Triển lãm giới thiệu với công chúng hơn 300 hiện vật, gồm ảnh tư liệu, tài liệu, hiện vật, sách tạp chí về khảo cổ học… Những hiện vật trưng bày được chia thành 3 không gian chính gồm: Quá trình nghiên cứu và phát hiện các dấu tích khảo cổ học thời tiền sử tại Thái Nguyên; Trưng bày kết quả khai quật Khu di chỉ khảo cổ học Thần Sa và di chỉ khảo cổ học Hang Ốc, huyện Võ Nhai; Bảo tồn và phát huy giá trị các khu di tích khảo cổ học gắn với phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên.
Thái Nguyên là một điểm sáng về nghiên cứu khảo cổ học tiền sử ở Việt Nam với địa hình nhiều núi đá, hang động, sông suối và thảm thực vật phong phú... đã trở thành nơi cư trú khá thuận lợi cho những bộ lạc thời kỳ nguyên thủy. Ngay từ thập kỷ 20 của thế kỷ XX, các nhà khảo cổ học người Pháp đã phát hiện được những dấu tích đầu tiên của người tiền sử trên mảnh đất Thái Nguyên.
Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đã nghiên cứu khảo sát 24 di chỉ khảo cổ học, trong đó tập trung chủ yếu tại 2 huyện Võ Nhai và Đồng Hỷ. Việc nghiên cứu, thăm dò, khai quật các điểm di tích hang động liên quan đến khảo cổ học tại tỉnh Thái Nguyên có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực khoa học về khảo cổ học của Việt Nam, thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu trong, ngoài nước, cung cấp cho công chúng những hiểu biết mới về sự phát triển liên tục của văn hóa tiền sử ở Thái Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung.
Thông qua triển lãm, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên mong muốn góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy có hiệu quả giá trị di sản văn hoá, các hiện vật khảo cổ hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng, từ đó có những định hướng quy hoạch trong những năm tiếp theo; đồng thời góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về đất và người Thái Nguyên đến với du khách trong, ngoài nước.
Triển lãm mở cửa phục vụ nhân dân, du khách đến hết ngày 30/5/2019.