Đặc biệt, tỉnh đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và thu hút đông đảo sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng nếp sống văn minh, góp phần xây dựng nông thôn mới địa phương.
Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới với 20 dân tộc và hơn 84% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; trong đó có nhiều dân tộc thiểu số ít người như: Cống, Mảng, La Hủ, Si La, Lự. Những năm qua, nhằm xây dựng đời sống văn hóa cho người dân, tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các cấp, các ngành địa phương thực hiện theo từng năm, từng giai đoạn cụ thể với nhiều giải pháp linh hoạt và các chỉ tiêu chủ yếu như: số hộ được công nhận gia đình văn hóa, số bản khu phố đạt tiêu chuẩn văn hóa, số đội văn nghệ quần chúng hoạt động thường xuyên; tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn, cũng như các giải thi đấu thể thao...
Đặc biệt, để đời sống văn hóa thực sự lành mạnh, phong phú, ngoài việc thường xuyên đa dạng các hình thức tuyên truyền, Lai Châu còn chú trọng bảo tồn, khôi phục các lễ hội truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của từng dân tộc. Cụ thể, huyện Tân Uyên xác định việc xây dựng phát triển văn hóa con người đi đôi xây dựng nông thôn mới; huyện biên giới Mường Tè, Phong Thổ lựa chọn việc bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch; thành phố Lai Châu đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn minh đô thị… Thông qua đó, người dân được thỏa mãn nhu cầu tâm linh tín ngưỡng, góp phần bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc và thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc trong tỉnh Lai Châu.
Có thể thấy, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh đã thực sự trở thành phong trào thi đua rộng lớn thu hút mọi tầng lớp nhân dân và đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu cùng tham gia.
Tại huyện biên giới Phong Thổ, tới khu tái định cư mới của các hộ dân người Thái vùng Chăn Nưa chuyển lên ở thôn Đoàn Kết, thị trấn Phong Thổ, diện mạo nơi đây đẹp và khang trang hơn so với những năm trước. Trong thời tiết se lạnh của những ngày đầu Đông, nhà văn hóa thôn Đoàn Kết vang lên tiếng hát Then trong trẻo, ngọt ngào của các bà, các chị hòa cùng âm thanh trầm bổng, ngân nga của cây đàn tính.
Bà Điêu Thị Phe - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa dân gian dân tộc Thái thôn Đoàn Kết cho biết: "Câu lạc bộ thành lập được hơn một năm, trong đó đội văn nghệ có 21 thành viên. Vào thời gian nông nhàn, các thành viên trong đội lại luyện tập múa hát với nhau để đi biểu diễn, giao lưu ngoài huyện và các xã khác. Còn lại các thành viên tham gia sưu tầm, bảo tồn văn hóa của người Thái. Hơn một năm qua, Câu lạc bộ luôn nỗ lực phục dựng lại nghề dệt vải truyền thống; sưu tầm các hiện vật trong đời sống lao động hàng ngày để trang trí không gian văn hóa người Thái trong ngôi nhà sàn. Chúng tôi rất vui khi nhân dân trong thôn đã đoàn kết hoàn thành được không gian văn hóa này".
Thị trấn Phong Thổ hiện có 7 thôn, bản, tổ dân phố với trên 1.425 hộ dân sinh sống, chủ yếu là người Thái, Kinh, Giáy, Mông. Theo ông Nguyễn Văn Tuyển - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phong Thổ: Thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", thị trấn gắn đã với các phong trào thi đua của từng tổ chức hội, đoàn thể. Chẳng hạn như, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc với phong trào Vận động "Qũy vì người nghèo"; "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" của Hội nông dân; Đoàn Thanh niên có "5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc"; Hội Khuyến học có mô hình "Xã hội học tập", "Gia đình hiếu học"...
Hàng năm thị trấn chú trọng kiện toàn Ban Chỉ đạo phong trào, hướng dẫn các thôn, bản, tổ dân phố thực hiện từng nội dung, tiêu chí. Vận động các gia đình, đoàn viên, hội viên thực hiện xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa gắn với thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Để xóa đói, giảm nghèo, thị trấn vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giúp đỡ nhau về cây, con giống, ngày công lao động. Mặt khác, thị trấn phát huy hiệu quả của các quy ước, hương ước của từng thôn, bản nhằm ngăn chặn các mâu thuẫn, tệ nạn xã hội có thể xảy ra; huy động nhân dân hiến đất, góp công, góp của xây dựng nhà văn hóa của khu dân cư và các thiết chế thể thao khác.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà diện mạo của thị trấn Phong Thổ ngày càng phát triển. Đến nay, thị trấn có 7/7 tổ dân phố, thôn, bản có nhà văn hóa; có 15 đội văn nghệ quần chúng, 4 Câu lạc bộ thể dục thể thao; 80% dân số tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên; 93,82% số hộ đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa"; 100% tổ dân phố, thôn, bản đạt chuẩn văn hóa.
Thời gian tới, thị trấn Phong Thổ tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; nhân rộng gương "Người tốt việc tốt"; đẩy mạnh các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao. Phấn đấu đến hết năm 2022, thị trấn Phong Thổ được công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Lai Châu đã tổ chức hơn 50 buổi biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, trên 200 buổi biểu diễn, giao lưu văn hoá, văn nghệ ở cơ sở; tổ chức gần 15 giải thi đấu thể thao cấp tỉnh, gần 260 giải thi đấu thể dục thể thao cấp cơ sở; tham gia 17 giải thi đấu thể thao khu vực toàn quốc, đạt 80 huy chương các loại. Đặc biệt, năm nay, 8/8 huyện, thành phố tổ chức thành công Ngày hội Văn hóa các dân tộc với sự tham gia đông đảo của nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Lai Châu phấn đấu hết năm 2022 có 78% thôn, bản, khu dân cứ có nhà văn hóa; 85,4% hộ gia đình, 74,4% thôn, bản, khu phố, 96,8% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn văn hóa; 90,7% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh.
Để thực hiện hiệu quả phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trên địa bàn trong thời gian tới, Lai Châu tiếp tục phát triển văn hóa đi đôi với tăng trưởng kinh tế; rà soát, bổ sung và điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; chú trọng phát triển văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng. Tỉnh gắn kết chặt chẽ phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" với "Phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" đi vào chiều sâu; tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa, nhất là việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống gắn với phát triển các loại hình du lịch, dịch vụ.