Nhà cộng đồng Suối Rè gây bất ngờ ở Italia

Nhà cộng đồng thôn Suối Rè, xã Cư Yên (Lương Sơn, Hòa Bình) - “bản giao hưởng kiến trúc” độc đáo, một công trình đa năng, thân thiện được xây dựng chủ yếu bằng vật liệu địa phương sẵn có do KTS Hoàng Thúc Hào, KTS Nguyễn Duy Thanh và Văn phòng 1+1>2 thiết kế, xây dựng. Công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 12/2010.

Đầu tháng 11/2011, Nhà cộng đồng Suối Rè đã lọt vào shortlist (tạm dịch: danh sách chọn lọc) và được mời thuyết trình tại liên hoan kiến trúc thế giới WAF-Barcelona, Tây Ban Nha. Cũng trong tháng 11 vừa qua, công trình này đã lọt vào nhiều shortlist của giải thưởng Barbara Cappochin Prize - Italia 2011 (nằm trong hệ thống giải của Hiệp hội Kiến trúc sư quốc tế UIA), trong đó, ấn tượng nhất là ở hạng mục giải thưởng Gold Medal (Huy chương vàng), tác phẩm đã đứng thứ 2 trong top 5. Đây là hạng mục giải thưởng nhằm tôn vinh công trình thể hiện xuất sắc sự đổi mới công nghệ và tiết kiệm năng lượng...

Xếp thứ 2 trong 5 đồ án tốt nhất

KTS Hoàng Thúc Hào trong buổi thuyết trình về nhà cộng đồng tại Bacerlona (Tây Ban Nha) tháng 11/2011

Tham dự giải thưởng Barbara Cappochin Prize 2011 ở hạng mục Huy chương vàng (chỉ một HCV duy nhất) có 3 đồ án từ khắp thế giới, ban tổ chức đã chọn ra 5 đồ án vào chung kết để xét trao huy chương vàng. Nhà cộng đồng Suối Rè đã “cán đích” ở vị trí thứ 2, với điểm số suýt soát đồ án đoạt huy chương vàng.

Song đối với KTS Hoàng Thúc Hào “giải thưởng cao quý nhất” chính là sự đón nhận, cảm kích của cộng đồng cư dân Suối Rè. Công trình mang tính khai phá, góp phần phát triển bản sắc khu vực, là mô hình có thể rút kinh nghiệm nhân rộng cho các vùng nông thôn đồi núi trung du.

“1 năm qua, nhà cộng đồng thôn Suối Rè là địa chỉ sinh hoạt văn hóa, một không gian gửi trẻ thân thiện, thoáng mát (dù đang khó khăn về lương giáo viên), nơi dân làng tụ họp, chơi bóng chuyền…Tổ chức “Hành động vì đô thị” đã giúp tổ chức hội thảo các CLB Sống xanh, phổ biến kinh nghiệm sống xanh, liên kết nông thôn với đô thị, hay những buổi thực tập dã ngoại cho các cháu học sinh Thủ đô lên thăm nhà cộng đồng, qua đó các cháu có thể hiểu và nắm được những khái niệm nhất định về mô hình sống xanh, xây nhà bằng vật liệu tại chỗ, tiết kiệm năng lượng!” - KTS Hoàng Thúc Hào cho biết.

Kiến trúc xanh đang “hot”

Có thể thấy, hoạt động vì cộng đồng cũng như kiến trúc có tính xã hội đang là câu chuyện thời sự, nhất là vấn đề phổ cập, phổ biến kiến thức sống xanh, tiêu dùng xanh, kiến trúc xanh trên phạm vi toàn cầu.

“Nông thôn xưa dường như không phổ biến kiến thức kiến trúc xanh, không có tiêu chí sống xanh nhưng môi trường lại... rất xanh. Nhà thì ấm Đông, mát Hè, ai cũng đào ao, trồng nhiều cây mà không ai bảo ai cả. Đó là những thói quen qua trường kỳ lịch sử hình thành nên văn hóa sống xanh, một di sản có tính thời sự. Vậy, trong câu chuyện đô thị, chúng ta làm sao đó phải gieo được những thói quen sống xanh, tiêu dùng xanh, từng bước dần hình thành một văn hóa. Và KTS phải là tác nhân chính giúp xã hội tạo lập những thói quen này” - KTS Hoàng Thúc Hào chia sẻ.

Nhà cộng đồng Suối Rè

Hiện nay, văn phòng 1+1>2 của KTS Hoàng Thúc Hào cùng cộng sự đang kiên trì “con đường hẹp” đã chọn. Đó là những kiến trúc thân thiện, vừa có thể bộc lộ bản sắc địa phương, sử dụng vật liệu tại chỗ, vừa hy vọng phát lộ một ngữ pháp kiến trúc xanh, giản dị và thiết thực... Hoàng Thúc Hào và nhóm hoạt động xã hội đang thực hiện dự án cho đồng bào miền núi, với tổng kinh phí dự kiến hơn 300 triệu đồng. Giống công trình Suối Rè, nhà cộng đồng vùng cao được xây dựng từ vật liệu sẵn có, rẻ, đơn giản như gạch không nung, gỗ tận dụng... Xây dựng xong, ngôi nhà không chỉ là địa chỉ văn hóa mà sẽ triển lãm, trưng bày, “xúc tiến thương mại” các “sản phẩm văn hóa” đa dạng của người Dao đỏ Tả Phìn, Sa Pa.

Đây là một hình mẫu kiến trúc đáng suy ngẫm, có thể nhân rộng và trở thành một phong trào xây dựng nhà cộng đồng trong từng thôn xóm Việt Nam, từ đó góp phần nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc.

Theo thethaovanhoa.vn

Người phụ nữ gìn giữ ngôi nhà sàn độc đáo
Người phụ nữ gìn giữ ngôi nhà sàn độc đáo

Trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của ông cha để lại, bà Roda Nai Linh (SN 1957, ngụ tại thôn M’ Lọn, thị trấn Thành Mỹ, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) đã gìn giữ ngôi nhà sàn độc đáo nhất vùng Đơn Dương, Lâm Đồng, cùng nhiều đồ vật có giá trị văn hóa các dân tộc Tây Nguyên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN