Ở Tuyên Quang, nhắc đến nghệ nhân Hà Thuấn, khắp thôn trên bản dưới ai cũng biết. Dù đã bước sang tuổi “ thất thập cổ lai hy ” nhưng ông vẫn miệt mài ngày đêm sưu tầm, chỉnh lý những bài Then cổ, sáng tác những bài Then mới để đưa hát Then đến công chúng với mong ước gìn giữ, bảo tồn những làn điệu then truyền thống vốn là nét độc đáo của đồng bào dân tộc Tày cho thế hệ trẻ mai sau.
Sinh ra ở Tân An, huyện Chiêm Hóa - cái nôi của hát then, lại là con của một gia đình vốn có truyền thống nghệ thuật, cha mẹ ông cũng là những người đam mê hát Then nên ngay từ bé, Hà Thuấn đã được cha mẹ dạy cho các điệu Then “tằng bốc” (đường cạn), “tằng nặm”(đường nước). Đây là hai làn điệu chính hay nhất và độc đáo nhất mà tổ tiên dân tộc Tày để lại.
Niềm đam mê đã ăn sâu vào máu thịt ông lúc nào chẳng nhớ nữa. Ông bỏ nhiều công sức đi sưu tầm các bài Then cổ lưu giữ được trong các bản làng của đồng bào dân tộc Tày . Các bài hát Then cổ được ghi bằng chữ Nho rồi hát bằng tiếng Tày. Vì vậy để hát được ông đã miệt mài học chữ Nho trong một thời gian dài. Đến nay, ông có thể dịch được chữ Nho sang tiếng Tày rồi từ tiếng Tày sang tiếng phổ thông.
Bên cạnh đó, ông còn sáng tác các bài hát theo điệu Then mới, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ âm nhạc, văn hoá của chính đồng bào dân tộc mình. Qua mấy chục năm miệt mài, cần mẫn ông đã sáng tác được gần 60 bài hát Then theo điệu "tằng bốc" và "tằng nặm", đồng thời sưu tầm và chỉnh lý hàng chục bài Then cổ. Không dừng lại ở đó, ông đã có những sáng tạo độc đáo đưa hát Then đến gần với mọi người và có ý nghĩa thiết thực hơn trong cuộc sống.
Đầu tiên là việc thiết kế những cây đàn to nhỏ khác nhau phù hợp với từng người rồi ghi hẳn những nốt nhạc lên cần đàn để mọi người dễ học và dễ chơi hơn. Do đồng bào nơi đây, nhiều người vẫn chưa nói và đọc chữ phổ thông được nên ông đã sáng tác các bài hát có nội dung tuyên truyền phổ biến chính sách của nhà nước cho bà con dễ nhớ, dễ thuộc.
Nhìn ông lướt những ngón tay mềm mại trên cây đàn tính, rồi cất cao tiếng hát, mắt nhắm nghiền, thả hồn theo tiếng đàn đủ để thấy ông “mê” hát Then đến chừng nào. Bà Nhạc, vợ ông tâm sự: “Nhiều hôm ông tập hát mà quên ăn, có những đêm ông thức trắng ngồi sáng tác, dàn dựng chương trình”. Những tiết mục đặc sắc do chính ông dàn dựng và biểu diễn luôn đạt nhiều giải cao trong các kỳ liên hoan của huyện, tỉnh, khu vực. Điển hình như; năm 2007, tại Liên hoan dân ca dân vũ nhạc cụ dân tộc Tuyên Quang tiết mục “lọong thuông” do ông dàn dựng và biểu diễn đã đạt giải xuất sắc.
Ngoài ra, ông còn đạt g iải A trong Liên hoan hát then, đàn tính lần thứ 2 - tháng 10/2007 tại Cao Bằng với tiết mục “ Tản Bioóc ”; n ăm 2010, đạt giải xuất sắc với tiết mục “Cung bướm lượn tháng ba” tại Liên hoan các câu lạc bộ đàn hát dân ca và gia đình văn nghệ. Ông được Hội văn nghệ dân gian công nhận Nghệ nhân Dân gian. Ông tâm sự, “phần thưởng lớn nhất trong các lần biểu diễn là ông đã đưa hát Then phổ biến đến công chúng”.
Ông nói thêm: “Ngày xưa , hát Then chỉ dùng để cúng bái, giao tiếp với thần linh trong các dịp lễ hội như: lễ cấp sắc, lễ cầu mùa, cầu mưa... người ta có thể hát cả giờ đồng hồ, đôi khi là thâu đêm với chỉ một bài. Còn bây giờ ngoài những làn điệu Then cổ còn giữ lại thì các bài Then mới chủ yếu là bài hát ca ngợi quê hương, tình yêu đôi lứa, tình yêu lao động. Thời lượng các bài hát cũng ngắn hơn nhiều”.
Không chỉ để lại dấu ấn trong sưu tầm, sáng tác và biểu diễn, người ta còn tìm thấy ở ông như một bảo tàng sống về hát Then nói riêng, văn hóa người Tày nói chung. Ông nhớ rõ từng truyền thuyết, từng câu chuyện về hát then. Như chuyện cây đàn tính sao chỉ có 2 dây, cây đàn tính và điệu hát then sao lại dùng chủ yếu trong các nghi lễ…
Chứng kiến cảnh nhiều làn điệu dân ca truyền thống của các dân tộc khác bị mai một, rồi mất dần bởi làn sóng kinh tế thị trường, bởi sự tác động của quá trình giao thoa văn hóa, ông không khỏi trăn trở cho số phận của làn điệu Then nói riêng và những giá trị văn hóa của cha ông nói chung.
Ông tâm sự: “ Trông thôn, bản bây giờ những người am hiểu về hát then không còn nhiều, thế hệ trẻ thì nhiều đứa đã không còn biết tiếng Tày nữa nói gì đến hát Then… còn bản thân mình đã già chẳng biết chết lúc nào, chỉ sợ khi mình nhắm mắt xuôi tay rồi thì chẳng ai biết đến hát Then nữa, như thế thì có tội với tổ tiên lắm!”
Để những tinh túy của dân tộc không bị mai một, ông đã mạnh dạn mở các lớp học miễn phí tại nhà. Trời đã không phụ người có lòng. Lớp học của ông lúc đầu chỉ là dạy cho các cháu trong thôn, dần dần những người yêu then biết đến rồi tìm tới học tận nhà. Học trò của ông không phân biệt tuổi tác từ những đứa trẻ mới 6 tuổi đến những người đã bước vào tuổi trung niên. Họ đến với lớp học của ông chỉ mang theo niềm đam mê hát Then. Ông vui vẻ nói thêm: “Bây giờ tôi cũng chẳng nhớ mình đã có bao nhiêu học trò. Nhiều người đã thành đạt, học ở các trường đại học, cao đẳng có người thì trở thành các cây văn nghệ nòng cốt ở các cơ sở”.
Thời gian gần đây, xã, huyện và tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp mở nhiều khóa học hát then nhằm bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa của hát then. Chị Lê Thị thanh Tâm, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Chiêm Hóa cho biết: “ Bên cạnh việc tổ chức các lớp học hát then thì huyện cũng đã lồng ghép các tiết mục hát then vào các chương trình văn nghệ. Huyện cũng đang lên kế hoạch xây dựng đề án L àng văn hóa du lịch gắn với bảo tồn các làn điệu hát T hen, hát C ọi ở thôn An Thịnh, xã Tân An ” .
Những tín hiệu đáng mừng đó phần nào vơi bớt gánh nặng trong lòng ông. Niềm vui hiện rõ trên mặt khi ông cất cao tiếng hát trong tiếng nhạc mượt mà của cây đàn tính. Tiếng hát của ông bây giờ trong hơn, thanh tao và lảnh lót hơn, bay xa đến các vùng miền xua đi cái lạnh giá của thời tiết để đón hơi ấm của đất trời.
TTXVN/ Tin Tức