Hơn 17 năm qua chưa từng có một cuộc thi nâng ngạch nào dành cho các nghệ sĩ. Tất cả các nghệ sĩ, dù có người đã là thạc sĩ, đã mang danh nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú cả chục năm nay, vẫn phải dừng ở diễn viên hạng III và không được nâng ngạch vì... chưa có cơ chế. Các đoàn nghệ thuật dù đứng trước khả năng phải "tự bơi" rất lớn trong nay mai nhưng cơ bản vẫn chưa được đảm bảo những điều kiện tối thiểu cho hoạt động như điều kiện cơ sở vật chất (sân khấu, hệ thống âm thanh, ánh sáng...), đến nhân sự, đội ngũ diễn viên có chất lượng...
Vậy đến bao giờ nhà hát và nghệ sĩ mới có cơ chế đủ và thoáng để có thể hoạt động ổn định được? Cuộc "đối thoại" lần đầu tiên được tổ chức, có sự góp mặt của đầy đủ lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cũng như các vụ chức năng với 12 Nhà hát hàng đầu của Bộ hiện nay tại Hà Nội cuối tháng 3 vừa qua đã cơ bản xới lên vấn đề này, cũng như phần nào đã đưa ra được giải pháp cho những "bất cập" này. Tuy nhiên, để có thể nối dây cho cánh diều nghệ thuật thực sự bay cao, thì vẫn còn nhiều chuyện phải làm...
Bài 1: Cố mãi vẫn chỉ là diễn viên... hạng III
Ngắm nghệ sĩ lúc nào cũng tha thướt trên sân khấu với áo dài, váy dạ hội; nghe những câu chuyện về căn nhà nhiều tỷ, ô tô hạng sang của nghệ sĩ này, nghệ sĩ kia... khiến công chúng không khỏi bất ngờ khi biết rằng hóa ra, để có được "vẻ ngoài" ấy, các nghệ sĩ đã phải tự bươn chải vô cùng vất vả. Bởi nếu chỉ trông chờ vào lương, có lẽ không có nghệ sĩ nào có thể đủ ăn cả...
NSND Lê Khanh và NSND Lan Hương hiện đã có hơn 30 năm trong nghề, và cả hai đều đã có bằng thạc sĩ, thế nhưng thật bất ngờ khi hỏi ra, họ vẫn chỉ là diễn viên hạng III và đã "vượt hạng" đến 17 năm nay rồi, nghĩa là thay vì lên lương, mỗi năm họ được cộng thêm 1% vào ngạch lương.
Tương tự như vậy, NSND Anh Phương, Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, người có lẽ khó có ai vượt được về ba lê ở Việt Nam cũng như trong khu vực, cũng đã sở hữu tấm bằng Tiến sĩ, cũng chỉ là... diễn viên hạng III. Hay trường hợp của NSƯT Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, mức hạng của chị cũng vẫn chỉ là hạng III...
Hơn 17 năm nay, sự bất cập này đã tồn tại bởi một lý do: "Chế độ chính sách với nghệ sĩ trong việc nâng ngạch hiện đều bị vướng mắc: Tất cả các nghệ sĩ có mức lương cao nhất cũng chỉ dừng ở hạng 3, mà không thể lên hạng được, dù có những nghệ sĩ, diễn viên đã có bằng thạc sĩ trong tay hoặc đã có hàng chục năm sở hữu danh hiệu NSND, NSƯT. Đó thực sự là một sự bế tắc, thể hiện sự bất cập, thiếu sót trong hệ thống nâng ngạch, bậc lương của nghệ sĩ", Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận chia sẻ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, theo Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT-BNV-BTC do Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính ban hành năm 2005 (và vẫn được áp dụng tới tận hiện nay), thang lương của người hoạt động biểu diễn nghệ thuật hiện gồm ba hạng, với 26 bậc. Việc thiết kế thang lương quá nhiều bậc như vậy trên thực tế là không phù hợp với đặc thù của hoạt động nghệ thuật là thời gian đào tạo dài mà tuổi nghề ngắn (trung bình 10-15 năm). Chưa kể việc mức lương khởi điểm của nghệ sĩ rất thấp. Người mới ra trường, không phân biệt trình độ trung cấp, cao đẳng hay đại học đều chỉ được nhận mức lương khởi điểm là bậc 2 của diễn viên hạng III (hệ số 2,06), thấp hơn mức lương khởi điểm trong bảng lương viên chức (đại học 2,34). Đơn cử như Liên đoàn Xiếc VN, hiện có khoảng 80 diễn viên trẻ, chiếm 70% lực lượng nghệ sĩ của đơn vị, từ nhiều năm qua chỉ nhận khoảng 1,7 triệu đồng/tháng (lương cơ bản + tiền thanh sắc). Với hệ số lương này, nhiều người trẻ khó trụ nổi với nghề.
Mới vào nghề thì như vậy, với các nghệ sĩ có thâm niên và cống hiến lâu năm, tình trạng cũng không được cải thiện nhiều. Trên thực tế, các diễn viên có cố gắng hết 12 bậc lương của hạng III thì cũng không thể lên được hạng II vì... vướng mắc cơ chế. "Theo quy định của Bộ Nội vụ, việc nâng ngạch từ hạng III lên hạng II phải trải qua kỳ thi nâng ngạch như đối với viên chức các ngành nghề khác. Nhưng nhiều năm qua, không hiểu vì lý do gì, việc thi nâng ngạch cho ngành nghệ thuật biểu diễn không được thực hiện. Vì vậy, rất nhiều đạo diễn, biên đạo, nghệ sĩ có thời gian cống hiến dài, đạt nhiều thành tích trong các kỳ hội diễn, liên hoan quốc gia, quốc tế, được phong các danh hiệu cao quý nhất của nghề nghiệp vẫn đang ở ngạch diễn viên hạng III và không có triển vọng nâng ngạch như NSND Lê Khanh, NSND Lan Hương, Ngọc Huyền, Minh Hằng (Nhà hát Tuổi Trẻ), NSND Kiều Ngân, NSƯT Hà Mạnh Chung (Nhà hát Nhạc vũ kịch VN), NSƯT Nguyễn Công Đạo, NSƯT Trần Thị Mơ (Dàn nhạc Giao hưởng VN)…", một đại diện Cục nghệ thuật biểu diễn cho biết.