Để nghệ thuật cải lương không ngừng được sáng tạo, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác cần phát huy vai trò của cả cộng đồng với các giải pháp vừa cấp thiết vừa mang tính lâu dài, căn cơ.
Đưa cải lương đến giới trẻ
Tiến sỹ Mai Mỹ Duyên, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Thiếu lực lượng khán giả say mê và hiểu biết cải lương là một trong những nguyên nhân chính khiến sân khấu cải lương trở nên xuống dốc. Vì vậy, đưa cải lương đến với giới trẻ là việc làm cần thiết để loại hình nghệ thuật truyền thống này có được thế hệ khán giả mới, bên cạnh việc đón nhận những loại hình nghệ thuật mới, cũng say mê, trân trọng nghệ thuật truyền thống của dân tộc như thế hệ cha anh trước đây.
Nghệ sỹ Linh Trung - nguyên Trưởng đoàn II, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, khán giả của sân khấu cải lương hôm nay cần có người trẻ, vì vậy cần giúp khán giả trẻ có kiến thức về cải lương ngay từ các trường học. Ngoài ra, phải hiểu cải lương rồi mới thích, mới thấy thương.
Với suy nghĩ ấy, cùng bạn bè, nghệ sỹ Linh Trung đã phối hợp với một số nghệ sỹ và giáo viên thực hiện chương trình "Nhạc dân tộc như lời ru của mẹ”, bước đầu đã giới thiệu cho các em nhỏ ở một số trường học tại huyện Bình Chánh (Thành phố Hồ Chí Minh) làm quen với những cây đàn, bài ca, trích đoạn của một vở cải lương.
Mới đây, trong khuôn khổ dự án Di sản kết nối do Hội đồng Anh tổ chức, một số trích đoạn cải lương đã được đưa ra biểu diễn tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ đông đảo khán giả, nhất là khán giả trẻ.
Tiến sỹ Lê Hồng Phước, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: Cần có cách tiếp cận phù hợp, đa dạng để đưa cải lương đến gần hơn với người trẻ, phải làm cho người trẻ hôm nay hiểu nghệ thuật cải lương, hiểu rồi họ sẽ yêu. Việc biểu diễn cải lương ngay tại đường sách là cách làm phù hợp, góp phần đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với khán giả, nhất là khán giả trẻ.
Bạn Nguyễn Thị Thu Hà, sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Sinh ra và lớn lên ở Huế, khi còn nhỏ em đã được đi xem cải lương ở rạp hát cùng ông bà nội. Nay đến không gian đường sách, trực tiếp trò chuyện với nhiều nghệ sỹ cải lương nổi tiếng, nghe nghệ sỹ phân tích về cái hay, cái đẹp của cải lương và được xem biểu diễn nhiều trích đoạn của các vở cải lương như "Tình mẫu tử" (soạn giả Viễn Châu), "Sông dài" (soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng), em hiểu hơn về nghệ thuật cải lương truyền thống của dân tộc. Sau này, nếu có những chương trình biểu diễn như thế này, em sẽ mời một số người bạn là học sinh nước ngoài đang học tập tại Thành phố Hồ Chí Minh đến để cùng thưởng thức, giúp họ hiểu hơn về nét văn hóa đặc sắc của đất nước Việt Nam.
Nỗ lực chung tay
Để bảo tồn và phát triển nghệ thuật cải lương, thu hút khán giả, nhất là khán giả trẻ, một vấn đề đặt ra là các nghệ sỹ của sân khấu cải lương hôm nay không thể dừng lại ở việc chỉ diễn vở diễn quen thuộc, những tích tuồng cũ. Vì vậy, muốn sân khấu có thể liên tục sáng đèn, một trong những vấn đề quan trọng là bên cạnh vở diễn mang tính kinh điển của nghệ thuật cải lương, cần có nhiều vở diễn mới khai thác được tính thời đại, đề cập đến vấn đề mang tính thời sự…
Với quan điểm này, đạo diễn, soạn giả cải lương Đồng Thị Quế Anh, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật tỉnh Đồng Nai đã chia sẻ: Trình độ thưởng thức nghệ thuật của khán giả ngày càng cao. Do đó, bên cạnh việc bảo tồn những tác phẩm kinh điển, cần có nhiều tác phẩm cải lương khai thác được tính thời đại để thu hút nhiều hơn người trẻ đến với sân khấu cải lương.
Soạn giả cải lương Đồng Thị Quế Anh cũng chia sẻ, thuộc lớp người sinh năm 1975, chị luôn ngưỡng mộ các soạn giả, nghệ sỹ cải lương thế hệ đi trước và luôn nhìn lên những thành công của bậc tiền bối để làm động lực cho bản thân. Tuy nhiên, khi viết những vở cải lương với đề tài mới, chị luôn muốn lồng ghép hơi thở đương đại, suy nghĩ xem khán giả hôm nay cần gì.
Năm 2018, qua theo dõi các phương tiện truyền thông, chị nhận thấy chọn vấn đề thời sự để viết kịch bản vở cải lương mang tên “Hồi sinh” với mong muốn chuyển tải một câu chuyện cảm động mang tính nhân văn thông qua vở diễn. Vở cải lương “Hồi sinh” sau đó đã được Nhà hát nghệ thuật tỉnh Đồng Nai biểu diễn thành công, thu hút nhiều khán giả trong và ngoài tỉnh đến xem.
Bên cạnh yếu tố kịch bản, có nghệ sỹ cải lương cũng bày tỏ trăn trở, mỗi nghệ sỹ muốn biểu diễn thành công phải hiểu rõ tính cách nhân vật, hoàn cảnh sống của nhân vật trong từng vở cải lương. Dù sân khấu cho phép có tính ước lệ thì trên sân khấu người nghệ sỹ phải chú ý mình đang hóa thân vào nhân vật nào, có nếp nhăn, vết sẹo không… Các nghệ sỹ trẻ cần lưu tâm nếu không sẽ mất đi lòng tin yêu của khán giả.
Chung quan điểm này, Tiến sỹ Lê Hồng Phước, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: Mỗi vở diễn thành công có sự đóng góp rất lớn của các nghệ sỹ biểu diễn. Một số nghệ sỹ trẻ hiện nay có giọng ca rất hay nhưng để thu hút khán giả khi biểu diễn bên cạnh kỹ thuật còn cần có cái “hồn”. Sân khấu đẹp là tốt, nhân vật của vở diễn có trang phục đẹp, lộng lẫy, nhưng phải thật, phù hợp mới có sức thuyết phục khán giả, như vậy mới “kéo” khán giả đến với sân khấu ngày càng nhiều hơn.