Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Khánh Hải cho biết, từ khi là thành viên của ASEAN, Chính phủ Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và các nước thành viên. “Liên hoan âm nhạc ASEAN - 2019” là sự kiện văn hóa nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giữa Việt Nam và các nước trong khu vực. Liên hoan cũng là dịp thành phố Hải Phòng giới thiệu một hình ảnh thân thiện, giàu tiềm năng về du lịch và các thế mạnh về văn hóa.
Liên hoan là nơi hội tụ các đơn vị nghệ thuật đại diện cho các vùng văn hóa Việt Nam, giới thiệu các nền văn hóa tiêu biểu đến từ các quốc gia trong khối ASEAN, đồng thời cũng là cầu nối để nhân dân các nước trong khu vực thêm hiểu biết, gắn bó, đoàn kết, góp phần xây dựng cộng đồng ASEAN ngày càng phát triển thịnh vượng.
Thứ trưởng Lê Khánh Hải mong muốn, các nghệ sĩ Việt Nam giới thiệu các giá trị văn hóa đặc sắc của 3 miền Việt Nam, học hỏi tinh hoa của các bạn, từ đó khơi nguồn sáng tạo để sáng tác các tác phẩm nghệ thuật đáp ứng nhu cầu văn hóa trong giai đoạn hội nhập.
Thứ trưởng Lê Khánh Hải nhiệt liệt chào mừng các đoàn nghệ thuật mang các giá trị đặc sắc của đất nước mình đến với Việt Nam, chúc các đoàn gặt hái đạt nhiều thành tựu trong liên hoan lần này.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam cho biết, đây là một trong những sự kiện văn hóa nổi bật nằm trong chuỗi các sự kiện chào mừng lễ hội Hoa Phượng đỏ.
Phó Chủ tịch Lê Khắc Nam cho biết, việc đăng cai tổ chức liên hoan này sẽ giúp Hải Phòng tiếp tục bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của thành phố, của đất nước, mở rộng mối quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới, cùng các nước trong khu vực xây dựng nền văn hóa hòa bình, ổn định và phồn vinh, an toàn. Thành phố Hải Phòng đã chuẩn bị tích cực để mang đến cho các đoàn nghệ thuật, các nghệ sĩ trải nghiệm ấn tượng, sâu sắc và có điều kiện hoạt động tốt trong những ngày tham dự liên hoan.
Liên hoan lần này có 7 nước ASEAN tham gia, gồm: Campuchia, Lào, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan với tổng số trên 60 nghệ sĩ. Nước chủ nhà Việt Nam lựa chọn 4 đơn vị nghệ thuật đại diện cho 3 miền Bắc, Trung, Nam tham dự với khoảng 100 nghệ sĩ.
Khu vực miền núi phía Bắc có Nhà hát Ca Múa Nhạc Sơn La; miền Nam có Nhà hát Ca Múa Nhạc Dân tộc Bông Sen; miền Trung Tây Nguyên có Đoàn Ca múa dân tộc tỉnh Đắk Lắk và Đoàn Ca Múa Hải Phòng - đơn vị chủ nhà sẽ mang đến cho Liên hoan nhiều sắc màu âm nhạc khác nhau.
Đối với các đơn vị nghệ thuật trong nước, chương trình tham dự Liên hoan phải là chương trình chưa từng tham gia các Liên hoan nghệ thuật trong nước và quốc tế trước đây. Số lượng nghệ sĩ tham gia không quá 20 người (kể cả trưởng đoàn). Nghệ sĩ tham gia chương trình phải nằm trong biên chế hoặc hợp đồng dài hạn của đơn vị.
Hội đồng Nghệ thuật gồm 5 thành viên là những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc có uy tín. Trong đó, Việt Nam có hai thành viên, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam là Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật và Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Lam.
Ba thành viên người nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định. Thành viên Hội đồng người nước ngoài được Ban Tổ chức mời trong số các quốc gia thành viên ASEAN tham dự Liên hoan.
Ban Tổ chức sẽ trao Huy chương Vàng, Huy chương Bạc cho cá nhân hoặc tiết mục đoạt thành tích xuất sắc tại Liên hoan, không chấm và trao giải chương trình, tặng cúp, cờ lưu niệm cho các đơn vị tham gia Liên hoan.
So với những liên hoan trước, Liên hoan lần này có sự đổi mới về hình thức biểu diễn. Mỗi đoàn sẽ biểu diễn chính thức 2 buổi tại sân khấu Nhà hát Lớn thành phố Hải Phòng, mỗi buổi biểu diễn 1/2 số lượng tiết mục của đơn vị. Đoàn Hải Phòng và Indonesia diễn trọn chương trình vào tối khai mạc.
Liên hoan diễn ra từ ngày 25 đến ngày 31/5.