“Tết nghĩa là hy vọng” - ấm hành trình đi tìm niềm hy vọng đêm 30 Tết

Tết năm 1987, cái Tết đầu tiên của thời kỳ đổi mới, bầu không khí phấn khởi len lỏi vào từng con phố, vách nhà. Sống dậy cuộc đổi mới kỳ diệu, chương trình “Tết nghĩa là hy vọng” mang đến nhiều niềm vui sống trong giai đoạn chuyển giao năm mới và năm cũ vào 22h đêm 30 Tết trên các kênh sóng của VTV.


Các nghệ sĩ tưng bừng trên đường hoa Nguyễn Huệ.


Chương trình “Tết nghĩa là hy vọng” phát sóng vào 22h ngày 27/1/2017 (tức 30 Tết) – ngay sau chương trình “Gặp nhau cuối năm” trên các kênh sóng VTV1, VTV2, VTV3, VTV6.

Hồ Ngọc Hà xuất sắc trong Tết nghĩa là hy vọng.

Nối tiếp ý tưởng của chương trình năm ngoái, “Tết nghĩa là hy vọng” năm nay là một cuộc hành trình đi tìm niềm hy vọng của con người Việt Nam và cho con người Việt Nam. Tuy nhiên, nếu như “Tết nghĩa là hy vọng” năm ngoái gói trọn vẹn những câu chuyện của 30 năm trước nơi tình người ấm áp là ngọn lửa sưởi ấm mỗi người trong những khó khăn tưởng chừng như không có lối thoát, thì câu chuyện của “Tết nghĩa là hy vọng” năm 2017 sẽ đưa người xem trở về hiện tại.

Gia đình nghệ sĩ Cẩm Vân chia sẻ về Tết.

Chương trình với phần nghệ thuật đặc sắc được đại diễn nổi tiếng Tất My Loan thực hiện với nhiều ý tưởng độc đáo. Đạo diễn đã đưa các nghệ sĩ vào không gian công cộng để hòa mình vào khán giả. Đó là Lệ Quyên hát với đông đảo khán giả ở Đền Ngọc Sơn (Hà Nội), là Hồ Ngọc Hà, Võ Hạ Trâm, Hồ Trung Dũng “tung hoành” ở Đường hoa Nguyễn Huệ, rồi Đoan Trang, Hoàng rapper “đại náo” một trung tâm mua sắm lớn.

năm 2016 là năm của những cái mới đang bắt đầu nảy mầm, những tấm lòng được sẻ chia. Một câu chuyện về niềm hy vọng và những tấm lòng sẻ chia lần lượt được đưa vào “Tết nghĩa là hy vọng”.
Chàng trai Võ Văn Tiếng, chàng trai Đồng Tháp, một mình dám đi ngược dòng với số đông để bắt đầu niềm đam mê của mình bằng cánh đồng lúa sạch của anh đã mở rộng tới 20ha. Bí thư Lê Minh Hoan của tỉnh Đồng Tháp, vẫn ngày ngày đạp xe đi làm, hàng tuần vẫn có cuộc café với những doanh nghiệp để hiểu về những khó khăn của họ, qua đó tìm cách gỡ rối. Câu chuyện của nhà báo Tạ Bích Loan với vị Bí thư Tỉnh ủy của dân này sẽ hé mở ra nhiều bài học đáng ngẫm mà nhiều địa phương khác có thể học hỏi.

Võ Văn Tiếng ngược dòng làm lúa sạch.


Năm 2016, những người dân miền Trung vốn kiên cường và giàu sáng tạo, chịu không nổi cái lũ năm nào đến hẹn cũng đến, họ đã phát triển mô hình nhà bè có từ xưa ở trong Nam.

Trước đó, hồi tháng 6, 2 vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng SU-30MK2 và CASA 212 khiến cả nước đau lòng. Trong tổng số 11 chiến sĩ trong 2 chuyến bay đó, chỉ có Thượng úy Lê Đức Lam đến nay vẫn chưa tìm được thi thể. Khi anh lên máy bay CASA đi làm nhiệm vụ, vợ anh đang ở những tháng cuối của thai kỳ.

Người phụ nữ ấy âm thầm khóc không ngủ bao đêm dài khi nghĩ đến người chồng đang nằm dưới biển sâu. Chị nuôi hy vọng và chờ đợi vào điều kỳ diệu: một ngày nào đó chồng mình sẽ trở về. Có thể niềm tin ấy là vô lý nhưng nếu không có nó thì người mẹ trẻ làm sao gắng gượng qua ngày, tới khi con chào đời. Đúng 90 ngày sau khi Thượng úy Lê Đức Lam mất tích, con trai anh, bé Lê Đức Dũng ra đời và giống hệt bố, trở thành chỗ dựa tinh thần và niềm hy vọng cho cả gia đình.

Khoảng lặng với câu chuyện về chiến sĩ CASA duy nhất chưa tìm thấy.

Năm 2016, niềm hy vọng tiếp tục nhân lên nhờ những con người miệt mài cống hiến. Thượng úy Trần Bình Phục, sinh năm 1972, phát hiện mình bị ung thư máu 8 năm trước. Sau nhiều đợt xạ trị, các tế bào ung thư đã đi vào ổn định nhưng anh thấy mình không còn phù hợp với nhịp sống xô bồ nơi đô thị, anh viết đơn xin ra công tác đồn biên phòng đóng ở đảo Hòn Chuối. Hòn đảo chỉ cách đất liền 35km nhưng đường đi lại vô cùng khó khăn, đi bè phải nửa ngày mới tới, điện lại không có.

Ra đến đảo, nhìn những đứa trẻ bé loắt choắt, đen nhẻm, ngày ngày tự chơi với nhau vì bố mẹ mải đi làm, Thượng úy Trần Bình Phục nảy ra ý định dạy chữ cho bọn trẻ. Lớp học ở trên gành cao mà lũ trẻ phải leo tới 303 bậc mới lên tới nơi. Có những em bé quá không đi nổi nên hôm nào thầy cũng phải leo xuống rồi cõng bọn nhỏ lên lớp dù bản thân thầy cũng đang mang trọng bệnh. Anh chia sẻ rằng: “Ai rồi cũng phải chết, nhưng nếu được làm những gì mình thấy mãn nguyện là được rồi”.

Thầy giáo Trần Bình Phục ở lớp học đặc biệt.

Họ, đúng như những câu thơ trong bài thơ “Đất nước” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm:

Có biết bao người con gái, con trai
Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước.


L.S
Ngày tốt để khai trương, mở hàng, xuất hành Tết Đinh Dậu 2017
Ngày tốt để khai trương, mở hàng, xuất hành Tết Đinh Dậu 2017

Việc chọn ngày tốt, tránh ngày xấu để tiến hành công việc, nhất là việc đại sự đã trở thành phong tục từ lâu đời ở các nước Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN