Lên Côn Sơn thăm nhà Nguyễn Trãi

Dự định nhiều lần, trong chuyến về Bắc lần này tôi mới về được Côn Sơn thăm nhà của Nguyễn Trãi. Buổi sáng những ngày đầu thu mát mẻ. Đường Côn Sơn quanh co khuất khúc. Hơi cây, hơi rừng lành lạnh. Chúng tôi leo từng bậc đá đã được thế hệ hậu sinh xây dựng lên khu nhà cụ.

Dòng suối Côn Sơn trong veo tuôn chảy. Có lẽ sáu trăm năm trước suối vẫn chảy như thế này đây:

Côn Sơn có khe

Tiếng nước chảy rì rầm

Ta lấy làm đàn cầm

Côn Sơn có đá

Mưa xối rêu xanh đậm

Ta lấy làm chiếu thảm.

Du khách thập phương dâng lễ. Ảnh: Quý Trung - TTXVN.

Chúng tôi tha thẩn bên bờ suối đá. Tôi vốc từng vốc nước trong vắt lên rửa mặt cơ hồ cảm nhận được cái thanh khiết của ngàn xưa còn truyền lại. Từ hồi bốn, năm tuổi, cậu bé Trãi theo ông ngoại về động Thanh Hư, con suối này đã tắm mát tâm hồn cậu ngay từ thuở thiếu thời. Sau này, ngoài những năm vào Lam Sơn kháng chiến gian khổ, một vài năm làm quan ở chốn kinh thành, Côn Sơn gắn bó với phần lớn cuộc đời Nguyễn Trãi:

Từ khi đi khỏi núi nhà vừa mười năm

Trở về thì tùng cúc đã nửa hoang rậm

Có hẹn với rừng suối sao ta nỡ phụ

Cúi đầu nơi đất bụi chỉ tự thương mình

….
Bao giờ được làm nhà dưới ngọn núi mây

Được múc nước khe nấu chè (trà) và gối đá ngủ.

Sau mười năm kháng chiến gian khổ, lúc này còn bao nhiêu công việc bề bộn trước mắt, lo kiến quốc, xây dựng bộ máy cầm quyền, và tất nhiên với công lao vĩ đại của mình ông sẽ được thăng thưởng hưởng chút phú quí vinh hoa như mọi người có công lao khác, sao ngay lúc đó Nguyễn Trãi đã ước được lui về chốn rừng suối xưa?

Hương bốc ở đỉnh sành trên cây gió sinh. Trăng soi trên ghềnh rêu, đầy rừng trúc mọc. Để rửa sạch lòng trần, có chè (trà) ngoài hoa. Để gọi tỉnh mộng buổi trưa có chim bên gối. Ngày dài tựa ghế quên cả nói. Người với mây trắng, ai là có tâm tình?.

Núi Côn Sơn không cao nhưng thanh khiết, trăng ngàn, gió trúc, cây đá phong rêu là nơi di dưỡng những tâm hồn thanh tịnh.

Nổi chìm trong phù tục đã năm chục năm

Đành phụ tình duyên với khe và đá của núi cũ.


Nhưng Nguyễn Trãi về Côn Sơn mà không phải là ở ẩn. Tấm lòng ông vẫn canh cánh vì lẽ “chăn dân”. Ông đã từng mơ ước: “Làm sao cho khắp thôn cùng, xóm vắng không có một tiếng hờn giận oán sầu”. Ông tham gia cuộc kháng chiến mười năm gian khổ cũng chính là cái mong ước ấy. Về Côn Sơn rồi mà ông vẫn đau đáu: “Nhất tâm báo quốc thượng hoàn hoàn. Tiểu cấu mão đình thả tự khoan” (Một lòng báo quốc vẫn còn hăng hái. Dựng nhà tranh nhỏ để tự khuây lòng).
    *  
*       *

Chúng tôi ngồi rất lâu bên bóng mát của rừng cây, núi đá. Bây giờ yên lặng cả rồi, yên lặng rất lâu rồi cả cái đại thảm họa không thể hình dung nổi ấy. Cuộc kháng chiến chống quân Minh mười năm gian khổ vừa đi qua chưa bao lâu thì vị anh hùng dân tộc, người có công lao bậc nhất trong cuộc kháng chiến đã phải rơi đầu cả ba họ vì sự trả thù hèn hạ.

Sau đó không lâu vua Lê Thánh Tôn - người chịu ơn trực tiếp của Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ đã xuống chiếu tẩy oan cho Nguyễn Trãi, truy tặng ông quan chức, cho người tìm con cháu còn sót lại của ông để trọng dụng, tìm lại văn thơ của ông để phổ biến, lưu truyền. Đời vua Lê Tương Dực trả lại ông tước Hầu. Dù đã được sửa sai như thế nhưng nỗi đau lớn ấy không cách gì bù đắp nổi. Những năm ấy, cả cái cơ ngơi thanh bần của Quan Phục hầu Thừa chỉ Nguyễn Trãi tan hoang, lạnh vắng. Ngày ông và ba họ ra pháp trường, cả Thăng Long, cả đất nước bàng hoàng, đau đớn. Tang trắng cả Nhị Khê, Chi Ngại, Côn Sơn. Đau đến từng gộp đá, gốc cây, tưởng hóa thành băng con suối lạnh. Hơn sáu trăm năm sau qua rồi, mà dường như nỗi đau vẫn còn u uẩn trên vòm núi cao xanh kia. “Họa phúc có nguồn phải đâu một buổi. Anh hùng để hận hàng mấy nghìn năm”, câu thơ Nguyễn Trãi viết trước đó đã vận vào cuộc đời ông? Hay sống giữa triều đình nhiều kẻ độc ác, mưu mô xảo quyệt, nhiều kẻ nịnh thần, cơ hội, Nguyễn Trãi đã linh cảm thấy điều chẳng lành khi ông sống nhân nghĩa quá, thanh cao quá, trung thực quá, đêm ngày đau đáu lo cho nước, cho dân.

Đàm Chu |Văn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN