Tác phẩm viết về những câu chuyện cảm động của những người anh hùng cao thượng, bình dị, sống trong lòng dân và luôn chiến đấu quả cảm trong chiến tranh. Để hiểu hơn về tác phẩm này, phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với tác giả cuốn sách - ông Nguyễn Quang Chánh, nguyên là cán bộ của Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật TP Hồ Chí Minh.
Trong tác phẩm "Sống để kể lại những anh hùng" vừa ra mắt, ông đã kể rất nhiều những người anh hùng trong chiến tranh, những chiến sỹ cách mạng quả cảm, kiên trung của Việt Nam. Điều gì khiến ông có cảm hứng với những nhân vật như vậy, thưa ông?
Từ những cuộc gặp tình cờ với những người anh hùng như chú Bảy “phi công”, chú Tư Cang - Biệt động Sài Gòn… được nghe những câu chuyện quá hay của họ, tôi đã ấp ủ mong muốn được viết về cuộc đời họ, cả trong thời bình lẫn thời chiến.
Tác phẩm này của tôi là "nghe sao viết lại như thế", giản dị và chân thành. Tôi không hình tượng hóa nhân vật theo khuôn mẫu nào đó, mà viết trung thực, không bình luận nhiều, bởi chính bản thân mỗi nhân vật đã là một câu chuyện hay.
Ngoài ra, khi tôi cầm bút viết các tác phẩm về đề tài chiến tranh, tôi muốn thể hiện sự biết ơn, trân trọng của mình với những người anh hùng tôi được gặp. Song song đó, tôi viết để lưu giữ cho mình, cho con cháu mình, sau là cho người thân, bạn bè đọc và tìm hiểu. Khi đủ tư liệu và có điều kiện, tôi sẽ in sách để lan tỏa câu chuyện của các anh hùng đến đông đảo độc giả hơn, chính thống hơn.
Thưa ông, điều gì đã thúc đẩy ông hoàn thành tác phẩm “Sống để kể lại về những anh hùng” trong dịp 22/12/2023, khi cuốn sách cùng chủ đề này là “Kể chuyện cụm tình báo H.63” chỉ vừa ra mắt cách đây chưa đầy nửa năm?
Cuốn sách “Kể chuyện cụm tình báo H.63” nhận được sự ủng hộ khá bất ngờ đối với tôi, chỉ sau 7 ngày ra mắt, sách đã nối bản và đến nay, có khá nhiều bản sách in lậu được bán tràn lan trên các trang thương mại. Sau sự thành công của cuốn sách này, tôi có tâm sự với họa sĩ thiết kế rằng, tiếp theo tôi sẽ làm cuốn sách kể về những anh hùng, sẽ đi vào nhiều câu chuyện thân phận.
Thế là chỉ sau hơn một ngày, họa sĩ đã chuyển cho tôi một cái bìa thật đẹp dành cho cuốn sách mới mà nó chỉ bắt đầu trong ý tưởng của tôi. Bìa sách khiến tôi ưng ngay từ cái nhìn đầu tiên nhưng với tính kĩ lưỡng, cầu toàn, họa sĩ vẫn làm tới cái thứ 10, đến khi thực sự hài lòng mới thôi. Họa sĩ khiến tôi vừa có động lực vừa có áp lực, buộc mình không dừng bước. Tôi có 99 ngày để hoàn thành bản thảo, trong đó có nhiều nội dung từng là những bài viết tôi đã đăng trên mạng xã hội. Dĩ nhiên, để bài viết từ mạng xã hội vào sách, đó là một sự bỏ công không hề nhỏ của người viết và của họa sĩ thiết kế trình bày mà mở sách ra, độc giả có thể dễ dàng cảm nhận được.
Ở cuối sách, phần lời cảm ơn được trình bày như một tờ sớ cuộn lại nhưng nó mang những gợi mở về sự ghi công, biết ơn trường tồn theo thời gian. Đó chính là ý tưởng của họa sĩ thiết kế. Tôi biết ơn vì những chăm chút kỹ lưỡng và tôi cảm thấy rất rõ, mình có một người bạn đường đang cùng tạo ra đứa con tinh thần của mình vì cái tâm, không phải vì tiền để có thể ra một cuốn sách không chỉ chất lượng về nội dung mà phải thật thẩm mỹ, thật trân trọng, xứng với những đề tài, những con người mà mình hướng tới. Điều ấy tiếp sức rất lớn cho tôi trong việc hoàn thành cuốn sách dày dặn này trong một thời gian khá ngắn.
Vậy 2 cuốn sách mà ông vừa nói, có những điều gì khác biệt so với nhiều cuốn sách viết về những anh hùng của ông trước đây?
Sau cuốn sách “Kể chuyện về cụm tình báo H.63 anh hùng”, thú thật tôi định viết cuốn tiếp theo về những người anh hùng. Tuy nhiên, sau khi ngồi cùng họa sĩ thiết kế, hai anh em nảy sinh ra ý tưởng khác. Nghĩa là, chúng ta đang sống và kể lại về những câu chuyện người anh hùng và câu chuyện ấy sẽ tiếp nối mãi trong đời sống này. Tôi liên tưởng đến một nhà văn Nga – Valentin Rasputin, ông có tác phẩm rất hay viết về đại chiến thế giới lần thứ 2: Sống và nhớ lấy. Tôi nghĩ, cuốn sách của mình rất phù hợp với tựa đề: Sống để kể lại những anh hùng. Nguyên nhân vì sao là “kể lại” mà không phải là “kể về”? Bởi tôi mong những câu chuyện về anh hùng có được sự lan tỏa, sự tiếp nối từ người này qua người khác, từ thế hệ này qua thế hệ khác, đặc biệt là đến được với trái tim thế hệ trẻ hôm nay.
Trong tác phẩm mới, ông có nói khi viết ông không kìm nén được cảm xúc, trào rơi nước mắt. Vậy ông có thể chia sẻ rõ hơn về những trang sách, những câu chuyện cảm động ấy?
Thật sự với nhiều nhân vật tôi được gặp, tôi đều được nghe những hoàn cảnh, những câu chuyện hết sức khó khăn mà nếu không bằng một ý chí phi thường, khó mà vượt qua được. Ví dụ, khi tôi viết về Anh hùng Bảy Ước, câu chuyện được con của chú kể lại theo lời kể của ba, khi máy bay Mỹ bắn vào trạm xá Trung đoàn 10, trong đó có cô Mến, vợ của chú. Ông chạy ra, chứng kiến cảnh ấy chỉ có thể ngồi thụp xuống, bó gối kêu lên: “Trời ơi”; hay câu chuyện những lúc ông đi tìm đồng đội hy sinh mà không thể tìm ra vì đã bị cá sấu Rừng Sác ăn hết rồi. Nỗi đau chứng kiến đồng đội hy sinh hai lần, đầy trống trải và khốc liệt của Anh hùng Bảy Ước khiến tôi cũng không kìm nén được cảm xúc, khi viết đến đó tôi cũng "rưng rưng" theo nỗi đau của nhân vật.
Còn chuyện của cô Võ Thị Tâm, Trung đoàn 31 của cô, do ông Hai Hoàng chỉ huy tham gia đợt 2 Mậu thân 19. Đơn vị của cô Tâm cầm cự đánh nhau với địch ở khu chợ Thiếc, Quận 11, Quận 6 gần cả tháng trời. Pháo địch bắn nát mấy khu nhà mà họ ẩn náu. Cô Tâm bị thương và bị vùi lấp trong đống đổ nát, tỉnh dậy thấy con mắt trái lòi ra ngoài, bê bết máu. Cô dùng tay đẩy con mắt ấy vô lại hố mắt sau bao nhiêu lần chịu đau đớn…
Hay như câu chuyện của Anh hùng LLVT Tư Cang kể cho tôi nghe về chính người em trai của ông hy sinh ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Mậu Thân năm 19. Do bị chỉ điểm vị trí hầm trú ẩn, toàn bộ cán bộ lãnh đạo xã Long Phước quyết định hy sinh tập thể chứ không đầu hàng. Vì khi bị bắt lên, có thể xảy đến tình huống không hay về sau gây ảnh hưởng đồng đội, tổ chức của mình. May có một nữ đồng chí sợ quá bỏ chạy ra khỏi hầm, bị bắt và trao trả, sau này về kể lại anh em mới biết rõ hoàn cảnh hy sinh tập thể này.
Mặc dù tôi đã đọc nhiều trang sách viết về chiến tranh nhưng tôi không thấy sự khốc liệt ở đó như chính từ những câu chuyện mình được nghe qua các anh hùng, những nhân vật trong chính cuộc chiến tranh. Chính vì thế, tôi mong muốn chia sẻ những câu chuyện của họ một cách chân thật nhất qua từng trang viết của mình, từ đó giúp thể hệ trẻ hiểu hơn về những hy sinh của thế hệ đi trước để dành lại độc lập, tự do và hòa bình cho thế hệ hôm nay.
Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!