Nhớ mãi mâm cỗ Tết sớm của mẹ...

Mỗi dịp Tết đến Xuân về lại thấy mấy anh phóng viên trẻ mặt mày ngơ ngác như kẻ mất hồn thì chắc chắn họ đang lo đề tài cho báo Tết đấy! Tôi của cách đây chục năm cũng thế. Và năm đó, mâm cỗ Tết trước cả ngày ông Táo chầu trời của mẹ đã cứu đề tài Tết cho tôi.

Bài báo Tết đầu tiên và nỗi lo thiếu ảnh

Với tôi ngày ấy, và cho tới cả bây giờ, viết báo Tết không chỉ là chuyện đơn thuần cho có bài mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với nghề. Số báo ấy, chắc chắn sẽ in đẹp hơn, trình bày điệu đàng hơn, phông chữ kiểu cách hơn. Báo Tết lại tịnh không đề cập đến những chuyện buồn, những chuyện không vui. Đã là báo Tết thì cứ phải hừng hực khí thế đầu năm. Được đăng bài trên báo Tết chả khác gì cả năm bài vở trôi chảy…

Những mảng đề tài mà báo Tết thường rất hay sử dụng là những bài viết về cội nguồn văn hóa dân tộc, làng nghề truyền thống, thú chơi chim hoa, cá cảnh, thể hiện mối giao hòa giữa trời đất, cây cỏ và con người. Không ít lần cánh phóng viên trẻ bí đề tài báo Tết cũng đành phải chọn biện pháp tìm cho mình một đề tài thuộc những mảng này để có thể dễ dàng có bài báo Tết hay, ảnh lại đẹp.

Báo Tết là số báo đặc sắc nhất của mỗi năm nên thông thường sẽ được nhiều bạn đọc quan tâm, chú ý. Nếu như mâm cỗ Tết phải có đầy đủ thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh... thì báo Tết cũng cần phải có đầy đủ các chuyên mục văn hóa- văn nghệ, kinh tế, xã hội... và tất nhiên khó có thể bỏ qua chuyên mục Ẩm thực ngày Tết.

Bài báo Tết đầu tiên ở Báo ảnh Việt Nam mà tôi được ban biên tập chính thức giao viết là đề tài về những nét đặc trưng nhất trong mâm cỗ Tết truyền thống của người Việt Nam.

Nhận đề tài, tôi vui lâng lâng phải mấy ngày mới tỉnh. Tỉnh ra, tôi chạy đôn chạy đáo lục tìm sách, báo viết về ẩm thực để đọc tham khảo, tôi đã chuẩn bị được khá kỹ lưỡng phần tư liệu viết. Tuy nhiên, điều tôi chưa lường hết là nghiệp vụ làm Báo ảnh.


Báo ảnh luôn phải “lấy ảnh làm đầu” tức là nghĩ đến ảnh trước rồi mới nghĩ đến bài. Vậy ảnh ẩm thực Tết tìm ở đâu? Tấm ảnh đó không những phải có chất lượng ảnh tốt mà còn toát lên được toàn bộ nội dung mà bài viết tôi định đề cập. Và tôi bắt đầu thấy lo lo. Tôi lục tìm tư liệu ảnh của Báo ảnh Việt Nam rồi của Thông tấn xã Việt Nam, hỏi hết phóng viên ảnh trong và ngoài tòa soạn mà tôi quen biết. Vậy mà vẫn không thể tìm ra tấm ảnh tôi cần.

Mẹ nấu cỗ Tết sớm cứu tôi

Đang không biết làm cách nào thì tôi may mắn được một anh phóng viên trong tòa soạn “hỏi thăm”. “Tư liệu em nhiều lắm ạ. Bài viết thế nào em cũng tưởng tượng ra rồi. Nhưng bí cái là chưa biết kiếm ảnh đẹp ở đâu”, tôi gãi đầu thành khẩn.


Phóng viên “đàn anh” nghe chưa hết đầu đuôi câu chuyện đã khà khà rồi lôi từ trong túi ra một xấp ảnh. Trời, cái cọc của tôi đây rồi. Một tập ảnh ẩm thực dày khự, nét nào ra nét đấy, màu sắc mảng miếng cực nghề. Nào gà nào miến, nào tôm nào cá. Hoa cà rốt, hoa cà chua tỉa tót đẹp miễn chê. Tôi sung sướng như bắt được vàng.

Nhưng hóa ra, bài báo Tết đầu tiên không dễ dàng đến thế. Bởi sau một hồi hì hà hì hục chọn lọc, tôi chỉ thấy toàn là ảnh món ăn đám cưới. Nghĩa là gà có nhưng không giò, không chả. Có được cái bánh chưng thì lại chẳng thấy bát măng nấu chân giò đâu. Tôi nghẹn giọng nói với tác giả tập ảnh: “Anh ơi, không có chiếc nào dùng được”.

Hạn nộp bài càng đến gần mà ảnh thì vẫn chưa tìm đâu ra. Buồn quá, tôi rầu rầu kể với mẹ. Ai dè, mẹ bảo: “Không còn cách nào khác là tự mình phải lo lấy thôi. Tự mình làm lấy một mâm cỗ Tết mà chụp ảnh vậy”.

Thế là, một buổi sớm đầu tháng Chạp, tôi cùng mẹ đi chợ rồi lại cùng mẹ cả buổi chiều nấu nướng các món ăn ngày Tết. Dấn thân vào mới biết hóa ra việc chợ búa vất vả hơn tôi tưởng.


Chỉ xách làn từ xe vào nhà mà người tôi cứ như trĩu xuống vì sức nặng của liên quân rau, củ, quả, thịt thà. Tôi chỉ chạy việc vặt vòng ngoài cho mẹ nấu mà thấy rã rời cứ như một ngày phải đá đến bốn trận chung kết bóng đá cúp quốc gia.

Mâm cỗ Tết mà tôi và mẹ “tự biên tự diễn” có đủ cả bánh chưng, thịt gà luộc lá chanh, giò lụa, chả quế, xôi gấc, có cả chim câu hầm, bát canh nấu thập cẩm, rồi cả nộm, dưa hành. Cả gia đình tôi hôm ấy được ăn một mâm cỗ Tết sớm hơn mọi người.


Trong bữa ăn, cậu em bé bỏng của tôi còn tấm tắc khen: “Ngon quá! Anh ơi, năm sau anh cứ nhận viết ẩm thực Tết nhé. Viết ẩm thực Tết như anh sướng thật, toàn là ăn cỗ trước Tết thế này thì thích nhỉ, anh nhỉ!!”

Nguyễn Tuấn Long

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN