Kỳ cuối: Dòng chảy từ truyền thống tới hiện đại
Trong chuyến đi này, các nghệ sĩ của Nhà hát và các lãnh đạo Bộ VH, TT&DL, Cục Nghệ thuật biểu diễn, đã được xem tất cả các loại hình biểu diễn rất khác nhau, rất đa dạng của sân khấu Nhật Bản, từ những vở kịch truyền thống Kabuki tại rạp hát nổi tiếng Kabuki-za ở Thủ đô Tokyo, tới những vở kịch đương đại như “Water like Stone”…
Đa dạng đề tài
Xem biểu diễn tại sân khấu Black Box. |
Tại Nhà hát Kabuki-za, họ diễn những vở kịch hoàn toàn là kịch Kabuki cổ truyền của Nhật Bản, nhưng đã được làm mới với sự hỗ trợ về kỹ thuật như hiệu ứng ánh sáng, âm thanh hiện đại. Đơn cử như cảnh tuyết rơi được tạo dựng như thật, khiến khán giả cảm nhận được cả cái lạnh của tuyết, của gió. Hay cảnh ban đêm với cảm giác như một màn đêm bao trùm thật sự. Rồi những màn vũ đạo đấu kiếm Samurai, được thể hiện rất thật, gần như đạt tới mức độ chuyên nghiệp trong cảnh diễn. Đặc biệt, tất cả những chuyển cảnh đều được thực hiện bằng sân khấu quay và máy móc, rất nhanh, nên gần như là không có sự ngắt quãng trong quá trình thưởng thức. Đó chính là hiệu quả của kỹ thuật hiện đại,đã hỗ trợ cho nghệ thuật truyền thống, tạo thêm sức hấp dẫn cho nghệ thuật sân khấu truyền thống; giúp khán giả cảm nhận được sân khấu kịch cổ truyền Kabuki vẫn có được hơi thở của cuộc sống hiện đại, dễ xem hơn.
Một vở diễn của Nhà hát Kabuki-za có thời gian khoảng 4,5 tiếng, khán giả phải ăn cơm hộp giữa giờ để xem được hết vở diễn. Mức vé xem kịch Kabuki cũng khá kỷ lục: 11.000 Yên/ vé trên lầu-18.000 Yên/ vé hạng nhất (khoảng 2,2 - 3,6 triệu đồng), cao nhất trong những chương trình biểu diễn tại Nhật Bản. Giá vé cao như vậy, nhưng với những Nhà hát này, vé phải đặt trước hàng tháng mới có cơ hội được xem biểu diễn. Ngay như đoàn của chúng tôi sang Nhật, việc đặt vé cho cả đoàn 25 người cũng rất khó khăn, và chúng tôi phải phải ngồi chia 3 cụm khác nhau. Điều đặc biệt nữa, không chỉ hấp dẫn khách nước ngoài, mà người Nhật đi xem sân khấu Kabuki cũng rất đông, thể hiện tình yêu sâu sắc với sân khấu truyền thống mà những người làm sân khấu Nhật Bản đã rất thành công khi thổi bùng lên và nuôi dưỡng được trong những năm qua.
Giao lưu với các nghệ sĩ Nhật Bản. |
Cũng trong hành trình lần này, chúng tôi đã được xem chương trình “Song and Dance”ở Nhà hát SHIKI (Bốn mùa). Sức hấp dẫn của đoàn nghệ thuật ăn khách và hoạt động hiệu quả hàng đầu ở Thủ đô Tokyo này là ở việc họ mua bản quyền những vở nhạc kịch ở sân khấu Brodway của Mỹ, rồi chuyển thể những ca khúc trong nhạc kịch sang tiếng Nhật, đồng thời dàn dựng theo phong cách Nhật Bản và sử dụng vũ đạo Nhật, rất hấp dẫn khán giả trẻ tới xem như vở “Lion King”, “Miami”… Buổi diễn nào gần như cũng hết vé, đông đảo khán giả trẻ rất thích hình thức biểu diễn hiện đại này. Có thể thấy, bên cạnh việc khai thác những giá trị của sân khấu cổ truyền, sân khấu Nhật Bản cũng đã tiếp thu được những hình thức sân khấu mới, hiện đại của thế giới để đáp ứng nhu cầu của khán giả trẻ.
Phần lớn các vở diễn đoàn xem là những vở diễn sân khấu kịch nói, có vở được diễn ở rạp 1.200 chỗ với giá vé từ 9.000-12.000 Yên, có vở diễn ở sân khấu rất bình dân Black Box chỉ có 150 chỗ với giá vé khoảng 4.000 Yên, nhưng điều đáng nói là với sân khấu nào thì cũng đông khách và khán giả Nhật vẫn xếp hàng mua vé và thể hiện một trình độ cảm thụ tuyệt vời trong rạp.
Thăm ngôi chùa di sản văn hoá Nhật bản ở Nara. |
Các vở diễn cũng rất đa dạng về đề tài. Có vở diễn nói về trạng thái tâm lý của xã hội hiện đại Nhật Bản sau trận động đất, sóng thần; nhiều người dân, lớp trẻ cảm thấy hoang mang, bất an và đôi khi có cảm giác mát phương hướng trong việc xác định mục đích sống như vở “Water Like Stone”, được trình diễn ở sân khấu nghệ thuật Kyoto (cố đô của Nhật Bản) và do 1 đoàn kịch trẻ trình diễn. Và cũng có những vở diễn, hoàn toàn chuyển thể từ kịch bản hiện thực tâm lý của Mỹ, được Nhật hoá như vở “Lost in Yonkers”, theo phong cách hiện thực tâm lý và trang trí sân khấu rất giống với phong cách vở “All the my son” đã từng được dàn dựng tại Việt Nam. “Lost in Yonkers” là vở diễn hiện thực, mang tính tả thực tâm lý. Ngoài ra, ở Nhật Bản hiện cũng đã bắt đầu hình thành xu hướng kịch với đề tài kinh dị, ma quỷ… mà một bộ phận khán giả ưa thích.
Điều đáng nói là dù ở vở diễn nào, tại sân khấu nào, dù lớn, dù nhỏ, các nghệ sĩ Nhật Bản đều diễn hết mình, hoá thân vào vai diễn, sống cùng với nhân vật của mình khi lên sân khấu. Họ lao động nghệ thuật cực kỳ nghiêm túc. Và có một điều nữa phải học tập các nghệ sĩ là sự tôn trọng với khán giả. Cuối mỗi vở diễn, khán giả Nhật đều vỗ tay rất lâu và diễn viên cứ liên tục ra chào khán giả. Nhiều vở kết thúc đến 15 phút, nhưng khán giả vẫn chưa về và diễn viên vẫn vui vẻ ra chào khán giả. Đặc biệt, khi kết thúc vở diễn, toàn bộ diễn viên chạy ra cửa để chào đón, bắt tay từng khán giả khi tạm biệt ra về… Cảm giác đuợc tiếp cận, chia sẻ, giao lưu ấy càng nâng cao sự tương tác giữa nghệ sĩ với khán giả!
Sức hấp dẫn từ kịch mục
Một điều đáng nói nữa là việc lựa chọn kịch mục đã tạo nên sức hấp dẫn và sự thành công của các Nhà hát của Nhật Bản.
Giao lưu với đạo diễn Ninagawa. |
Nhà hát Sai-no-kuni Saitama có đoàn nghệ thuật theo chủ thuyết dàn dựng các vở diễn của William Shakespeare ngay từ khi mới ra đời, cách đây 15 năm. Đến nay, Nhà hát đã dàn dựng được 27 vở, trong số 36 vở kịch nổi tiếng của William Shakespeare, trong đó có những vở nổi tiếng như Hamlet, Macbeth, Othelo. Nhà hát cũng đặt kết hoạch trong 5 năm tới nữa sẽ dàn dựng nốt 9 vở còn lại, để trở thành Nhà hát duy nhất ở Nhật Bản dàn dựng được trọn vẹn các vở diễn của William Shakespeare. Cách làm này của Nhà hát Sai-no-kuni Saitama giống Nhà hát Hoàn Cầu ở Lon Don (Anh), chuyên dựng và diễn kịch William Shakespeare. Nhiều vở diễn của Nhà hát đã từng đi lưu diễn ở Mỹ, Anh… và rất hấp dẫn khán giả bởi có nét riêng độc đáo của sân khấu Nhật Bản.
Cũng có những Nhà hát chuyên dàn dựng kịch của nhà viết kịch nổi tiếng Henrik Ibsen hay trung thành với phong cách tự sự giãn cách của nhà viết kịch Bertolt Brecht. Từ thực tế này, chúng tôi đã có bài học cho mình về việc tạo sức hấp dẫn và sự thành công cho hoạt động của một Nhà hát: Đó là việc tìm phong cách nghệ thuật định dạng cho 1 nhà hát ở việc lựa chọn kịch mục của sân khấu thế giới như một tiêu chí học tập và phát triển. Và đây là điều chúng ta đang phải suy nghĩ, vì ở VN chưa có nhà hát nào có định hướng nghệ thuật dài hơi 5-10 năm, chứ chưa nói tới 20 năm…
Trong hành trình của mình, chúng tôi đã tới những nơi có thể coi là “sự vinh quang” của các nghệ sĩ, nhưng cũng lại có những đoàn nghệ thuật mà các nghệ sĩ cũng rất vất vả để tìm chỗ đứng cho mình. Như ông Ito đã từng tâm sự với chúng tôi: Không phải nghệ sĩ Nhật Bản nào cũng có cuộc sống sung túc và đầy đủ. Cũng có rất nhiều nghệ sĩ, để nuôi dưỡng niềm đam mê của mình, đã phải làm đủ nghề khác như bồi bàn, giao hàng, lau cửa kính. Bởi trên thực tế, dù giá vé khá cao, nhưng tiền bán vé chỉ đảm bảo được 25% kinh phí hoạt động của Nhà hát, phần còn lại vẫn do Chính phủ, chính quyền địa phương hoặc các doanh nghiệp tài trợ. Và cũng từ thực tế này, chúng ta càng hiểu rõ hơn giá trị của việc xã hội hoá sân khấu, tạo sức sống cho sân khấu với sự chung tay của xã hội.
Tác giả bên chứng tích chiến tranh ở Hiroshima. |
Hành trình 15 ngày ở Nhật Bản đã khép lại, nhưng một hành trình giao lưu mới lại mở ra với Nhà hát Tuổi trẻ. Trong khuôn khổ dự án này, Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ đào tạo nhân lực cho Nhà hát Tuổi trẻ cũng như tài trợ trang thiết bị kỹ thuật số cho chúng tôi. Cụ thể, trong năm 2014 tới, sẽ có hàng chục nghệ sĩ trẻ, diễnviên, kỹ thuật viên trẻ của Nhà hát sẽ được sang các trung tâm kỹ thuật, Nhà hát hoạt động hàng đầu của Nhật Bản để tu nghiệp trong thời gian 4 tháng, nhằm nâng cao kiến thức, cách thức quản lý, điều hành các trang thiết bị kỹ thuật cho Nhà hát. Ngoài ra, một gói tài trợ trị giá 100.000 USD, nhằm trang bị kỹ thuật âm thanh kỹ thuật số cũng sẽ sớm đến với Nhà hát Tuổi trẻ, tạo cơ hội cho chúng tôi có thể áp dụng những điều đã tận mắt thấy trên sân khấu Nhật Bản, mang tới những cơ hội thưởng thức chất lượng và hoàn hảo hơn nữa cho khán giả Việt Nam.
Với bản thân tôi và với mỗi nghệ sĩ của Nhà hát, thực sự chuyến đi vừa qua đã là nhịp cầu hữu nghị kết nối nghệ sĩ hai nước và hơn thế nữa là nhân dân hai nước, để cùng vươn tới một tầm cao mới trong tương lai…
Cha ông ta đã dạy rằng "Đi một ngày đàng học một sàng khôn". Với chúng tôi quả là những ngày học hỏi kinh nghiệm đáng quý khi rong ruổi trên xứ sở Phù Tang......
Nghệ sĩ Trương Nhuận
(Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ)