Quân và dân vẫn là một, lòng dân không thay đổi, vẫn vẹn nguyên tấm tình với những nguời lính Cụ Hồ. |
"Lời thề thứ 9" là một trong những tác phẩm đỉnh cao của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ.
"Lời thề thứ 9" là kịch mục diễn lần nào cũng cháy vé và cũng khiến dàn diễn viên phải hết mình, hết lòng, hết sức, vắt kiệt cảm xúc mà diễn của Nhà hát Tuổi trẻ.
Cũng phải thôi, một vở diễn mà mỗi câu từ, mỗi phân cảnh đều chặt chẽ và đều cuốn hút; đều khiến người xem không thể rời mắt khỏi sân khấu, như nuốt từng lời, như găm từng hình ảnh... Một vở diễn mà câu chuyện bao nhiêu năm vẫn mang tính thời sự, vẫn khiến người xem phải ngẫm nhiều, đắm chìm nhiều khi kết thúc ra về.
Chuyện kịch thật ra là về "Lời thề thứ 7", dù cái cớ là "Lời thề thứ 9" của người chiến sĩ quân đội. Lời thề thứ 7 là "Hết sức ái hộ bạn chiến đấu cũng như bản thân, hết lòng giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc ra trận". Và lời thề thứ 9 là "Khi tiếp xúc với dân sẽ làm đúng ba điều răn: "không lấy của dân" – "không dọa nạt dân"- "không quấy nhiễu dân" và ba điều nên: "kính trọng dân" – "giúp đỡ dân" – "bảo vệ dân", để gây lòng tin cậy đối với dân chúng, thực hiện quân dân nhất trí giết giặc cứu nước".
Ba chàng lính trẻ cướp nhầm của ông Ngọc, vì mong muốn có tiền về quê giúp gia đình Xuyên. |
Vậy cái cớ là gì? Là chuyện 3 chàng lính trẻ Hiến- Xuyên- Đôn đã lập mưu và cướp tài sản của một người mà họ tưởng là bọn buôn lậu do "to lớn đẫy đà, trăng trắng"; nhưng thật không ngờ, đó lại chính là ông Hà - Chủ tịch của một tỉnh nọ, cựu Sư trưởng Sư đoàn của họ. Oái oăm hơn, ông Hà cũng chính là bố của Hiến. Những lời "mắng mỏ" của vị cựu Sư trưởng về sự xuống cấp, tha hóa của người lính quân đội nhân dân hôm nay, việc ông giận dữ bắt họ phải đọc Lời thề thứ 9 mà Đôn và Xuyên không đọc nổi... khiến người xem những tưởng mình sẽ đối diện với câu chuyện về sự xuống cấp, tha hóa của những người "đội mũ sao vàng" này.
Nhưng không, khi hiểu ra và vỡ òa với căn nguyên khiến họ phải "làm việc xấu" như vậy để giúp cho một việc tốt khác, thì ta mới thấy đúng, đây là câu chuyện về lời thề thứ 7. Đôn, Xuyên, Hiến đều là những người lính dũng cảm, phải nói là quả cảm; không ngại hy sinh máu xương để bảo vệ Tổ quốc. Đôn vì đánh giáp lá cà với quân thám báo mà bị báng súng đánh thành sẹo trên mặt và mất đi hai răng cửa, mang biệt danh "Đôn sứt". Xuyên không chỉ quả cảm mà còn dám chấp nhận hy sinh cả thân mình để bảo vệ cho Hiến trong một trận đánh với địch. Họ cũng vừa được đại đội khen thưởng và cho 3 ngày phép vì chiến đấu dũng cảm.
Mẹ Xuyên và Cúc- cô bạn hàng xóm, đã cả tháng trời đi từ nửa đêm lên tỉnh kêu oan mà vẫn không gặp được Chủ tịch Tỉnh. |
Nhưng oái oăm sao, chính câu chuyện của hậu phương lại khiến họ phải trở nên "xấu". Gia đình Xuyên ở quê bị bọn "cường hào mới"- mà đại diện là Chủ tịch xã Quách Văn Tuần hãm hại, bố Xuyên vi dám tố cáo Tuần mà bị bắt giam vào căn hầm tăm tối ở phía sau trụ sở UBND xã, mẹ Xuyên cả tháng trời cầm đơn đi kêu cứu từ huyện tới tỉnh nhưng không ai thèm tiếp, thèm nghe- chỉ còn nước kêu tới trời nếu trời có thể giúp được. Các em Xuyên đói ăn vì trong nhà không còn gì là tài sản đáng giá nữa... Trong một hoàn cảnh như vậy, 3 người lính trẻ, vì thương đồng đội, vì uất ức với một "hậu phương" không xứng đáng mà mình đang phải đổ máu bảo vệ, vì muốn tìm lại công lý trong cuộc sống này... đã quyết định đi cướp để lấy tiền về quê giúp gia đình Xuyên.
Lòng mẹ bao dung đưa những người lính trở về với công việc bảo vệ Tổ quốc của mình. |
Họ, với bản tính của tuổi trẻ, với quyết tâm phải tìm lại công lý, đã bất chấp tất cả, kể cả bị kỷ luật; trốn về quê Xuyên, giải cứu cho bố Xuyên, mang gạo về cho gia đình Xuyên... dù biết sau đó sẽ bị cả quân cảnh và những người chỉ huy về vây bắt.
Không thể nói cách làm của họ là đúng hoàn toàn, bởi như mẹ Xuyên- người phụ nữ hiểu chuyện và nhân hậu, bao dung đã nói: Việc này họ không giải quyết được, mà cần sự vào cuộc của xã hội, cần sự hiểu ra của hệ thống những vị lãnh đạo- rằng cần có một cuộc sống công bằng và tốt đẹp cho người dân; đó mới là cái gốc của vấn đề. Là vậy. Và đúng là vậy khi cuối cùng ông Hà- bố của Hiến, sau những ngày khăng khăng coi việc của dân là việc nhỏ, thờ ơ, vô cảm... cũng đã nhận ra vấn đề của mình và nhận lỗi rằng mình đã sai khi không chịu gần dân, nghe dân, không thực sự là đầy tớ của dân, không thực sự để dân làm chủ... "Không biết là tôi đã quá tự tin hay là bởi trái tim tôi đã nguội", lời nhận lỗi muộn màng của ông Ngọc vì thế như một sự hứa hẹn về một cơ hội sẽ tốt đẹp hơn của cái xã hội mà những người lính đang bảo vệ, cái xã hội mà "dân ngày càng hèn", chứ không phải là dũng cảm như xưa...
"Lời thề thứ 9", kịch bản Lưu Quang Vũ, đạo diễn NSND Xuân Huyền, trợ lý đạo diễn NSƯT Chí Trung. Chỉ huy đêm diễn: Giám đốc Trương Nhuận. |
Câu chuyện quả thật mang ý nghĩa nhân văn và có giá trị thời sự cao. Bởi thế, "Lời thề thứ 9" khiến một cô bé 15 tuổi cũng phải giấu nước mắt và một người phụ nữ ngoài 60 tuổi phải thẫn thờ. Họ đều hiểu những cảm xúc, cung bậc, những mâu thuẫn trong xã hội; sự tranh đấu của những giá trị xã hội mà tác giả Lưu Quang Vũ đã thể hiện trong kịch mục; cả chuyện về những người lính già vốn xưa cũng quả cảm biết bao, cũng hết mình vì nhân dân biết bao; giờ bỗng nhiên tha hóa- tha hóa theo cách của mình. Người thì trở nên quan liêu như ông Hà, đến thư của dân gửi cho mình cũng là vợ và cấp dưới đọc hộ, họ báo gì biết nấy. Người thì trở nên tàn ác, kéo bè kéo cánh, tham lam trục lợi, bất chấp cả việc chà đạp lên những người từng là đồng đội của mình như Quách Văn Tuần. Điều đáng nói, đằng sau Tuần chính là người chị làm bí thư, người anh rể làm trưởng công an Huyện; có vậy, Tuần mới có cơ làm mưa làm gió, hãm hại dân lành ngang nhiên tới vậy...
Nhưng cũng ở đấy, có chuyện về những người lính trẻ vẫn vẹn nguyên tình yêu tổ quốc, tình yêu nhân dân; hừng hực bầu máu nóng vì bảo vệ đất nước, vì muốn đất nước mình tốt đẹp, muốn mỗi người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Và cũng ở đấy, có những người dân dù thế nào cũng không đổi thay, vẫn một lòng tin vào Đảng, vào Nhà nước; vẫn khẳng định rằng rồi đây mọi chuyện trắng đen cũng sẽ được rõ ràng, tốt xấu sẽ được phân minh...
Vậy nên, vở diễn dù căng từng giây, dù có những lúc nghẹt thở, nhưng cũng không làm người xem bi quan; vẫn khiến người xem ra khỏi rạp với những cảm xúc khá lạc quan, rằng vẫn còn rất nhiều người tốt đẹp xung quanh mình, rằng vẫn còn đó tình đồng đội, tình làng nghĩa xóm... để giúp nhau vượt qua hoạn nạn.
Dàn diễn viên của Nhà hát Tuổi trẻ đã diễn rất tròn vai, từ vai chính tới vai phụ. Âm nhạc, sân khấu... đều không quá cầu kỳ, nhưng lại đắt giá và phục vụ tốt nhất cho nội dung vở diễn. Thế nên, có thể nói "Lời thề thứ 9" của Nhà hát Tuổi trẻ là một vở diễn trọn vẹn, một món ăn tinh thần xứng đáng cho đêm diễn ngày 2/9; cũng là đêm diễn mở đầu cho những ngày kịch Lưu Quang Vũ của Nhà hát Tuổi trẻ, nhân ngày mất của ông- 29/8.