Niềm đam mê của chàng trai khiếm thính xứ Huế

Những ai đã một lần đến với cầu Ngói Thanh Toàn sẽ không khỏi trầm trồ trước những mô hình tinh xảo bằng gỗ: chiếc cầu ngói Thanh Toàn, cái cuốc, cái bừa, máy quạt lúa, con trâu, con rùa…Đó là sản phẩm của chàng trai khiếm thính Ngô Tam Bửu, sinh năm 1984, người làng Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế.


Gặp Ngô Tam Bửu đang mải miết với chiếc đục trong tay mới thấy được sự công phu, điêu luyện và nỗ lực để vượt qua bệnh tật của anh. Tam Bửu bị câm điếc bẩm sinh, tuy vậy, ở lớp học dành cho người khuyết tật, Bửu luôn là học sinh giỏi, là cán bộ lớp năng nổ nên được thầy cô và bạn yêu mến. Bửu lại sáng dạ nên học nghề rất nhanh. Khi tay nghề đã cứng cáp, Bửu xin tiền ba mẹ mua đồ nghề rồi ngày ngày ra cầu ngói Thanh Toàn vẽ vẽ, đục đục. Lúc đầu, nhiều người không hiểu cho rằng Bửu làm chuyện quá viển vông nhưng với lòng đam mê, Bửu đã làm nên kỳ tích. Đến bây giờ anh vẫn không thể quên được niềm vui khi bán được sản phẩm đầu tiên - chiếc cầu Thanh Toàn cho một vị khách nước ngoài với giá 400.000 đồng. “Niềm đam mê chạm trổ như ăn vào xương tủy của cháu. Có sản phẩm phải mất cả tháng trời mới hoàn thiện. Nhiều hôm thấy cháu cặm cụi làm quên ăn quên ngủ mà xót lòng, nhưng đó là niềm đam mê của cháu nên chúng tôi cũng chỉ biết động viên” - Ông Ngô Tài Nhân, ba của Tam Bửu chia sẻ.


Thấy con say mê nghề điêu khắc, ông Nhân lặn lội đi khắp nơi mua những cây gỗ to về phơi khô để con trai lấy nguyên liệu làm nghề. Bà con trong làng cũng cảm động và giúp đỡ Bửu rất nhiều. Do Bửu bị khiếm thính không giao tiếp như mọi người bình thường nên nhiều người đã trực tiếp giới thiệu những sản phẩm của Bửu với khách du lịch. Bà Nguyễn Thị Kình bán nước gần cầu ngói Thanh Toàn chuyên làm thơ và trông nom gian hàng trưng bày sản phẩm của Bửu hơn 5 năm qua.


Ngoài đôi tay khéo léo, Bửu có khả năng quan sát rất tốt, chỉ nhìn một lần là có thể về nhà làm ra sản phẩm. Vì thế, Bửu làm được bao nhiêu sản phẩm thì bán được bấy nhiêu. Sản phẩm của anh làm tùy kích cỡ, chủng loại có giá từ 200.000 - 1.500.000 đồng. Không những thế nhiều người đã tìm đến anh để đặt hàng làm lồng chim, mỏ, những con vật hay các vật dụng phục vụ việc thờ cúng….

Bửu còn có năng khiếu vẽ tranh. Festival Huế 2006, Bửu đã vẽ những bức tranh về cầu ngói Thanh Toàn để trưng bày tại bảo tàng của xã. Không chỉ riêng người dân địa phương, mà ngay cả khách du lịch, nếu ai muốn vẽ về cây cầu, về cảnh vật quê hương, Bửu đều vẽ cho họ nhưng không hề lấy tiền công. “Niềm vui lớn nhất của mình là được làm những sản phẩm truyền thống, ngoài việc bán được hàng mình còn làm cầu nối cho những đoàn khách du lịch hiểu thêm về quê hương mình”, Bửu tâm sự qua những dòng chữ nắn nót trên trang giấy. Đó cũng chính là lí do khiến Bửu từ chối lời mời của một cơ sở sản xuất hàng mỹ nghệ xuất khẩu ở Đà Nẵng với tiền lương năm triệu đồng/ tháng.


Khi được hỏi về dự định trong tương lai, Tam Bửu tâm sự: anh đang ấp ủ, chuẩn bị nguyên liệu để làm mô hình về cổng đại nội và mở rộng xưởng điêu khắc mỹ nghệ của mình, giúp các bạn khuyết tật đến học nghề và làm việc./.

Tường Vi (TTXVN)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN