Nhà báo Diễm Quỳnh trở lại với "Tết nghĩa là hy vọng". |
Sau hai năm thực hiện thiên chức của một người phụ nữ với một bé gái đáng yêu sinh năm Gà; giữa năm 2017, Diễm Quỳnh trở lại và được bổ nhiệm làm Trưởng Ban Thanh thiếu niên. Lèo lái con thuyền VTV6 trong một cuộc chuyển giao, giữa bối cảnh nội dung số đang là một xu hướng tất yếu, nhà báo Đặng Diễm Quỳnh cùng với êkip Ban Thanh thiếu niên lên ý tưởng về một cuộc chuyển dịch mang tên “Thế hệ số” với khán giả lõi là những người thế hệ số, và phát triển các nội dung đa nền tảng. Ý tưởng này bước đầu nhận được sự hưởng ứng của nhiều KOL nổi tiếng, sự phản hồi tích cực của khán giả.
Song song với công tác quản lý, ngay khi đi làm trở lại, nhà báo Đặng Diễm Quỳnh bắt tay thực hiện chương trình trọng điểm của Đài Truyền hình Việt Nam trong dịp Tết nguyên đán: "Tết nghĩa là hy vọng". Đã hai năm nay, chương trình được chọn phát sóng vào khung giờ “kim cương” – ngay sau Táo quân, đồng thời là chương trình cuối cùng của năm cũ. Vì vậy, áp lực là không hề nhỏ. Ê kip của VTV6 gồm những gương mặt từ các phòng khác nhau được tập hợp lại từ 5 tháng trước để bắt tay thực hiện chương trình.
Trong bộn bề công việc chiều cuối năm, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện ngắn với nhà báo Diễm Quỳnh về chương trình lớn đầu tiên đánh dấu sự tái xuất của chị với khán giả truyền hình.
Xin chào nhà báo Diễm Quỳnh, chị có thể bật mí với độc giả về chủ đề của chương trình “Tết nghĩa là hy vọng” năm nay không?
Mỗi năm “Tết nghĩa là hi vọng” đều có một chủ đề xuyên suốt và năm nay tôi mong muốn chương trình đi sâu vào hai từ “Đoàn tụ” và “Kết nối”. Tôi nghĩ rằng ở thời điểm Giao thừa và đặc biệt là sau chương trình Táo Quân thì khán giả muốn xem một cái gì đó nhiều cảm xúc. Và có gì chạm đến cảm xúc của người xem hơn là sự trở về bên gia đình, được đoàn tụ bên người thân để cùng đón chào giây phút thiêng liêng của đất trời.
Tôi thực sự nghĩ rằng đó phải là sự trở về, phải là giây phút mà khán giả khi xem cùng chúng tôi đến hết chương trình sẽ tự nhủ rằng: “À đúng, mọi thứ đã trở về. Tết là ấm áp”. Những người ở xa sẽ về gặp người thân của mình, còn những người ở gần nhau thì sẽ cảm thấy mình thật may mắn khi có gia đình ở bên. Những câu chuyện của “Tết nghĩa là hy vọng” năm nay sẽ giản dị thôi, những ước mơ nhỏ thôinhưng chúng tôi muốn đó sẽ là những ước mơ thành hiện thực vào thời khắc Giao thừa.
Hai năm trước, ý tưởng của “Tết nghĩa là hi vọng” rất rõ. Ví dụ, trong năm đầu tiên là tình người thời bao cấp giúp người ta quên đi những khó khăn đangphải đối mặt. Còn năm ngoái, triết lý về hy vọng là luôn có những cơ hội từ trong thách thức. Vậy năm nay, sự hy vọng là gì?
Cũng như mỗi năm có một chủ đề xuyên suốt, mỗi năm “Tết nghĩa là hi vọng” sẽ có một triết lý khác nhau tùy vào bối cảnh xã hội cũng như những câu chuyện mà chúng tôi đi tìm được. Năm nay, chúng tôi nghĩ rằng ở thời điểm Giao thừa, cảm xúc đoàn viên,niềm vui trở về sẽ là cái thứ kết nối mọi người với nhau.
Dù trong năm có bộn bề thế nào thì ở thời điểm đấy, chúng ta thường không nghĩ về những lo toan và thật sự cũng không nên lo toan vào thời điểm đấy. Đứng trước ngưỡng cửa bước sang năm mới, con người ta được quyền rũ bỏ những gì đã xảy ra. Khi cầm tờ lịch mới, bóc đến ngày mùng 1 Tết, người ta phải cảm thấy ấm áp. Trong chương trình này chúng tôi muốn kể chuyện bằng cảm xúc.
Nhà báo Diễm Quỳnh và khách mời trong chương trình. |
Được biết năm nay, lần đầu tiên chương trình có một bài hát chủ đề mang tên “Tết là hy vọng”. Chị có thể chia sẻ với độc giả ý tưởng thực hiện ca khúc này được không?
Ngay từ đầu, khi làm việc với giám đốc âm nhạc của chương trình là nhạc sĩ Lưu Hà An thì tôi với anh An nghĩ rằng nó sẽ phải trở thành một từ khóa quen thuộc “Tết là hy vọng”. Và thật may là nhạc sĩ Lưu Hà An cũng rất hào hứng với chủ đề của chương trình. Anh ấy nói rằng sự đoàn tụ là mong ước chung của mọi người khi nghĩ về Tết. Tết là gia đình. Người ta không bao giờ thất vọng vì Tết cả, luôn luôn có những hy vọng mới mỗi dịp Tết về.
Đó là thời điểm mọi người cho phép mình một lần nữa được restart, cho mình một cơ hội nữa để hy vọng. Vì thế, Tết không chỉ là sự trở về mà còn là điểm xuất phát. Ở phần đầu của bài hát là những giai điệu trầm lắng nói về những bước chân trở về của con người, về những cuộc đoàn tụ bùi ngùi. Nhưng sang đến phần hai thì giai điệu vô cùng tươi sáng, báo hiệu những ước mơ được mở ra, những hoài bão được ấp ủ và cả những niềm tự hào.
Hy vọng những giai điệu của bài hát “Tết là hy vọng” sẽ được mọi người ngân lên như một giai điệu Xuân mới cùng rất nhiều những giai điệu đẹp khác đã vang lên nhiều năm nay.
Cảm ơn chị và chúc chương trình thành công!
Lời bài hát “Tết là hy vọng” Sáng tác: nhạc sĩ Lưu Hà An Mẹ ơi, con đã về kịp trước Giao thừa
Được nghe tiếng mẹ hiền thân thương
Được tựa vào vai ấm của cha
Cha ơi, trái tim con giờ đây vẫn nhớ kỷ niệm xưa
Ngày Tết đón Giao thừa ngôi nhà nhỏ, vẹn nguyên những ký ức đẹp nhất
Theo cha đón Xuân về nhà như mẹ đón con vào lòng
Tình yêu thương mở cánh cửa mùa xuân
Tết là hạnh phúc khi con trở về
Ngôi nhà yêu dấu tháng năm tuổi thơ
Tết là mái ấm bên nhau sum họp đón mùa xuân mới
Tết là bài hát yêu quê hương mình Tết là tiếng nói thân thương Việt Nam
Tết là ký ức trong tim mỗi người
Tết là quê hương Tết là hy vọng Tiếng pháo hoa ngân vang phút Giao thừa
Đón một năm mới đến rồi
Bầu trời lấp lánh, màu hạnh phúc
Trở về trong vòng tay ấm áp của mẹ
Dành lời chúc yêu thương tặng cha
Xuân về mang khát khao và bao mơ ước
Tết là giây phút ta gieo hy vọng
Những gì đẹp nhất cho quê hương Việt Nam Tết là đồng lúa cho bát cơm đầy
Tết là hạnh phúc Tết là bài hát yêu quê hương mình Tết là tiếng nói thân thương Việt Nam Tết là ký ức trong tim mỗi người Tết là quê hương Tết là áo ấm cho ai không nhà Tết là mong nhớ cho người đi xa Tết là em bé bi bô cất lời Chúc mừng năm mới
Tết là quê hương
Tết là hy vọng. |