Liên hoan diễn ra nhân dịp kỷ niệm 15 năm Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, đại diện của nhân loại (25/11/2005 - 25/11/2020).
Đây là lần đầu tiên tỉnh Đắk Lắk tổ chức Liên hoan văn hóa cồng chiêng cấp tỉnh. Tham gia liên hoan có gần 450 nghệ nhân, diễn viên quần chúng của 15 đoàn thuộc 15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Mỗi đơn vị tham gia xây dựng kịch bản chương trình dài khoảng 20 phút, với các tiết mục hòa tấu, độc tấu nhạc cụ dân tộc, đơn ca, song ca các làn điệu dân ca kết hợp trình diễn và phục dựng các nghi lễ, lễ hội.
Phát biểu khai mạc liên hoan, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Thái Hồng Hà nhấn mạnh: Nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng luôn được tỉnh Đắk Lắk quan tâm thực hiện, nhằm gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Liên hoan là dịp để các nghệ nhân, diễn viên quần chúng gặp gỡ, giao lưu văn hóa nghệ thuật gắn với diễn tấu cồng chiêng, tô thắm thêm tình đoàn kết các dân tộc anh em; tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Liên hoan cũng là hoạt động thiết thực chào mừng các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước và kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk (23/11/1940 - 23/11/2020). Thông qua liên hoan, Ban tổ chức mong muốn sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ, đội cồng chiêng tiêu biểu, nòng cốt ở khắp các địa phương trong tỉnh. Thông qua đó, tỉnh góp phần bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam, thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và Nghị quyết số 33 - NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Lần đầu được tổ chức nhưng Liên hoan văn hóa cồng chiêng năm 2020 của tỉnh Đắk Lắk quy tụ rất đông nghệ nhân và diễn viên quần chúng ở nhiều lứa tuổi khác nhau tham gia. Các đơn vị đã đăng ký nhiều tiết mục độc đáo và mang tính đặc trưng của dân tộc tại mỗi địa phương, thể hiện được tính kế thừa khi mạnh dạn đưa các đội nghệ nhân trẻ tham gia trình diễn. Các nghệ nhân đã nỗ lực, phát huy hết niềm say mê, trình diễn các tiết mục cồng chiêng gắn với nghi thức, nghi lễ truyền thống, với những lời ca, điệu múa mang đậm đà bản sắc văn hóa của dân tộc, thu hút đông đảo khán giả theo dõi và cổ vũ.
Sau một ngày làm việc công tâm và khách quan, Ban tổ chức đã trao 5 giải A, 10 giải B, 15 giải C và 4 giải phụ "Đội chiêng trẻ xuất sắc", "Tiết mục trình diễn lễ hội xuất sắc", "Nghệ nhân lớn tuổi xuất sắc" và "Nghệ nhân nhỏ tuổi xuất sắc". Giải Nhất toàn đoàn thuộc về đoàn Ea H’Leo.