Với mục đích giới thiệu tới các bạn trẻ những góc nhìn mới mẻ và đa chiều về văn hóa đọc, việc đọc sách và sách xuất bản tại Việt Nam, CLB Yêu sách Thái Hà đã phối hợp cùng CLB Kỹ năng trường ĐH Sư Phạm tổ chức buổi Tọa đàm “Made in Vietnam và Câu chuyện Văn hóa đọc” vào 18 giờ ngày 1/4, tại Đại học Sư phạm Hà Nội với sự tài trợ của Thaihabooks và Cà phê Trung Nguyên.Tham dự buổi tọa đàm có TS. Trần Đình Châu - Vụ trưởng, chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục; TS. NGƯT Đặng Thu Thủy - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; Nhà báo, nhà văn Hồ Thị Hải Âu và nhà văn, nhà thơ trẻ Lương Đình Khoa.
Các khách mời trao đổi về văn hóa đọc hiện nay. |
Mở đầu buổi tọa đàm, TS Trần Đình Châu đã chỉ rõ vai trò quan trọng của sách: “Sách giúp chúng ta mở mang trí tuệ, biết được thêm nhiều kiến thức, kỹ năng để có thể hoàn thành trách nhiệm của người công dân. Đặc biệt nuôi dưỡng được tình yêu đối với quê hương, đất nước.”
Trả lời câu hỏi về văn hóa đọc của Việt Nam, nhà báo Hải Âu cho rằng: “Sản phẩm sách không phải là chữ của Thánh hiền, sách hiện nay là sản phẩm thương mại. Có nhiều sách tốt nhưng cũng có không ít sách xấu. Chính vì vậy để chọn lựa được sách cần và tốt cho bản thân mình thì đòi hỏi người đọc phải có đủ khả năng nhận thức và nền tảng văn hóa”.
Nói về cụm từ “made in Vietnam”, các khách mời đều có chung nhận định đây là một thương hiệu, thể hiện lòng tự tôn và truyền thống văn hóa của dân tốc mình. Nhà thơ, nhà văn trẻ Lương Đình Khoa còn chia sẻ: “Cần phải biết được một vài cuốn sách hay, một vài tác giả tâm đắc để khi ra bên ngoài có thể giới thiệu với bạn bè năm châu rằng tại Việt Nam cũng có những tác giả, tác phẩm xuất sắc”.
Khi nhắc đến xu hướng đọc của giới trẻ hiện nay, nhà báo Hồ Thị Hải Âu đã nói đến sách ngôn tình, bà nhận định đây là một loại sách xấu, độc hại. Thế giới màu hồng trong sách chỉ là tưởng tượng nhưng không ít bạn trẻ lại đưa nó ra ngoài đời thực, dẫn đến lối sống mơ hồ, không thực tế.
Trước những vấn đề liên quan đến sách thiếu nhi gần đây, TS. NGƯT Đặng Thu Thủy cho rằng: “Cái thiếu sót chỉ là một phần nhỏ, không nên chỉ vì vậy mà quên đi những thành tựu. Giống như một chấm nhỏ trên trang giấy trắng, mọi người chỉ chú ý đến chấm nhỏ mà quên mất những khoảng trắng xung quanh.”
Nhà báo Hải Âu lại có nhận định khác: “Đối với trẻ nhỏ, ngoài việc hướng trẻ yêu thích còn phải hướng cho trẻ hành động. Chính vì vậy, mỗi bậc phụ huynh phải là một người thầy giáo. Ngoài ra, đối với sách thiếu nhi, cần có sự kiểm duyệt kỹ càng. Không những hình thức đẹp mà nội dung còn phải tốt và hay.”
Chia sẻ về phương pháp đọc sách sao cho hiệu quả, TS. NGƯT Đặng Thu Thủy cho biết: “Khi đọc sách, bên cạnh tôi lúc nào cũng có một cây bút và những mẩu giấy nhớ. Khi đọc được đoạn mình tâm đắc, phải lập tức đánh dấu vào, thậm chí còn viết cảm nhận, suy nghĩ của mình sau mỗi chương, mỗi phần. Như vậy, bản thân mình mới nhớ lâu và kỹ. Rèn luyện cho mình thói quen đó sẽ giúp năng lực tư duy tốt hơn”.
Rất đông người yêu sách đã đến tham dự tọa đàm. |
Nhà văn, nhà báo Hồ Thị Hải Âu lại quan niệm: “Đối với dòng sách văn học, khi đọc xong một tác phẩm, độc giả cần quên ngay đi tác phẩm đó, quên đi bối cảnh, nhân vật, chi tiết. Chỉ cần nắm được những triết lý, tư tưởng mà tác giả gửi gắm trong đó. Tránh để bản thân mình bị ảnh hưởng bởi những tác phẩm ấy”.
Dưới góc nhìn của người trẻ, nhà thơ Lương Đình Khoa cho rằng: “Đọc sách để bản thân có một cách nhìn đa chiều hơn về mọi vấn đề trong cuộc sống. Các bạn trẻ hiện nay sống trong một môi trường có nhiều kênh thông tin, vô hình làm văn hóa đọc bão hòa đi. Chính vì vậy cần phải cân nhắc, linh hoạt, lựa chọn những cuốn sách tốt, có lợi và phù hợp với nhu cầu của bản thân”.
Các khách mời còn trả lời những câu hỏi của khán giả về vấn đề làm thế nào để giúp cho thế hệ sau yêu sách, quan tâm đến văn hóa đọc hơn. TS Trần Đình Châu cho rằng: “Muốn cho thế hệ sau yêu thích việc đọc, thì thế hệ trước phải làm gương. Ông bà, cha mẹ phải truyền niềm đam mê đọc sách cho con cháu, anh chị phải truyền lửa cho em”.