Một ngày đàng ở xứ sở Phù Tang

LTS: Từ ngày 20/11-5/12, đoàn lãnh đạo Bộ VH, TT &DL, Cục Nghệ thuật biểu diễn và hơn 20 nghệ sĩ, diễn viên, kỹ thuật viên Nhà hát Tuổi trẻ, do giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận làm trưởng đoàn, đã có chuyến tham quan, khảo sát, học tập kinh nghiệm hoạt động quản lý, biểu diễn và phục vụ kỹ thuật âm thanh, ánh sáng tại các Nhà hát, sân khấu của Nhật Bản.

Hành trình qua 11 thành phố, tham quan, khảo sát và xem biểu diễn nghệ thuật tại những Nhà hát hàng đầu của Nhật Bản đã mang lại những trải nghiệm được đánh giá là tuyệt vời của đoàn tại xứ Phù Tang, nhưng hơn tất cả, rất nhiều kinh nghiệm về hoạt động, tổ chức biểu diễn, về bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống, về việc sử dụng ánh sáng và âm thanh như những sự hỗ trợ tuyệt vời cho sân khấu, như một nhân vật quan trọng trong vở diễn… đã được các lãnh đạo, nghệ sĩ của đoàn đúc rút để áp dụng vào thực tế phát triển của sân khấu Việt Nam trong thời gian tới.

 

Tin Tức xin giới thiệu ghi chép đầy cảm xúc của Giám đốc Trương Nhuận trong hành trình “Đi để học” này.

 

Kỳ 1: Tầm nhìn 20 năm và hơn thế

 

Dự án hợp tác, giao lưu văn hoá lần này là một dự án rất đặc biệt. Lần đầu tiên Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản (The Japan Foudation) đã quyết định lựa chọn Việt Nam là một đối tác quan trọng để hỗ trợ việc nâng cao và đào tạo kỹ năng trong hoạt động quản lý biểu diễn nghệ thuật sân khấu của Nhật Bản cho với các kỹ thuật viên và diễn viên Việt Nam.

  

Làm việc tại Nhà hát Sai-no-kuni Saitama.

 

Hàng nghìn tỷ đồng cho một Nhà hát

 

Dự án này đã manh nha cách đây khoảng hơn 1 năm. Thời điểm đó, các chuyên gia sân khấu Nhật Bản đã có nhiều chuyến sang VN, để tìm hiểu về hoạt động của 12 Nhà hát sân khấu của Việt Nam. Từ thực tế khảo sát, đồng thời thông qua Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Hà Nội, các chuyên gia sân khấu Nhật Bản đã biết rõ hơn về năng lực hoạt động của các rạp hát, cũng như các nhà hát tại Hà Nôi. Cũng qua khảo sát, tìm hiểu, tiếp xúc với các nghệ sĩ diễn viên, biết về những dự án giao lưu văn hoá của Nhà hát Tuổi trẻ, những vở diễn có đẳng cấp cao về mặt nghệ thuật mà Nhà hát Tuổi trẻ đã dàn dựng và tham dự các LH sân khấu trong và ngoài nước; đánh giá Nhà hát Tuổi trẻ là Nhà hát có nhiều chương trình đa dạng về mặt nghệ thuật: Kịch nói, thể nghiệm, ca múa nhạc, nhiều dự án phục vụ cho cộng đng, khán giả trẻ và thiếu nhi… các chuyên gia sân khấu Nhật Bản và Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản (The Japan Foudation) đã quyết định chọn Nhà hát Tuổi trẻ là đối tác cho dự án lần đầu tiên họ thực hiện tại khu vực Đông Nam Á này.

 

Tại Nhà hát Quốc gia Mới.

 

Cũng phải khẳng định, trong hơn một năm qua, sau khi Thủ tướng Shinzo Abe nhậm chức, bên cạnh việc hợp tác kinh tế, Nhật Bản đã bắt đầu coi trọng việc đào tạo, nâng cao về mặt giáo dục và giao lưu về mặt văn hoá, nghệ thuật. Việc tăng cường sự gắn kết giữa đời sống tinh thần, văn hoá Nhật Bản và văn hoá các nước ASEAN đã được đánh giá, coi trọng như một hướng mới trong quan hệ ngoại giao của Nhật Bản.

 

Tại Nhà hát Bốn Mùa.

 

Hành trình lần này của chúng tôi đã đi qua 11 thành phố lớn của Nhật Bản, là một chuyến “du hành” về văn hoá đặc biệt từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây. Có thể nói, chưa có chuyến đi khảo sát văn hoá nào lại rộng khắp như thế, lại nhiều trải nghiệm đa dạng, bao gồm cả những trải nghiệm về sân khấu, trải nghiệm tại các di sản văn hoá vô cùng nổi tiếng của Nhật Bản và trải nghiệm với những cảm nhận tuyệt vời về con người Nhật Bản. Nó để lại trong chúng tôi những ấn tượng vô cùng sâu sắc.

 

Và điều may mắn hơn nữa là gần như chúng tôi được đến thăm tất cả những trung tâm sân khấu biểu diễn hàng đầu của Nhật Bản, từ Nhà hát Quốc gia Mới, Nhà hát SHIKI, Nhà hát Sai-no-kuni Saitama, Nhà hát Ryuzanji, Nhà hát Marebito… Đặc biệt, người đồng hành cùng chúng tôi trong hành trình này là một trong những chuyên gia về văn hoá rất có uy tín và năng lực của Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản (The Japan Foudation), ông Takeshi Ito.

 

Ngay trong hai ngày đầu tiên đặt chân đến Nhật Bản, cả đoàn đã may mắn được gặp gỡ, tìm hiểu, trao đổi thông tin với hai giáo sư đầu ngành về sân khấu Nhật Bản là Giáo sư Tamotsu Wanatabe và Giáo sư Mitsuhiro Yoshimoto. Với Giáo sư Tamotsu Wanatabe, chúng tôi đã được tìm hiểu những thông tin về sân khấu dân tộc cổ truyền của Nhật Bản, về kịch Nô, kịch Kabuki… cũng như những đặc tính của sân khấu cổ truyền Nhật Bản, lịch sử phát triển, tình hình hoạt động hiện nay. Còn với Giáo sư Mitsuhiro Yoshimoto, thì ông chính là “kho tàng sống” về tất cả các nhà hát hiện nay của Nhật Bản trong vòng 1 thế kỷ qua. Giáo sư đã cung cấp cho chúng tôi toàn bộ chính sách văn hoá, xu hướng phát triển sân khấu Nhật Bản đã được dịch ra tiếng Việt Nam, để các diễn viên, nghệ sĩ… có thể hiểu rõ ràng và sâu sắc hơn. Sự xuất hiện của hai Giáo sư đầu ngành này trong những buổi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm đã thể hiện sự trân trọng của Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản (The Japan Foudation) với đoàn.

 

Tham quan trung tâm sản xuất trang trí sân khấu Kanai.

 

Hành trình tiếp sau đó, chúng tôi đã được khảo sát toàn bộ những trung tâm nghệ thuật biểu diễn và các nhà hát phục vụ cho hoạt động biểu diễn hàng đầu của Nhật Bản. Phần lớn trong số các nhà hát, như Nhà hát Quốc gia Mới, Nhà hát Sai-no-kuni Saitama, đều được Chính phủ Nhật Bản hoặc chính quyền địa phương tại các tỉnh của Nhật Bản đầu tư xây dựng cũng trong vòng 15 -20 năm trở lại đây và đều là những nhà hát có sự hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật, thiết bị, âm thanh, ánh sáng tới mức hoàn hảo. Nhà hát Sai-no-kuni Saitama nằm trong top 5 nhà hát hàng đầu thế giới về trang thiết bị kỹ thuật phục vụ biểu diễn. Nhà hát Quốc gia Mới thì sở hữu một phòng hoà nhạc lớn cho Opera, Ballet có khoảng 1.200 chỗ ngồi với toàn bộ nội thất, vách gỗ, ghế gỗ của Nhà hát Quốc gia Mới đều được làm bằng gỗ sồi tự nhiên, đỏ đẹp và ấm cúng. Nhà hát Quốc gia Mới có một sân khấu lớn, có thể di chuyển, thay đổi được cả không gian biểu diễn lẫn chỗ ghế ngồi của khán giả, để thích hợp với các buổi biểu diễn khác nhau. Nội thất của Nhà hát Quốc gia Mới đạt mức độ hoàn hảo, tới mức bất cứ ghế ngồi ở bất cứ góc nào của rạp hát cũng đều nghe được âm thanh vang lên từ dàn nhạc, từ vở diễn có giá trị gần như nhau, chứ không phải chỗ xa, chỗ gần. Theo giới thiệu, các nhà hát hiện đại của Nhật Bản đều có tổng đầu tư từ 120 triệu-160 triệu USD (khoảng 2.400-3.200 tỷ đồng), các trang thiết bị hiện đại đều nhập từ Đức về, còn thiết bị cơ khí sân khấu, âm thanh, ánh sáng đều được mua của hãng sản xuất âm thanh, ánh sáng hàng đầu thế giới hoặc hàng đầu Nhật Bản. Đặc biệt, mỗi rạp hát đều có khoảng từ 1.200-2.000 cái đèn phục vụ việc thay cảnh, đổi sáng, tạo không gian nghệ thuật rất nhanh và phần lớn đều sử dụng công nghệ hiện đại nhất về kỹ thuật số.

 

Để có được sự hoàn hảo đó, có thể nói Nhật Bản đã có chính sách đầu tư rất lâu dài cho nghệ thuật. Trên thực tế, các nhà quản lý văn hoá cũng như nhà quản lý các nhà hát của Nhật Bản đều cử những chuyên viên về âm thanh, ánh sáng ấy đi học ở những nơi tiên tiến như Anh, Đức, Mỹ… từ cách đây 20 năm trước, để gây dựng được đội ngũ kỹ thuật viên phục vụ biểu diễn hoàn hảo

 

Nhà hát và đoàn nghệ thuật độc lập

 

Ở Nhật Bản, khái niệm Nhà hát là chỉ những rạp hát phục vụ cho biểu diễn và ở Nhật Bản, trong số các Nhà hát chúng tôi đến tham quan, chỉ có hai Nhà hát là Nhà hát Quốc gia Mới có đoàn Ballet của Nhà hát và Nhà hát Shizuoka có đoàn kịch của riêng mình là đoàn “SPAC”, viết tắt đầu của tên Nhà hát.

 

Còn lại là các đoàn nghệ thuật hoạt động độc lập với Nhà hát. Bản thân các Nhà hát sẽ căn cứ vào sự nổi tiếng, ăn khách của các đoàn, vở diễn của các đoàn để mời  đến biểu diễn. Và như thế, họ có sự “chuyên môn hoá” rất rõ ràng: Về góc độ tác phẩm nghệ thuật là do các đoàn nghệ thuật và các nghệ sĩ quyết định, còn Nhà hát chỉ phục vụ tối đa về trang thiết bị nghệ thuật, âm thanh, ánh sáng cho biểu diễn.

 

Chính nhờ thế, các nhà hát của Nhật Bản được đầu tư theo hướng có thể khai thác hoạt động đa năng, có thể phục vụ cho các loại hình nghệ thuật, từ nghệ thuật truyền thống như kịch Nô, kịch Kabuki, nhưng mặt khác lại cũng có thể phục vụ cho những loại hình nghệ thuật đương đại như hoà nhạc, Ballet. Vì vậy, phần lớn các trung tâm nghệ thuật của Nhật Bản đều đạt công suất sử dụng tới 80%/ năm, cá biệt có trung tâm là 90%. Đây là điều chúng ta rất cần học hỏi, bởi hiện nay hệ thống nhà hát của chúng ta khá manh mún, nhà hát nào của đoàn đó, dẫn tới tình trạng nhiều nhà hát nhưng không sử dụng hết, không hiệu quả. Chắc chắn nhiều nhà hát ở Hà Nội hiện không sử dụng hết công năng của mình, đoàn không biểu diễn là không sáng đèn, trong khi một đoàn ấy thì cũng không thể sử dụng hết công suất được.

 

Đa năng là thế, nhưng điều làm chúng tôi bất ngờ nhất là tính chất bảo tồn sân khấu truyền thống cũng được thể hiện rất rõ ở các trung tâm nghệ thuật: Trong những trung tâm biểu diễn hiện đại cho sân khấu kịch, opera, ballet… vẫn song song có một không gian sân khấu riêng biệt, dành cho những đoàn nghệ thuật cổ truyền của Nhật Bản như kịch Nô, kịch Kabuki, rối bóng… với cấu trúc sân khấu hoàn toàn mang màu sắc dân tộc. Đó là một điều rất đặc biệt và ý nghĩa.

 

Nghệ sĩ Trương Nhuận

(Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ)

 

Kỳ cuối: Dòng chảy từ truyền thống tới hiện đại.

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN