Khèn Mông - nét văn hóa đặc sắc cần giữ gìn

Chiếc khèn là nhạc cụ gắn liền với đời sống và sinh hoạt của đồng bào Mông. Trong những ngôi nhà gỗ của đồng bào Mông, khèn được treo ở vị trí trang trọng. Một hướng dẫn viên (HDV) trên tuyến Tây Bắc nhận xét: “Vào nhà người Mông chỉ cần nhìn thấy chiếc khèn là có thể biết trong nhà có một người đàn ông mạnh mẽ và tài hoa”.

Một nét văn hóa

Từ xưa, tiếng khèn đã là món ăn tinh thần, là bản sắc văn hóa của người Mông. Do đó, từ ma chay, cưới xin đến các lễ hội, sự kiện đều có tiết mục múa khèn, thổi khèn.

Vàng Quẩy Phừ (trái) múa khèn với chú.


Theo lời người già kể lại, xưa kia có một đôi vợ chồng già sinh được 6 người con trai. Khi bố mẹ qua đời, 6 anh em tiếc thương khóc hết nước mắt và nghĩ ra cách thổi những ống trúc thay lời tưởng nhớ mẹ cha. Về sau, người Mông sử dụng sự sáng tạo và tưởng tượng phong phú của mình để sáng tạo ra chiếc khèn và sáng tác những làn điệu đặc sắc, thể hiện tình cảm của mình đối với ông bà tổ tiên.

Khèn Mông được làm từ gỗ pơmu và 6 ống trúc dài ngắn khác nhau. Các ống trúc này được xếp khéo léo, song song trên thân khèn. Trúc làm ống phải phơi đủ độ khô, không được ẩm, cũng không được quá khô, thì tiếng khèn mới hay. Quan trọng nhất là khâu khoét lỗ cho lưỡi đồng rồi bịt lại bằng dây rừng cho thật chặt, thật khít. Độ cao thấp, vang ngân của khèn phụ thuộc vào việc chỉnh các lưỡi đồng, mỏng dày thế nào, to nhỏ ra sao. Động tác múa khèn của người Mông rất phong phú và đa dạng như: Múa nhảy đưa chân, quay đổi chỗ, quay tại chỗ, vờn khèn, lăn nghiêng, lăn ngửa...

Ông Sùng Đại Dùng, nghệ nhân khèn Mông, năm nay hơn 80 tuổi, cho biết: “Khèn Mông là đại diện của dân tộc Mông cho nên phải cố gắng học, cố gắng luyện. Nếu không đào tạo người học cái khèn Mông và không có lễ hội khèn tổ chức thường xuyên thì nó sẽ mất đi trong chục năm nữa”.

Nỗ lực truyền dạy cho giới trẻ

Những nghệ nhân khèn Mông tâm huyết vẫn day dứt về việc ngày càng ít thanh niên biết thổi khèn. Anh Vàng Quẩy Phừ, đội 4, thôn Đồng Tiến, xã Yên Thành, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, cho biết: “Trong thôn cũng chỉ có mình hay tham gia các buổi lễ thôi. Người trẻ ít học khèn. Ở nhà, ngày lễ hội có biểu diễn khèn nhưng bình thường chỉ ngày đám ma mới dùng đến khèn”.

Còn nghệ nhân Ma Khái Sò (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) cho rằng: “Hiện lớp trẻ học khèn ít lắm. Có người thổi được, nhưng điệu nhảy chưa đúng. Hiện nay lớp trẻ múa khèn theo nhạc từ đĩa và loa nhưng nhiều người không thạo nhạc nên nhảy không đúng điệu. Giờ lớp trẻ chỉ biết múa khèn theo nhạc. Có đĩa nhạc nói chung phong phú hơn nhưng cũng làm lớp trẻ lười hơn. Để học thổi một số điệu cơ bản và học nhảy mất khoảng 20 ngày. Nhưng để thạo nhạc thì khó lắm, đòi hỏi kiên trì và có cảm thụ nhạc. Hiện số nghệ nhân biết thổi và múa khèn ngày càng ít. Bài khèn Mông có hàng nghìn bài như bài về “Khai thiên lập địa” nói về con người từ trên trời rơi xuống có 22 bài, 20 bài về bạn bè, 360 bài đám ma... Các bài khèn dùng trong văn nghệ giờ nhiều lắm, do lớp trẻ tự sáng tác”.

“Các địa phương không tổ chức lễ hội, hội thi thường xuyên thì nghệ nhân và lớp trẻ dần quên thổi và múa khèn. Thậm chí cán bộ cơ sở nhiều người không biết khèn Mông nên không xây dựng phong trào. Một số có học nhưng không đúng theo bản gốc, tự họ sáng tác ra và dùng trong văn nghệ thì được; trong nghi lễ thì không đúng. Nếu không có sự kế thừa của lớp trẻ thì nét đẹp văn hóa dân tộc này có thể mai một”, ông Ma Khái Sò tâm sự.

Đại diện phòng văn hóa huyện Đồng Văn (Hà Giang) cho biết: Khèn Mông là nét đẹp dân tộc đặc sắc và sẽ quảng bá để thu hút khách. Huyện cũng đã tổ chức vài lớp dạy khèn tại nhà Vương - một điểm du lịch không thể bỏ qua khi đến cao nguyên đá Đồng Văn. Huyện hướng bảo tồn khèn Mông theo hướng nguyên bản, tổ chức diễn khèn tại buổi hợp chợ, phát huy vai trò của người dân bản địa.

Bài và ảnh: Xuân Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN