Trong giới yêu nghệ thuật ca trù hiện nay, không ai không biết tới đào đàn Phạm Thị Huệ (hiện là giảng viên khoa Nhạc cụ dân tộc, Học Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Chủ nhiệm Giáo phường ca trù Thăng Long), người đã miệt mài với công cuộc gìn giữ, truyền dạy và giữ lửa cho nghệ thuật ca trù…
Cơ duyên với nhạc dân tộc
Theo học đàn tỳ bà từ năm 8 tuổi ở Nhạc Viện Hà Nội, nhưng thời 15-17 tuổi, Phạm Thị Huệ cũng thích nhạc pop, nhạc nhẹ như bạn bè đồng trang lứa khác. Chị cũng đứng ra thành lập ban nhạc “Trúc xinh” đi hát kiếm tiền. Sớm nhận thấy con đường đó không bền, chị trở về với âm nhạc dân tộc, học thêm những kiến thức cơ bản về thuật hát văn, học cách chơi các loại đàn dân tộc khác với mục đích, biết tính năng từng cây đàn để phối nhạc cho bài hát. Chị tìm mua đĩa nhạc ca trù, với ý định nghe để sau này sáng tác những bài hát mang âm hưởng dân ca. Càng nghe, chị càng thấy ca trù có sức hút đặc biệt và dành thời gian tìm hiểu về loại hình nghệ thuật này, thế rồi chị “ngấm” và “mê” ca trù từ lúc nào chẳng rõ.
Phạm Thị Huệ đánh đàn cho ca nương trẻ hát. Ảnh: do nhân vật cung cấp |
Năm 2001, chị Huệ đến gặp cụ Phó Thị Kim Đức, một nghệ nhân ca trù nổi tiếng xin học, nhưng lúc đó cụ Đức đã có chân truyền rồi, không nhận dạy nữa. Dù không được nhận, nhưng hễ rảnh rỗi, chị lại đến nhà cụ Đức chơi, nghe cụ kể về thời hoàng kim của ca trù. Thấy chị nặng lòng với ca trù, nên sau 5 năm, một hôm cụ Kim Đức gọi chị sang và bảo: "Nể cái tâm, cái đức của con, ta sẽ dạy con các kỹ thuật thanh nhạc truyền thống, cách ngắt hơi, nhả chữ. Thông thường học trò phải học ba năm mới đạt". Thế rồi cụ dạy chị làn điệu chèo bài “Đường trường tiếng đàn”, một bài hát khó. Sau ba tháng chị học xong, cụ Đức bảo: “Con học ba tháng bằng người ta học ba năm. Ta không còn gì để dạy con nữa”.
Đang loay hoay vì không biết sẽ đi tiếp thế nào, chị được một người bạn cũng rất mê ca trù, đưa về Tứ Kỳ, Hải Dương để gặp nghệ nhân đàn đáy nổi tiếng Nguyễn Phú Đẹ (khi đó đã 82 tuổi) xin học đàn. Cũng trong khoảng thời gian này, chị tìm đến nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Chúc xin làm học trò. Sau nhiều lần gặp gỡ, thấy được tâm nghề của chị, cụ Chúc cũng đồng ý dạy chị với một yêu cầu, phải học đến cùng. Lúc này, phần vì lo sức khỏe các cụ không được lâu, phần vì lo nếu không tập trung dốc sức học thật nhanh sẽ dễ nản… chị tạm gác các công việc khác, dành toàn tâm toàn ý cho việc học hát, học đàn. Vậy là từ tháng 10/2005, chị cứ đi về như con thoi giữa Hà Nội - Hà Tây (cũ) - Hải Dương để theo học với các nghệ nhân.
Giữ lửa ca trù
Cuối tháng 6/2006, cụ Chúc gọi chị đến, bảo chị tổ chức lễ mở xiêm y (có ý nghĩa như buổi trình làng) của người học đàn, hát ca trù. Lễ mở xiêm y của chị có cả giáo sư Trần Văn Khê, PGS. Vũ Nhật Thăng… đến dự. Công chúng yêu ca trù và giới nghiên cứu vừa ngạc nhiên, vừa vui mừng khi thấy chị vừa hát, vừa đàn rất điêu luyện. Sau lễ mở xiêm y, Phạm Thị Huệ đã cùng 2 người thầy của mình là Nguyễn Phú Đẹ (85 tuổi) và Nguyễn Thị Chúc (78 tuổi) thành lập nhóm “Ca trù người Việt”, sau đổi thành CLB Ca trù Thăng Long.
Đào đàn Phạm Thị Huệ tâm sự: “Khi học xong, tôi nghĩ, một mình mình giữ thì mong manh quá, nếu chẳng may có chuyện gì xảy ra với mình, thì tất cả những cố gắng của mình sẽ mất hết”. Vậy là chị nghĩ đến việc truyền lại cho những người khác. Lúc đầu, chị dạy cho người trong nhà, nhưng lại lo khi con, em mình trưởng thành, nếu không yêu nghề mà bỏ, sẽ lại mất hết. Vì vậy, trong đêm kỷ niệm một năm thành lập CLB, chị đã đưa ra một số phiếu mời đăng ký tham gia lớp dạy ca trù miễn phí. Rất may, có khá đông em đăng ký xin học. Từ đó đến nay, CLB của chị vừa tổ chức biểu diễn, vừa dạy hát, dạy đàn cho nhiều người theo học.
Tháng 3/2010, CLB Ca trù Thăng Long chính thức ra mắt Giáo phường Ca trù Thăng Long. Từ tháng 10/2010, Giáo phường ca trù Thăng Long kết hợp với Ban Quản lý phố cổ Hà Nội biểu diễn tại Đền Quan Đế, 28 Hàng Buồm vào tối thứ 7 hàng tuần. Đến tháng 10/2011, Giáo phường ca trù Thăng Long tiếp tục có thêm điểm biểu diễn mới tại Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, vào tất cả các ngày trong tuần. Với mục đích phục dựng lại canh hát chơi, ca quán mẫu mực của giáo phường xưa kia, nên các tiết mục biểu diễn ở đây chủ yếu là những làn điệu cổ như Hát dâng hương, Tỳ bà hành, Bắc phản, Hát ru, Thét nhạc, Hát nói, Hát mưỡu...
Những cố gắng của chị đối với nghệ thuật ca trù đã được ghi nhận. Liên hoan ca trù toàn quốc (diễn ra từ 13-16/10/2011) vừa qua, Giáo phường ca trù Thăng Long được đánh giá là đoàn chuyên nghiệp nhất, được Ban giám khảo trao HCV cho phần thi hát thờ cửa đình, 1 HCĐ và 1 giải khuyến khích.
Mới đây, đào đàn Phạm Thị Huệ đã được tổ chức World Masters (WMOC) trao bằng chứng nhận World Master (Nghệ nhân Thế giới). Đó là những phần thưởng xứng đáng cho người nghệ nhân hết mình với nghệ thuật ca trù.
Phương Hà