành phố lại là khu vực có đối tượng khán giả chèo tốt do vậy nhà hát cố gắng xây dựng những vở diễn hay, dựng lại những tích chèo vừa để phục vụ công chúng, vừa bảo tồn nghệ thuật chèo truyền thống”.
Thời gian qua, Nhà hát Chèo Hà Nội đã chú trọng tìm những kịch bản bản lịch sử, dã sử hay đi vào những đề tài dân gian; đặc biệt Nhà hát Chèo Hà Nội dựng lại 7 vở chèo cổ nhân dịp Hà Nội tròn 1000 năm tuổi được công chúng đánh giá cao.
Sự ủng hộ của công chúngNhững kỳ vọng, những mong đợi của người làm nghệ thuật khi tiếp nhận và khai thác ba rạp mới được trả lời bằng sự ủng hộ nhiệt thành của khán giả suốt 7 – 8 tháng qua. Bước đầu, ba cơ sở rạp hát khang trang đã trở thành địa chỉ tin cậy của công chúng. Bà Vũ Thị Mai Phương, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa Kim Đồng, đơn vị quản lý rạp Kim Đồng tự tin: “Từ khi đưa rạp mới vào sử dụng, ngày càng đông khán giả đến xem phim, nhất là các bộ phim Việt Nam .
Những dịp lễ Tết, những sự kiện trọng đại của đất nước hay của thành phố, Trung tâm Văn hóa Kim Đồng chiếu phim miễn phí cho khán giả theo tinh thần phục vụ chính trị là then chốt và vì thế rạp Kim Đồng luôn nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân”. Theo thống kê của Trung tâm, 7 tháng qua, Trung tâm đã thực hiện 83 buổi chiếu phim phục vụ chính trị thu hút trên 7.000 lượt khán giả tới xem; 90 buổi chiếu phục vụ thiếu nhi phục vụ 36.000 lượt khán giả; 1.080 buổi chiếu cho công chúng phục vụ trên 75.000 lượt khán giả.
Trong dịp 1/6 này, Trung tâm chiếu phim miễn phí cho thiếu nhi tới 3 ngày, được khán giả “nhí” đón nhận nhiệt tình. Nhiều bộ phim Việt Nam có thời lượng chiếu nhiều như Cánh đồng bất tận (chiếu trong 2 tháng), Cô dâu đại chiến (chiếu trong 3 tháng) rồi tới Tây Sơn hào kiệt…
Ông Doãn Văn Sinh, Phó giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội cho biết: Ngay khi đưa vào sử dụng, từ 2/10 – 20/10/2010, buổi diễn nào rạp Công nhân cũng kín chỗ. Những vở diễn như "Tình sử ngàn năm" mặc dù dài tới 3 giờ đồng hồ nhưng không khán giả nào về trước, vở "Hà Mi của tôi" tái hiện lại cuộc sống người Hà Nội thời kỳ chống Mỹ khiến nhiều khán giả rơi nước mắt hay vở "Cát bụi", có người xem tới lần thứ 8, thứ 9 vẫn không chán.
Còn rạp Đại Nam từ khi đưa vào sử dụng tới nay phục vụ trên 3 vạn lượt khán giả. Lãnh đạo Nhà hát Chèo Hà Nội hy vọng, thời gian tới khi trình diễn nhiều vở chèo truyền thống hay các vở chèo cổ sẽ thu hút nhiều khán giả đến với rạp hơn.
Đinh Thị Thuận