Nhạc nhảy điện tử - ngành công nghiệp tỷ đô

Nhạc nhảy điện tử (EDM), được hiểu đơn giản là loại âm nhạc được tạo ra từ các thiết bị điện tử, là dòng nhạc đang vô cùng thịnh hành hiện nay ở Mỹ, châu Âu. EDM đã len lỏi vào âm nhạc châu Á, điển hình là Hàn Quốc và gần đây là Việt Nam, với ấn tượng mạnh mẽ từ chương trình The Remix - Hòa âm ánh sáng phát sóng trên truyền hình Việt Nam vừa qua.

Bằng cách nào mà EDM từ một thị trường nhỏ bé lại trở thành một hiện tượng toàn cầu như ngày nay? Những nghệ sĩ EDM gặp bế tắc thuở ban đầu làm thế nào để có thể phát triển cùng với nó?Tương lai của dòng nhạc này sẽ thế nào? Để trả lời những câu hỏi này, hãy cùng nhìn lại lịch sử của nhạc nhảy điện tử.

Nguồn gốc của EDM

EDM được hiểu đơn giản là loại âm nhạc được tạo ra từ những nhạc cụ điện tử như trống điện tử, đàn Synthersizer, máy hòa âm,… Dòng nhạc này được chia thành nhiều nhánh khác nhau trong đó có Electronic, Techno, House, Trance hay Dubstep.

DJ David Guetta tại Ultra Music Festival 2015 - lễ hội âm nhạc điện tử ngoài trời thường niên diễn ra tại các bãi biển Miami hồi tháng 3.


EDM không phải một thể loại mới, và thực tế đã xuất hiện hơn 3 thập kỷ trước đây. David Guetta, người bắt đầu sự nghiệp DJ (nghệ sĩ chỉnh nhạc) ở Paris cuối những năm 1980, nhắc lại thời kỳ EDM ra đời và nhạc disco kết thúc: “Lúc đó disco bị gọi là ‘dở tệ’. Sẽ thật xấu hổ nếu thích nhạc disco, nhưng rồi không có nhạc để nhảy nên một số DJ bắt đầu sử dụng mặt đĩa B của các bản disco cũ, Acapella (hát không nhạc đệm), và chúng tôi bắt đầu tạo ra nhịp với trống điện tử”. Theo cách đó, các DJ đã lén đưa nhạc disco vào tai người nghe ở các vũ trường. Hay có thể nói EDM là hậu duệ của nhạc disco những năm 1970.

“Tôi nhớ đã mua các bản nhạc cũ và các nhãn dán lên đĩa, sau đó chèn các nhịp mới tạo lên các bản nhạc cũ… với chất lượng rất kém, đó từng là thời kì ‘siêu underground’ (tạm dịch: siêu ngầm)”, David Guetta nói.

“Tôi bắt đầu chơi nhạc House năm 1988, đó là cả một cuộc cách mạng lớn trong cuộc đời tôi. Tôi tới London và nhìn thấy một DJ biểu diễn trên sân khấu, điều này rất điên rồ vào thời điểm đó. Tôi là một trong những DJ nổi tiếng và được tôn trọng ở Paris, nhưng tôi luôn giấu mặt. Một DJ trên sân khấu và mọi người nhảy, đối mặt với DJ, nhìn anh ta trình diễn? Tôi thật sự ngạc nhiên”, Guetta nói.

Từ underground tới với công chúng toàn thế giới

Những năm gần đây, David Guetta đã gây dựng được thương hiệu DJ nổi tiếng bằng con đường hợp tác với các ngôi sao làng nhạc pop như Kelly Rowland, nhóm nhạc The Black Eyed Peas và cho ra các sản phẩm thu hút công chúng. Tiêu biểu của sự hợp tác này là đĩa đơn bán chạy như tôm tươi “I gotta feeling”.

Đối với EDM, hợp tác với các nghệ sĩ nổi tiếng có thể hấp dẫn khán thính giả; nhưng Internet, truyền thông xã hội, các ứng dụng âm nhạc và các chương trình chia sẻ âm nhạc, đóng vai trò quan trọng hơn thế. Ngày nay, trong kỷ nguyên số, thành công của một sản phẩm âm nhạc được đo bằng số lượng video clip được xem nhiều nhất, lượng người thích và theo dõi, lượng tải về, hashtag, tweet, retweet.

Underground có thể được hiểu là dòng nhạc không chính thống, nơi các ca sĩ, nhạc sĩ hoạt động kín tiếng và không có đầu tư chuyên nghiệp. Các nghệ sĩ underground thường không ra đĩa đơn, album, họp báo thường xuyên.

“Chỉ cần một cú click chuột, một bản nhạc mới sẽ được phát tán trên toàn thế giới. Tất cả những gì chúng tôi làm trong năm qua là nói chuyện với các DJ trên Facebook và bằng cách nào đó show diễn đầu tiên ra đời. Truyền thông xã hội là yếu tố lớn nhất trong sự nghiệp của chúng tôi”, Dimitri Thivaios của bộ đôi DJ Dimitri Vegas và Like Mike nói.

Ở châu Âu và Mỹ, số lượng các lễ hội nhạc điện tử đang gia tăng nhanh chóng, thu hút công chúng yêu nhạc từ khắp nơi trên thế giới tham dự. Năm 2014, Lễ hội Tomorrow World được tổ chức ở ngoại ô Atlanta, tiểu bang Georgia (Mỹ), thu hút 160.000 người từ 75 quốc gia tham dự. Trong khi đó, 400.000 người hâm mộ EDM từ hơn 50 quốc gia đã tụ hội tại Bỉ để tham dự lễ hội nhạc điện tử lớn nhất hành tinh Tomorrowland.

“Từ trên sân khấu nhìn xuống, tôi thấy mọi người đang giơ cao những lá cờ của hàng trăm nước khác nhau, đại diện cho hàng trăm nền văn hóa khác biệt. Họ như đang hòa làm một”, Steve Aoki chia sẻ.

Một nghiên cứu năm 2014 nhấn mạnh rằng EDM là ngành công nghiệp toàn cầu trị giá gần 7 tỷ USD. Phần lớn số tiền này đến từ các lễ hội, các buổi biểu diễn trong các hộp đêm ở Las Vegas, các show diễn ở khắp nơi trên thế giới, cũng như các hợp đồng quảng cáo béo bở nếu các nghệ sĩ lọt vào mắt xanh của các thương hiệu nổi tiếng.

Nhiều người đang thắc mắc rằng: Liệu EDM đã đạt đỉnh cao của nó? Liệu nó có chấm dứt như Disco đã từng? “Họ đã hỏi tôi từ năm 1994, nó sẽ kết thúc phải không? Tôi luôn trả lời rằng tôi không biết. Nó vẫn phát triển, mỗi năm lại có thứ gì đó mới ra đời, và hiện nay nó đang ở đỉnh cao nhất. Vậy nên tôi không biết nó sẽ phát triển tới đâu, bùng nổ đến như thế nào nữa”, DJ Tiesto nói.

Hạnh Nhân (Theo CNN)
Các nghệ sĩ nhạc rap khuấy động Bắc Mỹ
Các nghệ sĩ nhạc rap khuấy động Bắc Mỹ

Các tay rapper đến từ thành phố Compton thắng lớn khi đánh bật quán quân tuần trước để giành về tay ngôi vương doanh thu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN