Lễ hội gò Đống Đa: Lễ hội của lòng yêu nước

Trong không khí rộn ràng xuân mới Nhâm Thìn, ngày 27/1 (tức mồng 5/1 Tết Nguyên đán), Lễ hội kỷ niệm 223 năm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa (1789-2012) đã diễn ra hùng tráng tại Công viên văn hóa Đống Đa – Hà Nội. Hàng ngàn người đã đội mưa rét về đây tham dự lễ hội đầu tiên trong năm mới của Thủ đô.

Các đoàn tế dâng hương tưởng niệm vua Quang Trung tại gò Đống Đa (Hà Nội).


Tuy không phải là năm chẵn nhưng Lễ hội kỷ niệm 223 năm chiến thắng Ngọc Hồi -Đống Đa năm nay vẫn thu hút hàng ngàn du khách thập phương cùng nhiều đoàn tế lễ của Hà Nội và các địa phương lân cận tới dâng hương, tưởng niệm người anh hùng áo vải Quang Trung -Nguyễn Huệ. Khi tiếng trống hội Thăng Long rền vang, phần lễ chính thức bắt đầu bằng nghi thức dâng hương tế lễ của đoàn lễ Hà Nội, Bình Định cùng các địa phương lân cận. Tiếp đến là lễ rước kiệu, màn múa Rồng, lễ dâng hương tại Chùa Bộc, chùa Đồng Quang, tôn vinh người anh hùng áo vải Quang Trung với những chiến công hiển hách, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt.

Theo truyền thống, trong Lễ hội gò Đống Đa xuân Nhâm Thìn 2012, nhân dân vẫn được chứng kiến đám rước thần mừng chiến thắng từ đình Khương Thượng về Công viên văn hóa Đống Đa trong rừng cờ, tán, lọng, kiệu rực rỡ sắc màu cùng với chiêng, trống, thanh la... Độc đáo nhất là đám rước "Rồng lửa" với rơm bện, mo nang và giấy bồi kết thành hình rồng. Tốp thanh niên bao quanh đám rước "Rồng lửa", biểu diễn côn quyền, tái hiện một phần hình ảnh đoàn quân Tây Sơn 223 năm trước (Kỷ Dậu 1789) đánh tan 29 vạn quân xâm lược nhà Thanh, giải phóng thành Thăng Long, mở ra trang sử mới vẻ vang cho đất nước. Sau lễ rước là lễ dâng hương tưởng nhớ công lao của vua Quang Trung tại Công viên văn hóa Đống Đa.

Với mong muốn mang lại không khí tươi mới cho lễ hội năm nay, các trích đoạn chèo, tuồng tái hiện câu chuyện tình huyền thoại của người Anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ với công chúa Ngọc Hân trong những xuân hội trước, được thay thế bằng chương trình ca múa nhạc tổng hợp mang tính sử thi với chủ đề "Âm vang bản hùng ca Đống Đa". Đó là màn trống hội phối hợp liên khúc hát múa "Hội xuân Đống Đa", "Huyền thoại một tình yêu", "Bài ca chiến thắng", "Đống Đa khúc thanh âm ngày mới"… Các tiết mục đặc sắc này đã tái hiện chiến thắng lẫy lừng của vua Quang Trung vào năm 1789. Cả khu vực âm vang tiếng trống trận dồn dập và không khí tưng bừng của lễ hội đầu xuân. Người dân Thủ đô lại được sống trong không khí Tây Sơn hào hùng của một thời lịch sử. Bên cạnh đó, các tiết mục biểu diễn võ thuật, tứ linh, múa quạt, múa sinh tiền, thi đấu cờ người, cờ tướng, các trò chơi dân gian, biểu diễn quan họ Bắc Ninh, biểu diễn thể dục thể thao… diễn ra trong ngày hội cũng thu hút đông đảo du khách.

Năm 2012, lần đầu tiên không gian Lễ hội Đống Đa được mở rộng đến chùa Kim Sơn, Nhà hát Kim Mã, nơi an táng nghĩa quân Tây Sơn đã hy sinh vì nước. Tại đây, liên tục từ 27-29/1/2012 (tức mùng 5-7 tháng Giêng), 15 nghệ nhân dân gian xuất sắc nhất của tỉnh Bình Định - quê hương của người Anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ đã hát bài chòi có nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi chiến thắng của nghĩa quân Tây Sơn. Theo GS Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, nghĩa quân Tây Sơn trên đường hành quân thần tốc ra Bắc đã hát bài chòi, vì thế có thể coi nghệ thuật bài chòi là một thứ nhạc khí giúp nghĩa quân thắng trận giòn giã. Do loại hình nghệ thuật độc đáo này ít nhiều bị mai một trên chính mảnh đất nó sinh ra, nên trong khoảng thời gian dài vừa qua không thể giới thiệu trọn vẹn với nhân dân cả nước. Năm nay, tỉnh Bình Định đã phục hồi tương đối trọn vẹn nghệ thuật hát bài chòi và mang ra Thủ đô biểu diễn đúng dịp kỷ niệm 223 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.

Phương Hà

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN