Nhà văn hóa cộng đồng biến thành nơi... nhốt trâu bò!

Tỉnh Đắk Lắk đã đầu tư trên 60 tỷ đồng để xây dựng 554 nhà văn hoá cộng đồng ở các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Kinh phí xây dựng nhà văn hóa bình quân từ 100 - 150 triệu đồng. Việc xây dựng các nhà văn hóa này nhằm tạo điều kiện cho đồng bào tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, dạy, diễn tấu cồng chiêng, thể dục thể thao, hội họp... nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.


 

Một nhà văn hóa được xây dựng khang trang nhưng vẫn bỏ không.

 

Thế nhưng, có một thực tế là sau khi xây dựng xong, phần lớn các nhà văn hóa cộng đồng ở các thôn, buôn của đồng bào dân tộc thiểu số đều không hoạt động. Có nơi vừa cắt băng khánh thành xong là đóng cửa hoặc để nhốt trâu bò, làm sân bóng đá cho trẻ em...


Theo đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, nguyên nhân của tình trạng này là do việc đầu tư xây dựng thiếu đồng bộ. Khi xây dựng, chủ đầu tư không tham khảo ý kiến cộng đồng, cũng không nghiên cứu thực tế của các nhà văn hóa truyền thống, nên đã xây dựng không đúng hướng truyền thống (Bắc - Nam); không gian chật hẹp, địa điểm không thuận lợi, không đảm bảo để tổ chức các hoạt động có đông đồng bào tham dự. Một số nhà văn hóa xây dựng còn chưa phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào. Cụ thể như nhà văn hóa cộng đồng buôn Pốk A, thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’Gar), nhà văn hóa cộng đồng buôn Jút, buôn K’mang, xã Dliê Ya (huyện Krông Năng)... được đầu tư xây dựng hàng trăm triệu đồng và trang bị nhiều trang thiết bị như âm thanh, ti vi, bàn ghế... Tuy nhiên, do xây dựng không đúng theo hướng truyền thống và không phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào nên đã bị bỏ hoang.


Bên cạnh đó, nhiều nhà văn hóa cộng đồng chưa có người quản lý, chưa được trang bị dàn âm thanh, dàn chiêng, ti vi, bàn ghế, chưa có nhà vệ sinh, giếng nước, hàng rào... Việc quy hoạch, kiến trúc đơn điệu, không có cây xanh, bóng mát.


Già làng Ama Hiêng, buôn Xóm A, xã Cư Pơng (huyện Krông Búk) cho biết: "Được Nhà nước đầu tư xây dựng cho các buôn làng có nhà văn hóa cộng đồng to đẹp đấy, nhưng do xây dựng không đúng theo phong tục tập quán của đồng bào Êđê mình nên không ai đến sinh hoạt".


Thực tế trên cho thấy, bên cạnh việc việc tuyên truyền, vận động đồng bào đến tham gia sinh hoạt, tỉnh Đắk Lắk cần huy động các nguồn lực, nhất là các đơn vị kết nghĩa với các thôn, buôn đầu tư nguồn vốn xây dựng tường rào, giếng nước, nhà vệ sinh, điện thắp sáng cho các nhà văn hóa cộng đồng. Tỉnh cũng sớm có cơ chế thống nhất bố trí ngân sách chi thường xuyên hoạt động hàng năm, mua cấp trang thiết bị tối thiểu bên trong nhà văn hóa cộng đồng và có chế độ phụ cấp cho Ban chủ nhiệm nhà văn hóa cộng đồng. Cũng cần sớm có kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ về “Tổ chức hoạt động và quản lý nhà văn hóa cộng đồng” cho các ban chủ nhiệm để các nhà văn hóa cộng đồng hoạt động có hiệu quả theo đúng vị trí, chức năng, nhiệm vụ của một thiết chế văn hóa ở cơ sở.

 

Quang Huy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN