Ban Tổ chức lễ khai ấn phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh Nam Định tăng cường lực lượng đảm bảo an toàn, đồng thời ngăn chặn các hành vi phản cảm để nhân dân, du khách yên tâm dự hội.
Đảm bảo an toàn, tránh ùn tắc
Công an tỉnh Nam Định đã tăng cường hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ, thiết lập năm vòng, 23 chốt bảo vệ an ninh trật tự trong Lễ khai ấn đền Trần Xuân Kỷ Hợi 2019. Lực lượng chức năng tỉnh Nam Định hình thành tuyến đường an ninh, phân luồng, hướng dẫn người dân và các phương tiện về đi lễ, tránh tình trạng lộn xộn, ách tắc trong khu vực đền Trần, nơi diễn ra các nghi lễ khai ấn và phát ấn.
Phòng Cảnh sát Giao thông thuộc Công an tỉnh Nam Định đã tổ chức phân luồng phương tiện từ xa, không để xảy ra ách tắc giao thông trên quốc lộ 10, đoạn qua khu vực đền Trần và triển khai lực lượng tại chỗ để giải quyết kịp thời các tình huống bất thường.
Theo kế hoạch của Phòng Cảnh sát giao thông, khi có tình huống ùn tắc trên quốc lộ 10, đoạn từ ngã tư BigC Nam Định đến ngã tư Đệ tứ (đường Phù Nghĩa), các phương tiện đi từ Hà Nam và Ninh Bình đến Thái Bình sẽ theo hướng từ quốc lộ 21, 21B lên cầu vượt Lộc Hòa (trên quốc lộ 10) vào đường Lê Đức Thọ để về cầu Tân Đệ và sang Thái Bình. Các phương tiện đi từ Thái Bình đến Hà Nội và Ninh Bình đi theo hành trình ngược lại để ra cầu vượt Lộc Hòa, sau đó theo biển chỉ dẫn về Hà Nội và Ninh Bình.
Trong trường hợp tại khu vực đền Trần có lưu lượng người và phương tiện quá đông thì lực lượng chức năng sẽ hướng dẫn các phương tiện đi lễ dừng đỗ trong khu vực Cung thể thao tỉnh Nam Định, khu đô thị Hòa Vượng, khu đô thị Thống Nhất hoặc các nơi được phép trên địa bàn thành phố Nam Định.
Tăng cường thanh, kiểm tra
Bà Phạm Thị Oanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nam Định, Trưởng ban tổ chức Lễ khai ấn Đền Trần, cho biết, thành phố đã thống nhất với các đơn vị chức năng của tỉnh và các phường trên địa bàn tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định khi tham gia lễ hội.
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh và thành phố sẽ xử lý triệt để tình trạng sử dụng người già, trẻ nhỏ để tổ chức ăn xin, ăn mày trong dịp lễ khai ấn. Nếu phát hiện đối tượng cố tình lợi dụng thời điểm đông người để xin tiền gây phiền hà cho du khách thì lực lượng chức năng sẽ đưa những người này vào Trung tâm Bảo trợ xã hội của tỉnh để chăm sóc, quản lý cho đến khi hết lễ hội.
Lực lượng chức năng của tỉnh cũng yêu cầu chủ các khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn thành phố Nam Định không tăng giá, “chặt chém” du khách về dự hội. Ban Tổ chức đã bố trí các bãi xe xung quanh khu vực đền Trần, tại đây đã công khai bảng giá phí trông giữ xe để người dân, du khách biết, tránh tình trạng tự ý nâng giá sai quy định.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nam Định đã kiểm tra các cơ sở kinh doanh, buôn bán dịch vụ ăn uống tại thành phố Nam Định, nhất là khu vực đền Trần để đề phòng nguy cơ ngộ độc do thực phẩm không an toàn.
Bà Phạm Thị Oanh thông tin thêm, trong đêm 14 tháng Giêng Kỷ Hợi, Ban Tổ chức chỉ tiến hành nghi lễ khai ấn. Bắt đầu từ 5 giờ ngày Rằm tháng Giêng mới bắt đầu phát ấn nên nhân dân, du khách và những người không có nhiệm vụ không nên vào khu vực hành lễ để tránh tình trạng lộn xộn. Ban Tổ chức đã chuẩn bị lượng ấn đủ để mọi người về với đền Trần đều được nhận lộc ấn và sẽ phát cho đến khi hết ấn.
Năm nay, Ban Tổ chức vẫn tiếp tục sử dụng 16 camera an ninh tại khu vực diễn ra lễ khai ấn để đảm bảo an ninh trật tự, giám sát, phát hiện, nhắc nhở, xử lý những hành vi phản cảm, vi phạm quy định lễ hội. “Ném tiền vào kiệu ấn là hành vi phản cảm, để lại hình ảnh không đẹp trong lòng nhân dân, du khách. Vì vậy, mọi người cần nâng cao ý thức, không chen lấn, xô đẩy, tự ý lấy đồ cúng trên các ban thờ, nhất là ném tiền vào kiệu ấn”, bà Oanh khuyến cáo.
Cần hiểu đúng ý nghĩa khai ấn
Theo các cụ cao niên ở phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định và các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, Lễ khai ấn Đền Trần là một tập tục của triều đại nhà Trần. Các tư liệu lịch sử ghi lại rằng vào ngày 14 tháng Giêng (âm lịch) tại phủ Thiên Trường vua Trần Thái Tông đã mở tiệc chiêu đãi và thưởng công, phong tước cho các quan, quân có công trong việc đánh giặc. Kể từ đó, cứ vào ngày này, các vua Trần lại tổ chức nghi thức khai ấn để tế lễ trời đất, tổ tiên; phong chức tước cho những người có công, đồng thời mở đầu cho một năm làm việc mới của bộ máy chính quyền nhà Trần.
Sau này trên nền phủ Thiên Trường nhân dân đã xây dựng khu di tích đền Trần để thờ 14 vị vua nhà Trần, Trần Hưng Đạo cùng các quan văn, võ, đồng thời duy trì nghi thức khai ấn để tưởng nhớ công đức của các vua Trần, giáo dục con cháu truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông xã tắc.
Nghi lễ khai ấn với ý nghĩa nhân văn lớn lao là cầu mong cho thiên hạ thái bình, thịnh trị, mọi nhà chung hưởng lộc ấn đền Trần “Tích phúc vô cương”, cầu mong mọi người bước sang năm mới mạnh khỏe, lao động, sản xuất hăng say.