Từ ngày chuyển sang công việc mình yêu thích, chị càng cần mẫn, tìm tòi, sáng tạo để cho ra đời hàng trăm loại bánh dân gian mang đậm hương vị truyền thống của Việt Nam. Đến nay, các loại bánh chị làm ra được rất nhiều người biết đến và được khẳng định tại nhiều cuộc thi làm bánh trong và ngoài nước.
Giữ vị truyền thống của các loại bánh ngày Tết
Mỗi dịp Tết đến Xuân về, gian bếp nhỏ nhà chị Trần Thị Hiền Minh lại rôm rả tiếng nói cười của những nhân viên trong nhóm Bếp cô Minh đến phụ chị gói bánh chưng, bánh tét phục vụ thị trường Tết 2022.
Vào dịp cận Tết Nguyên đán hàng năm, chị Hiền Minh thường cho ra lò khoảng 600 chiếc bánh chưng và 300 chiếc bánh tét mang hương vị truyền thống năm xưa để phục vụ các khách hàng thân quen.
Chị Trần Thị Hiền Minh cho biết, trong văn hóa ẩm thực truyền thống Việt Nam, các loại quà, bánh đã trở nên rất gần gũi và quen thuộc đối với cuộc sống hàng ngày của mỗi con người Việt. Đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán, người Việt luôn nhắc đến hai loại bánh không thể thiếu trong các mâm cơm gia đình, đó là bánh chưng và bánh tét.
"Theo thời gian, các loại bánh này ngày càng trở nên đa dạng, phong phú cả về hình thức lẫn hương vị, nhưng khi làm bánh chưng, bánh tét phục vụ thị trường Tết, tôi luôn cố gắng giữ hương vị truyền thống để giữ gìn tinh hoa ẩm thực của người Việt xưa. Cũng vì muốn gìn giữ vị bánh truyền thống mà tôi xây dựng thương hiệu bánh - Bếp cô Minh", chị Hiền Minh cho biết.
Theo chị Hiền Minh, khi cuộc sống ngày càng bận rộn thì người Việt càng muốn tìm về các vị bánh truyền thống năm xưa. Nắm bắt xu hướng đó, các loại bánh chưng, bánh tét từ thương hiệu Bếp cô Minh luôn cũng luôn đặt yêu cầu giữ vị truyền thống lên trên hết. Theo đó, để giữ được vị bánh chưng truyền thống, chị sẽ chọn những chiếc lá dong không quá non và không quá già, gạo nếp làm bánh tươi ngon, khi nấu vẫn còn mùi thơm của thịt. Ngoài ra, khi ướp nhân bánh chưng thì phải ướp nguyên vị truyền thống với các gia vị tốt nhất.
Đối với bánh tét thì có hai loại bánh tét được người miền Nam và miền Trung ưa thích là bánh tét chuối và bánh tét nhân đậu thịt. Tất cả các nguyên liệu cũng được chọn lựa và giữ nguyên vị truyền thống của các loại bánh ngày xưa với các nguyên liệu chọn lọc, tươi ngon.
Đa số khách đặt bánh chưng, bánh tét của nghệ nhân Trần Thị Hiền Minh đều là những người đã ăn bánh của chị từ hàng chục năm. Chị Nguyễn Tường Loan, nhà ở thành phố Thủ Đức cho biết, mỗi dịp Tết đến, chị thường đặt bánh chưng, bánh tét của Bếp cô Minh. “Trong một lần nghe bạn bè giới thiệu chỗ của chị Hiền Minh có bán bánh truyền thống rất ngon nên tôi thử tìm đến. Sau khi mua ăn thử thì thấy ngon thiệt, hương vị cũng đặc biệt và ngon hơn so với những chỗ khác nên đã hơn 10 năm nay tôi chỉ ăn bánh của chị Hiền Minh làm. Mỗi lần đến mua bánh, tôi thấy chỗ chị Hiền Minh luôn có rất nhiều người đến mua, bởi bánh của chị rất được mọi người yêu thích và khách hàng thường phải đặt bánh trước theo dịp lễ, Tết như: Tết Trung Thu, Tết Đoan ngọ, Tết Nguyên đán… Khách mua bánh thường phải đặt trước, bởi nếu không thì sẽ khó có bánh để ăn, bởi bánh chị làm ra đến đâu bán hết đến đó”, chị Nguyễn Tường Loan cho biết.
Lưu giữ và nâng tầm bánh Việt
Hiện nay, những người trong nghề đều biết đến nghệ nhân làm bánh Trần Thị Hiền Minh, bởi ước mong đau đáu của chị là đi tìm các loại bánh dân gian để giữ nguyên hương vị gốc của các món bánh truyền thống này.
Theo chị Hiền Minh, đa số học trò của chị có thể sáng tạo hương vị theo sở thích nhưng khi dạy, chị vẫn khuyến khích các em phải luôn giữ nguyên vị gốc, bởi để các em học trò trẻ sau này còn biết nguyên bản của món ăn của người Việt Nam năm xưa. Tuy nhiên, về hình thức thì chị lại luôn ủng hộ việc sáng tạo để chiếc bánh đẹp hơn, sang hơn.
"Sang hơn, đẹp hơn ở đây không phải là dùng chén đĩa kiểu Tây để đựng bánh Việt, mà phải biết dùng những nguyên vật liệu đậm chất Việt để trang trí cho món bánh truyền thống. Chẳng hạn, với công thức làm bánh hình hoa từ gạo nếp mà tôi mới dạy cho một bạn kiến trúc sư trẻ là dùng gạo nếp để nặn bánh mang hình hoa lá đặc trưng của Việt Nam làm món tráng miệng cho các nhà hàng cao cấp, ngoài ra cũng có thể trang trí cho các bữa tiệc tại các khách sạn 5 sao", chị Hiền Minh cho biết.
“Trên thế giới, bánh Nhật Bản, bánh Đài Loan (Trung Quốc) bán được nhiều và bán được giá cao cho du khách là nhờ hình thức đẹp, hoa văn họa tiết trang trí đậm chất văn hóa bản địa. Tôi nghĩ rằng bánh Việt Nam đa dạng, đa vị và ngon không kém bánh các nước trên, chỉ có điều chúng ta chỉ mới coi trọng hương vị chứ chưa chú ý nhiều đến tính mỹ thuật của món ăn”, chị Hiền Minh tâm sự.
Để tìm ra hương vị gốc và các loại bánh dân gian trong nhân dân, chị Hiền Minh cũng không ngại khó, ngại khổ đi các vùng miền núi xa xôi, hẻo lánh để tìm lại các công thức bánh địa phương sắp hoặc đã thất truyền để gìn giữ và khôi phục chúng.
Chị Hiền Minh cho biết, ẩm thực Việt Nam nổi tiếng đa dạng nhờ địa hình trải dài và sự giao thoa của nhiều nền văn hóa, thế nên bánh cũng không ngoại lệ. Càng tìm hiểu càng thấy ông bà ngày xưa rất sáng tạo trong việc tận dụng những gì sẵn có trong vườn nhà để làm bánh. Người khơi dậy sự yêu thích với nghề bánh trong tôi là một cô hàng xóm quê ở Đồng Tháp.
"Mới đây, tôi đến Bình Định và tìm lại được món bánh ít hình trái cây. Đây là món bánh không có trên thị trường mà chỉ còn sót lại ở một số gia đình giữ được truyền thống xưa. Thời trước, những chiếc bánh ít cực kỳ đẹp mắt này là sản phẩm thể hiện tài nghệ của các cô con gái trong gia đình, là niềm tự hào của cha mẹ có con gái đến tuổi gả chồng. Hay ở ngay huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) có một gia đình trí thức lâu đời mà tôi có quen biết vẫn còn lưu giữ công thức làm món bánh xôi xeo. Món bánh làm từ nếp và các loại đậu này rất công phu, hoàn toàn phải làm bằng tay và mất cả ngày trời với nhiều sức lực mới làm ra được. Bánh xôi xeo rất ngon, ăn một lần sẽ nhớ mãi nhưng ngoài thị trường đã không ai còn loại bánh này nữa", chị Hiền Minh cho biết.
“Đây có thể gọi là các món bánh gia truyền, là niềm tự hào của các gia đình dòng họ mà mỗi năm họ chỉ làm đôi lần trong giỗ, Tết. Nếu những công thức bánh đó được lưu giữ, bổ sung vào danh sách những món ăn cao cấp thuần Việt thì sẽ làm giàu thêm cho nền ẩm thực dân tộc Việt Nam”, chị Hiền Minh chia sẻ thêm.
Chị Hiền Minh cho biết: "Ngày nay, muốn nâng tầm cho bánh Việt, theo tôi chúng ta phải có sự cầu thị từ nhiều phía. Người học cần phải học hỏi cách chăm chút vào mẫu mã, hình thức như bánh nước ngoài, phải biết cách tiếp thị đúng người đúng chỗ và phải yêu loại bánh đó. Nói tóm lại là phải đầu tư nhiều chất xám để bánh đẹp hơn, đặc sắc hơn và xuất hiện với tần suất cao hơn ở những kênh quảng bá, kênh phân phối hiện đại. Tôi còn nhớ, mỗi lần đi Thái Lan hay Malaysia, nhìn người Việt hào hứng mua bánh kẹo, người làm trong ngành ẩm thực không thể không suy nghĩ. Những chiếc hộp tính ra cả trăm ngàn đó nhiều khi chỉ chứa vài lạng bánh men, vài chục chiếc bánh con sâu. Những món bánh này ở Việt Nam cũng có, thậm chí còn ngon hơn nhờ nước dừa thơm béo, nhưng ở nước mình, bánh bán cả kg cũng chỉ được vài chục ngàn, nghe rất xót xa. Tuy nhiên, hiện nay cuộc sống tuy ngày càng hiện đại, nhưng vẫn còn nhiều người yêu thích hương vị đặc trưng của các món bánh truyền thống, điều đó thật đáng trân trọng. Đây cũng là động lực để tôi tìm hiểu, giữ gìn và làm ra các món bánh truyền thống để mọi người thưởng thức nhằm góp phần lưu giữ nét đặc sắc của văn hóa ẩm thực truyền thống của dân tộc Việt Nam”, chị Hiền Minh nói.
Nghệ nhân làm bánh Trần Thị Hiền Minh sinh năm 1974 tại Hà Nội nhưng lớn lên tại TP Hồ Chí Minh. Chị là cháu nội của nhiếp ảnh gia, nhà làm phim Nguyên Lan Hương (Hương Ký). Hiện nay, chị đang là Ủy viên Ban chấp hành Hội đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn, Chủ nhiệm CLB Bếp bánh Sài Gòn, thành viên Trung tâm nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển Ẩm thực Việt Nam, giảng viên trường Đại học Nguyễn Tất Thành, thỉnh giảng tại các trường: Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Hoa Sen và các trường dạy nghề ẩm thực.