Sóc Trăng:

Nghệ nhân Danh Vũ - Người “giữ hồn” Naga

Trong văn hóa Khmer, Naga hay Neak (gọi chung là rồng) được xem là vật vô cùng linh thiêng và chiếm vị trí rất quan trọng. Theo truyền thuyết, người Khmer thuộc dòng dõi Naga, sự kết hợp giữa Preah Thông-Neang Neak đã tạo nên giống nòi người Khmer. Trong quá trình phát triển, người Khmer đã tạo cho mình những hình tượng gắn liền với nguồn gốc của mình. Đó là những mái vòm cong vút trên ngôi chánh điện chùa được cách điệu về hình tượng Naga; hay những chiếc ghe ngo cong vút được xem một hiện thân khác của Naga luôn đặt ở những vị trí quan trọng trong chùa; hình tượng Naga được chạm trổ bằng xà cừ uốn lượn quấn quanh những cánh cửa chùa, trên chiếc tủ đựng kinh sách… 

Anh Vũ đang tỷ mỷ vẽ những chiếc ghe ngo mô hình sẽ được tỉnh Sóc Trăng biếu tặng các đoàn đại biểu trong dịp Festival sắp tới.


Nói về Naga để thấy rằng, những con người đang hàng ngày, hàng giờ lưu giữ những bản sắc truyền thống đã tồn tại hàng ngàn năm qua để truyền đến ngày hôm nay quả là một kỳ công. Muốn được như thế phải là sự đam mê, sự trân trọng truyền thống, và thực sự ngấm vào “máu” không chỉ một thế hệ mà nhiều thế hệ, cả gia phả của một dòng họ.

Để thấy được những kỳ công đó, chúng tôi đã gặp gỡ người nghệ nhân trẻ, nhưng từ lâu đã rất nổi tiếng về nghề đóng ghe ngo, người đang “bảo quản” hành trang 4 đời người trong hành trình giữ hồn Naga. Anh chính là nghệ nhân Danh Vũ, một nghệ nhân nổi tiếng về đóng ghe ngo (thuyền độc mộc truyền thống) của khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). 

4 đời giữ hồn Naga 

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống đóng ghe ngo, nên anh Vũ được thừa hưởng những kỹ thuật và công đoạn cơ bản để đóng một chiếc ghe ngo. Đến nay đã có 4 thế hệ của gia đình anh theo nghề này, từ đời ông cố của anh. Đời trước truyền lại đời sau, người đời sau học lại và tiếp tục nâng tầm cho nghề “bí truyền” của dòng họ được duy trì. Để trở thành nghệ nhân như ngày hôm nay không phải là dễ dàng. Đó không chỉ là sự thừa hưởng những tinh túy của dòng họ mà còn là sự đam mê từ chính bản thân người nghệ nhân. 

Hình tượng Naga luôn ngự trị tại những vị trí trang trong trong chùa Khmer


Anh Vũ tâm sự: Để trở thành một người có tiếng về đóng ghe ngo không phải là chuyện đơn giản. Đó là những lúc tưởng chừng như cái nghề truyền thống đã trải qua 3 đời của dòng họ phải tắt lịm khi đến đời thứ 4 của anh. Đó là những lúc khi sức mạnh cơm áo gạo tiền không đủ khả năng kéo anh ra khỏi cái nghề truyền thống mà cha ông anh đã cố công truyền lại. 

Cưới vợ năm 1997 tại Sóc Trăng nhưng không theo nghiệp ghe ngo mà lại theo bố vợ vẽ hoa văn trang trí trong các chùa Khmer, phần vì anh không có vốn để tự đứng ra lập một đội đóng ghe, phần vì chưa có nhiều kinh nghiệm. Để trở thành nghệ nhân nổi tiếng như ngày hôm nay, cơ duyên của anh bắt đầu từ năm 2002 khi chùa Wath Pích (huyện Vĩnh Châu) có nhu cầu cầu đóng ghe nhưng lại không thuê được thợ đóng. Biết anh là người trong “đạo” nên nhà chùa đã mời anh đóng cho chùa chiếc ghe mới để kịp hạ thủy trong mùa OK Om Bok 2002. 

Trong thời gian đóng chiếc ghe đầu tiên không đêm nào anh có được giấc ngủ ngon lành, lúc nào cũng hồi hộp vì không biết cân đo đong đếm thế nào cho chuẩn, không biết lấy tiền đâu ra đền cho nhà chùa nếu đóng sai chiếc ghe… Trời không phụ lòng người, chiếc ghe đầu đời của anh đã hạ thủy an toàn, thậm chí nó còn lướt rất nhanh và nhẹ. Chính những ưu điểm đó của chiếc ghe chùa Wath Pích trong lễ Ok Om Bok 2002 đã hấp dẫn ban quản trị chùa Trà Quýt (huyện Châu Thành) và mời anh về đóng cho họ. Ba tháng sau, anh đóng chiếc thứ 2 và chính thức trở thành "truyền nhân" thứ 4 của dòng họ. 

“Đường cùng” sinh sáng tạo 

Vào những năm 80, nghệ nhân Danh Nghiêm (ông nội của anh Vũ) đã nảy sinh sáng kiến trong lúc sửa chữa ghe ngo của chùa Cái Đuốc Nhỏ (xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng, Kiên Giang). Do kinh phí hạn hẹp nên nhà chùa không thể đóng được chiếc ghe mới mà chỉ có thể sửa chữa. Trong lúc “bí” quá, cách mới đã được làm thử: vẫn giữ nguyên bộ khung của chiếc ghe cũ, đục đẽo bớt đi những phần đã xuống cấp và thay vào bằng những miếng ván ghép mới hơn và mỏng hơn. Không ngờ, sau khi hạ thủy trong lễ Ok Om Bok năm 1985 của tỉnh Kiên Giang, chiếc ghe mới đã khẳng định được sự vượt trội hơn hẳn về tốc độ so với chiếc ghe ngo độc mộc truyền thống. Đến năm 1986, chiếc ghe cải tiến này đã đạt quán quân trong lễ hội Ok Om Bok tại Sóc Trăng. 

Hiện nay trong số gần 100 chiếc ghe của cả ĐBSCL hầu như đã mất bóng chiếc ghe độc mộc truyền thống mà thay vào đó là chiếc ghe ngo ghép ván. Nhận định như thế để thấy được trong quá trình gần 1000 năm tồn tại của chiếc ghe ngo độc mộc, ưu điểm vượt trội của chếc ghe ghép ván đã đáp ứng được sức người, sức của, và nhu cầu hưởng thụ văn hóa trong thời hiện đại. Chính thế “bí” của chùa Cái Đuốc Nhỏ và sự sáng tạo của người nghệ nhân Danh Nghiêm ngày nào đã tạo ra một chuẩn mực mới cho việc đóng ghe ngo. 

Biểu tượng vĩnh hằng của Naga 

Với sự đam mê, niềm nhiệt huyết, nên “linh hồn” của Naga đã không thể tắt lịm khi đến thế hệ của Danh Vũ-truyền nhân duy nhất của dòng họ. Thậm chí, anh còn phát triển nó lên một tầm cao mới khi kỹ thuật đóng ghe ngày càng được rút ngắn, tốc độ của chiếc ghe ngày càng nhanh hơn. Nếu những năm 1990 để kết thúc đoạn đua 1.200m, một chiếc ghe phải mất 4 phút 30 giây, giảm xuống dần 3 phút 30 giây những năm 2003, và đến nay chỉ mất 2 phút 30 giây (kỷ lục của chiếc ghe Lộ Mới đạt được trong mùa giải OK Om Bok Sóc Trăng 2010 vừa qua). 

Tính đến nay anh Vũ đã đóng được trên 50 chiếc ghe ngo ở hầu hết các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đa số những chiếc ghe do anh đóng đều thuộc hàng “top ten” trong các giải đua của tỉnh và khu vực như Kos Tung (Cù Lao Dung), Lộ Mới (Thạnh Trị)… Tại giải đua ghe ngo toàn quốc lần thứ nhất vừa được tổ chức tại tỉnh Hậu Giang vừa qua, trong tổng số 10 chiếc ghe tham dự đã có đến 8 chiếc được nghệ nhân Danh Vũ đóng. Không những thế, tốc độ cho những chiếc ghe ngo ngày càng nhanh hơn. 

Chanh Đa- TTXVN
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN