Sau 3 ngày nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện 115 (Thành phố Hồ Chí Minh), nhạc sĩ Phạm Duy (ảnh) đã yên giấc ngàn thu vào chiều 27/1, hơn 1 tháng sau cái chết của người con trai cả của ông - ca sĩ Duy Quang (20/12/2012). Thật ngậm ngùi khi người nhạc sĩ tài hoa này đã không thể chờ đợi được mùa xuân cuối cùng của cuộc đời mình…
Một đời nghệ sĩ
Phạm Duy sinh ngày 5/10/1921 tại phố Hàng Cót - Hà Nội, tên thật là Phạm Duy Cẩn. Ông được đánh giá là một trong những nhạc sĩ lớn của nền tân nhạc, với số lượng sáng tác đồ sộ và đa dạng về thể loại (nhạc cách mạng, nhạc quê hương, nhạc tình đôi lứa, trường ca, rong ca, đạo ca, thiền ca, tâm ca...), trong đó có những bài đã trở nên rất quen thuộc với khán giả nhiều thế hệ. Cùng với sáng tác, ông còn có nhiều công trình khảo cứu về âm nhạc Việt Nam có giá trị.
Cuộc đời Phạm Duy là một hành trình nhiều "cung bậc". Khởi sự đời nhạc trong gánh hát Đức Huy với vai trò ca sĩ hát lưu động, ông từng tham gia kháng chiến chống Pháp một thời gian trước khi vào miền Nam hoạt động âm nhạc. Sau năm 1975, ông sang Mỹ định cư. Tới năm 2005, ông đã trở về Việt Nam sinh sống, và đó cũng là lúc những ca khúc của Phạm Duy trở lại khá "dào dạt" với những đêm nhạc của ông liên tục được tổ chức, những ca sĩ mới liên tục xuất hiện và "thể nghiệm" mình cùng nhạc Phạm Duy. Những cái tên thành công phải kể đến là Ánh Tuyết, Nguyên Thảo, và đặc biệt là Đức Tuấn với những ca khúc như "Mùa thu chết", "Giọt mưa trên lá", "Tạ ơn đời", "Tiễn em", "Đi đâu cho thiếp theo cùng", "Bà mẹ Gio Linh", "Chiều về trên sông", "Áo anh sứt chỉ đường tà", "Ngày xưa Hoàng thị"… Có thể nói không ngoa rằng với nhạc Phạm Duy, Đức Tuấn đã có sự đột phá của mình. Rất nhiều lần người ta chứng kiến Đức Tuấn khóc khi hát nhạc Phạm Duy. Chàng ca sĩ này cũng đã rơi lệ khi nghe tin ông mất, dù anh đang lưu diễn ở Pháp. Đức Tuấn đã vội lên facebook của mình chia sẻ: "Nghìn trùng xa cách, Ông đã đi rồi... Con xa quá không gặp được Ông lần cuối. Xin kính chúc nhạc sĩ Phạm Duy yên giấc. Một cuộc phiêu lưu mới Ông đang bắt đầu. Con sẽ hát mãi những bài hát của Ông cho một thế hệ mới". Ngược lại, với Phạm Duy, Đức Tuấn cũng là một giọng ca nam thực sự khiến ông hài lòng. Ông đã từng lên sân khấu để ôm hôn chàng ca sĩ trẻ này trong một chương trình giới thiệu những ca khúc của ông…
Phạm Duy là con trai của nhà văn Phạm Duy Tốn. Và bản thân gia đình riêng của ông sau này cũng thật xứng với cái tên là "Gia đình nghệ sĩ". Vợ ông là ca sĩ Thái Hằng, người nhất mực yêu thương ông, và yêu cả cái tính đào hoa của ông, nhưng đã sớm lìa trần (bà qua đời năm 1999). Các con của ông gồm ca sĩ Thái Hiền, ca sĩ Duy Quang, Thái Thảo, nhạc sĩ hòa âm Duy Cường. Bản thân chồng của ca sĩ Thái Thảo cũng chính là ca sĩ Tuấn Ngọc, người đã gắn bó và nổi tiếng với những ca khúc của ông.
Trong cuộc đời mình, Phạm Duy cũng gắn bó với nhiều tên tuổi của làng nhạc Việt Nam. Một trong những người bạn chí cốt của ông là nhạc sĩ Văn Cao. Phạm Duy là người đầu tiên đem ca khúc "Buồn tàn thu" của Văn Cao đi khắp mọi miền đất nước. Ông từng có đóng góp vào những tác phẩm của Văn Cao, như cùng đặt lời, viết nhạc cho "Bến xuân", "Suối mơ". Hai người thường được biết đến như là một đôi bạn thân thiết, có một tình bạn kéo dài nửa thế kỷ, dù không phải lúc nào cũng đi chung một con đường…
Họ quen nhau tại Hải Phòng năm 1944. Hai người trở thành đôi bạn thân, thường giúp nhau sáng tác nhạc… Trong hồi ký của mình, Phạm Duy tả về Văn Cao: "Thấp bé hơn tôi, khép kín hơn tôi, nhưng Văn Cao tài hoa hơn tôi nhiều. Chắc chắn là đứng đắn hơn tôi. Lúc mới gặp nhau, anh ta chưa dám mày-tao với tôi, nhưng tôi thì có cái tật thích nói văng mạng (và văng tục) từ lâu, kết cục, cu cậu cũng theo tôi mà xổ chữ nho. Nhưng Văn Cao bản tính lầm lỳ, ít nói, khi nói thì bàn tay gầy gò luôn luôn múa trước mặt người nghe. Anh ta thích hút thuốc lào từ khi còn trẻ, có lần say thuốc ngã vào tay tôi. Về sau, anh còn nghiện rượu rất nặng". Năm 1995 Văn Cao mất, nhưng đến 2001 Phạm Duy mới về viếng mộ bạn. Trong lần đầu trở lại quê hương, ông đã cầm một chai rượu rưới lên khắp mộ bạn…
Sự mãn nguyện cuối đời
Có lẽ những năm cuối cùng về Việt Nam sinh sống là những năm hạnh phúc nhất của Phạm Duy. Luôn thấy nụ cười nở trên môi ông trong mỗi đêm nhạc được tổ chức. Mỗi lần xuất hiện trong những chương trình của mình, mà gần như năm nào cũng có, đặc biệt vào dịp sinh nhật ông, Phạm Duy đều ngồi nghe rất chăm chú ở hàng đầu, rồi mỉm cười hài lòng, và sau đó là lên sân khấu bắt tay, ôm hôn các ca sĩ. Những chương trình sau, yếu hơn, thì ông ngồi tại chỗ và cầm micrô, nói rành rọt về những cảm xúc của mình.
Quê hương, nơi mà Phạm Duy biết yêu "Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi/ Mẹ hiền ru những câu xa vời/ À à ơi! Tiếng ru muôn đời/ Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui/ Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi/ Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi/ Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi…" (“Tình ca”); nên sẽ là nơi để ông có thể "thăng hoa" nhất! Đơn giản là vậy. Thế nên, đến giai đoạn cuối cùng này, sau nhiều năm chỉ quen thuộc với những ca khúc rất xưa của Phạm Duy, thật sự nhiều người trong giới đã bất ngờ khi ông lại sáng tác trở lại. Ông tâm sự, 30 năm ở ngoại quốc tưởng chừng đã khiến ông cạn kiệt nguồn cảm hứng. Thế nhưng từ khi trở về Việt Nam, ông đã cho “ra lò” gần 40 tác phẩm mới. Trong đó có 10 bài "Hương ca", 10 bài phổ nhạc từ thơ Bích Khê mang tên "Dị khúc". Ngoài ra là "Truyện Kiều" với 37 khúc, dài gần 3 tiếng đồng hồ. Những tác phẩm này đều đang trong quá trình xin cấp phép để phát hành rộng rãi…
Ngoài ra, ông cũng đang thực hiện một cuốn sách tập hợp các kinh nghiệm mà ông học hỏi được trong suốt 30 năm ở xứ người, cũng như toàn bộ những tinh hoa ông chắt lọc được trong hành trình đến với âm nhạc; và ấp ủ dự định phát hành quyển sách mang tên "Vang vọng một thời", viết về xuất xứ, hoàn cảnh ra đời của các ca khúc.
Phạm Duy từng tâm sự: “Tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện tôi sẽ chết vì tôi sẽ không bao giờ chết được cả. Tôi có chết đi chăng nữa thì nhạc của tôi vẫn sẽ hiện hồn trên môi những người ca hát. Vậy thì làm sao tôi chết được? Còn cái chết xác thịt thì ai cũng phải chết thôi. Tôi sống đến giờ cũng hơi lâu rồi...”. Vậy đó, ông đã lạc quan cho tới cuối đời, đơn giản cũng bởi những gì là tâm nguyện ông đã hoàn thành được rồi. Và quan trọng nhất là tâm nguyện cuối: Được ra đi trên mảnh đất quê hương mình.
Lá đã rụng về cội!
Tuyết Anh