Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam cấp bằng chứng nhận di tích trái thẩm quyền

Không tổ chức đón nhận bằng chứng nhận “Việt Nam linh thiêng Cổ tự” tại di tích chùa Văn Phú, quận Hà Đông, Hà Nội.

Đây là quan điểm của lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội trong buổi thông tin với báo chí vào ngày 29/12 khi đề cập đến việc chùa Văn Phú (quận Hà Đông, Hà Nội) đã nhận bằng chứng nhận “Việt Nam linh thiêng Cổ tự” và “Không gian văn hóa du lịch tâm linh” do Liên hiệp các hội Unesco Việt Nam cấp. Hai bằng chứng nhận này đã được chùa Văn Phú đưa về di tích.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã làm việc với sư trụ trì chùa Văn Phú cùng đại diện UBND quận Hà Đông, UBND phường Phú La (quận Hà Đông) về vấn đề này.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề nghị UBND quận Hà Đông chỉ đạo các phòng, ban liên quan của quận và UBND phường Phú La không tổ chức hoạt động đón nhận bằng chứng nhận “Việt Nam linh thiêng Cổ tự” và “Không gian văn hóa du lịch tâm linh” cấp tại chùa Văn Phú. Đồng thời, Sở đề nghị khẩn trương đưa hai bằng chứng nhận này ra khỏi di tích trước ngày 5/1/2018.

Đặc biệt, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề nghị, Công an quận Hà Đông điều tra, làm rõ những khoản chi phí liên quan đến việc cấp bằng chứng nhận trên tại di tích.

Theo ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, chùa Văn Phú được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa năm 1998, việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích phải tuân theo quy định của pháp luật. Việc Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam tổ chức cấp bằng chứng nhận trên cho di tích là trái với thẩm quyền của tổ chức này.

Theo báo cáo của Phòng Văn hóa và Thông tin các quận, huyện, thị xã, thời gian qua Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam đã cấp bằng chứng nhận cho hệ thống đền đạt chuẩn hóa đền thờ Tam, Tứ phủ theo nghi lễ văn hóa truyền thống Việt Nam, bằng chứng nhận “Việt Nam linh thiêng Cổ tự” và “Không gian văn hóa du lịch tâm linh” cho các ngôi đền, chùa trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Qua kiểm tra thực tế tại một số di tích được phản ánh trên địa bàn như trường hợp cấp bằng công nhận “Việt Nam linh thiêng Cổ tự” và “Không gian văn hóa du lịch tâm linh” cho chùa Văn Phú, quận Hà Đông, không thông qua các cơ quan quản lý tại địa phương, không được người dân, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội tiến cử, giới thiệu, không ban hành tiêu chí xét tặng, không có hồ sơ tiếp cận di tích.

Một số điện thờ của tư gia tại thị xã Sơn Tây như: Đền Hồng Sơn Từ, phường Lê Lợi; đền Công Đồng, phường Trung Hưng; đền Cốc Khẩu Linh Từ, xã Thanh Mỹ, không có giá trị về kiến trúc nghệ thuật, đồ thờ được làm mới và không gắn với sự kiện, nhân vật lịch sử. Đặc biệt, đền tư gia Công Đồng có thời gian dài tự nhận là đền Trình Phụ Mẫu, di tích thuộc quần thể di tích kiến trúc Đền Và, phường Trung Hưng, nhằm mục đích thu hút khách khi đến lễ Đền Và phải qua lễ trình tại đền này. Về sự việc này, UBND thị xã Sơn Tây đã xử lý và chấm dứt từ năm 2014, nhưng các ngôi đền tư gia này vẫn đạt chuẩn đền thờ Tam, Tứ phủ theo nghi lễ văn hóa truyền thống Việt Nam và linh thiêng do Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam cấp.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định, thẩm quyền quyết định xếp hạng di tích phải theo ba cấp thuộc Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các di tích trên địa bàn Hà Nội làm thủ tục cấp và nhận những danh hiệu của Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam là không đúng quy định của Luật Di sản Văn hóa và ý kiến chỉ đạo của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã tăng cường chỉ đạo các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa trên địa bàn thực hiện nghiêm những quy định của pháp luật về di sản văn hóa nhằm ngăn chặn những biến tướng, lợi dụng di sản văn hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đinh Thị Thuận (TTXVN)
Hợp tác quốc tế trong bảo tồn Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn
Hợp tác quốc tế trong bảo tồn Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn

Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn (Quảng Nam) bao gồm giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và giá trị di sản văn hóa môi trường cảnh quan, thiên nhiên có ý nghĩa trong việc giáo dục giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN