Trung tá công an Hồ Dã Tạ, dân tộc Vân Kiều, Công an huyện Đakrông (Quảng Trị) được bà con nhắc tới không chỉ là một điển hình của Công an Quảng Trị mẫu mực, gắn bó mật thiết với nhân dân, mà anh còn được biết đến là một nghệ nhân dân gian, là người có công lưu giữ nhiều vốn văn hóa của đồng bào Vân Kiều.
Anh Hồ Dã Tạ dành nhiều thời gian để tập múa, tập hát và tập cách chơi nhạc cụ của người Vân Kiều cho bà con. Ảnh: Dương Vương Lợi |
Bà con người Vân Kiều ở bản Klu, xã Đakrông, huyện Đakrông, nơi Hồ Dã Tạ sinh sống, vẫn quen gọi anh với cái tên Pả Khăm. Sinh ra trong một gia đình đam mê ca hát, ngay từ nhỏ, Pả Khăm đã được tiếp cận những làn điệu dân ca của đồng bào mình. Anh bảo: Âm nhạc dân tộc Vân Kiều đã ăn vào máu thịt của mình rồi. Mẹ là người hát hay, đàn giỏi. Cha mất sớm nên từ nhỏ, hai mẹ con như hình với bóng, niềm đam mê âm nhạc truyền từ mẹ sang con lúc nào không hay.
Là công an phụ trách xã, Pả Khăm biết rằng, để vận động quần chúng cần phải hiểu được những tập tục văn hóa của người bản địa. Do vậy, sau mỗi lần tổ chức họp dân, phát động phong trào quần chúng, anh lại tụ tập bà con tổ chức múa hát. Bà con vừa vui vẻ, lại vừa tiếp thu thông tin tốt hơn.
Gần dân, anh hiểu được nỗi niềm của bà con dân bản, nhất là những người lớn tuổi khi thấy con trẻ suốt ngày nghêu ngao những bài hát nhạc trẻ, nhưng lại không biết được những lời ca, điệu múa của người dân tộc mình. Do vậy, từ khi còn phụ trách địa bàn các xã Tà Long và Húc Nghì, Pả Khăm đã xây dựng một đội văn nghệ, thu hút đông đảo bà con tham gia. Khi chuyển về phụ trách địa bàn xã Đakrông, Pả Khăm tiếp tục nung nấu ý tưởng “biến mỗi người dân trở thành một nghệ nhân”. Thấy việc làm của anh đúng đắn, chính quyền địa phương đã động viên anh thành lập đội văn nghệ để bảo tồn, lưu giữ vốn văn hóa của đồng bào mình.
Đầu tiên, Pả Khăm vận động vợ, con, anh em trong gia đình mình tham gia đội văn nghệ, rồi vận động bà con cùng tham gia. Việc làm của anh được nhiều bà con ủng hộ. Từ đó, anh đã dành nhiều thời gian để tập múa, tập hát và tập cách chơi nhạc cụ của người Vân Kiều cho bà con. Ngôi nhà sàn của gia đình Pả Khăm đêm đêm luôn vang lên những làn điệu dân ca của người Vân Kiều như Tà Oải, Xà Nớt, Oát…, những tiếng đàn, tiếng sáo, tiếng khèn hòa quyện vào nhau được bà con cất lên đã xua đi những nỗi mệt nhọc sau một ngày lao động.
Sau một thời gian gây dựng, đến nay, Pả Khăm đã xây dựng được đội văn nghệ của thôn Klu với 20 người tham gia, trong đó có 10 người dưới 23 tuổi, do Pả Khăm làm đội trưởng. Với vai trò “nhạc trưởng”, Pả Khăm thường xuyên đi xuống tận thôn bản, vùng sâu, vùng xa, các xã biên giới gặp gỡ những nghệ nhân để học thêm cách chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc, đồng thời chép lại các bản nhạc cổ đã bị thất truyền. Anh cũng sáng tác nhiều bài hát phản ánh cuộc sống sinh động của bà con theo các làn điệu dân ca của người Vân Kiều. Chỉ vào “bảo tàng” nhạc cụ của mình với nào là cồng, chiêng, trống, sáo Khui, nhị, tăng ác, khèn bè,... Pả Khăm nói: Khó khăn lắm mới có đầy đủ những nhạc cụ này, bởi việc người dân lưu giữ nhạc cổ còn lại rất hiếm hoi. Trong số đó có cái thì chính quyền hỗ trợ mua, có cái phải tự bỏ tiền túi, cái thì mình mày mò chế tác. Các nhạc cụ này đã theo chân đội văn nghệ thôn Klu đi biểu diễn ở nhiều nơi từ các lễ hội của bản, làng đến Đại hội Đảng bộ huyện Đakrông và đi biểu diễn phục vụ đoàn Đại sứ quán Phần Lan, Hội nghị của Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, Đại hội các dân tộc thiểu số...
Dương Vương Lợi