Quang cảnh buổi gặp mặt. Ảnh: Văn Cảnh/TTXVN |
128 đại biểu được vinh danh là những nhà khoa học, nhà quản lý, những người hằng ngày trực tiếp bảo vệ, trông coi các di tích lịch sử của Thủ đô. Họ là những người đã miệt mài cống hiến, góp phần làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội.
Báo cáo về công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội Tô Văn Động cho biết, hiện nay, trên địa bàn thành phố có gần 6.000 di tích, phân bố trên cả 30 quận, huyện, thị xã. Di tích của Hà Nội vô cùng phong phú, đa dạng và có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống di tích của Việt Nam, trong đó có 4 di sản được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.
Nhằm bảo tồn, phát huy kho tàng di sản văn hóa quý giá, hàng năm, thành phố và các quận, huyện, thị xã đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng, huy động nguồn xã hội hóa để tu bổ, chống xuống cấp di tích. Nhờ đó, hệ thống di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội được đông đảo bạn bè trong nước, quốc tế biết đến, trở thành nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước.
Đi liền với công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, Hà Nội cũng quan tâm đến công tác bảo tồn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, một phần “hồn cốt” Thăng Long - Hà Nội. Thành phố đã kiểm kê, lập bản đồ phân bố cho gần 1.800 di sản văn hóa phi vật thể theo 6 loại hình: ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian.
Ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của những người trực tiếp tham gia công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định, di sản văn hóa là bộ phận quan trọng nhất của văn hóa dân tộc. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Hà Nội đã tích lũy được nền di sản phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, là tài sản quý báu của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Đồng chí Hoàng Trung Hải cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, các ngành và nhân dân về vị trí, thế mạnh, tiềm năng của di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội; tổ chức thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa, Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới; tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ giỏi về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, đồng thời phát huy vai trò của Hội Di sản Thăng Long - Hà Nội trong việc vận động xây dựng “người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, góp phần gìn giữ, xây dựng Thủ đô hiện đại, giàu đẹp, văn minh.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên khẳng định, Hà Nội là vùng đất kết tinh, gìn giữ kho tàng lịch sử, văn hóa lâu đời của dân tộc. Truyền thống văn hóa Thủ đô góp phần tạo nên hệ giá trị của kho tàng văn hóa Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mong muốn những người làm văn hóa nói chung cũng như những người trực tiếp tham gia bảo tồn, phát huy, trông coi, quản lý di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội tiếp tục phát huy tinh thần cống hiến, tích cực “biến di sản thành tài sản, biến văn hóa thành hàng hóa, biến tài nguyên thành tài chính, biến nguồn lực thành động lực, biến môi trường thành thị trường, biến giá trị thành giá cả” để quảng bá văn hóa Việt sâu rộng hơn trên thế giới.