Đó là khẳng định của lãnh đạo Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tại lễ kỷ niệm 5 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Trung tâm Lưu trữ quốc gia 4, ngày 25/8 tại Đà Lạt, Lâm Đồng.
Tách ra từ kho lưu trữ của Trung tâm Lưu trữ quốc gia 2, Trung tâm Lưu trữ quốc gia 4 đang bảo quản một khối lượng lớn các tư liệu quý, trong đó quan trọng nhất là kho mộc bản triều Nguyễn (được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới vào năm 2009).
Từ hàng nghìn bản khắc gỗ vốn bị “lãng quên” nhiều thập niên qua, Trung tâm lưu trữ quốc gia 4 đã chỉnh lý lại và qua đó phát hiện, công bố nhiều tài liệu có giá trị rất cao như: Bản khắc Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ, bản khắc Hịch tướng sĩ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, bản khắc Bình ngô đại cáo của Nguyễn Trãi... Đặc biệt Trung tâm Lưu trữ quốc gia 4 đã tìm và công bố được 14 tài liệu (khắc trên 17 mặt gỗ) trong khối mộc bản triều Nguyễn khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc lưu trữ và công bố những tài liệu quý hiếm này có tác dụng to lớn không chỉ về mặt học thuật mà còn góp phần quan trọng vào việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Theo bà PhạmThị Huệ - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia 4: Từ kho mộc bản triều Nguyễn này, Trung tâm đã nghiên cứu, xuất bản hàng chục đầu sách, phối hợp với các nhà khoa học, các cơ quan báo chí viết và phát hành trên 830 bài báo bằng nhiều thứ tiếng có giá trị cao về lịch sử, chính trị... để phục vụ công tác khoa học, tuyên truyền lịch sử Việt Nam trong và ngoài nước.
Phan Văn Đông