Phát huy sức mạnh mềm văn hóa của Việt Nam

Việt Nam được cộng đồng quốc tế biết đến với hình ảnh một dân tộc quả cảm, quật cường, nhưng yêu chuộng hòa bình, thân thiện và linh hoạt. Đó là những giá trị văn hóa vừa mang đậm bản sắc dân tộc, vừa có sức lan tỏa và lôi cuốn đối với cộng đồng quốc tế. Vì vậy, phát huy và quảng bá tối đa bản sắc văn hóa Việt Nam trong quan hệ quốc tế cần phải được thúc đẩy mạnh mẽ thông qua các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa, các kênh truyền thông quảng bá hình ảnh quốc gia, cũng như vai trò kết nối của kiều bào Việt Nam trên khắp thế giới.


Mặt khác, sức hấp dẫn của vẻ đẹp Việt Nam còn nằm ở khả năng dung nạp và Việt hóa những giá trị tinh hoa của các nền văn minh khác tạo nên tinh thần nhân văn, thân thiện với môi trường... Những giá trị này nếu được quảng bá một cách có hệ thống vì lợi ích của dân tộc, vì mục tiêu phát triển chung của cộng đồng quốc tế, sẽ tạo nên sức ảnh hưởng tích cực, góp phần nâng cao sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam.


Truyền bá bản sắc văn hóa


“Sức mạnh mềm văn hóa” có thể hiểu nôm na là sức hấp dẫn, thu phục, khả năng ảnh hưởng, lôi cuốn của một quốc gia đối với quốc gia khác bằng các giá trị văn hóa, tinh thần, hệ tư tưởng, thông qua các hình thức giao lưu văn hóa, các kênh đối ngoại, giáo dục, phim ảnh, truyền thông…

 

Các nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn tiết mục “Sắc thắm hoa đào” trong chương trình giao lưu văn hóa “Thắp sáng niềm tin hữu nghị Việt - Nga” tổ chức tại Hà Nội tháng 1/2014.  Ảnh: Minh Đức - TTXVN


Trong việc xây dựng sức mạnh mềm văn hóa của Việt Nam, có một nhân tố cần phải chú trọng đó là truyền bá có chủ đích bản sắc văn hóa Việt ra thế giới. Là một quốc gia luôn sáng tạo trong việc bản địa hóa các yếu tố văn hóa du nhập, Việt Nam đã tạo nên một bản sắc văn hóa dân tộc không trộn lẫn thông qua các thành quả văn hóa nghệ thuật. Một nền văn học dân gian mang đậm sắc màu Đông Nam Á, sự ra đời của chữ Nôm như một cách khẳng định hồn cốt dân tộc, hay sức sống vượt thời gian của “Truyện Kiều”, âm nhạc thấm đẫm chất nhân văn của Trịnh Công Sơn, nhạc võ Tây Sơn, tà áo dài tha thướt của phụ nữ Việt, hương vị phở Hà Nội… đều là được bạn bè quốc tế coi là sức quyến rũ của bản sắc văn hóa Việt Nam. Bản sắc đó, nếu được truyền bá chọn lọc và có hệ thống thông qua sự phối hợp chuyên nghiệp của các ngành nghề văn hóa với các kênh ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân sẽ góp phần nâng cao sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong quan hệ quốc tế. Bên cạnh đó, các hình thức quảng bá hình ảnh đất nước thông qua sách báo, phát thanh và truyền hình, hội nghị, hội thảo quốc tế, đào tạo sinh viên nước ngoài, trao đổi chuyên gia, liên hoan văn hóa, nghệ thuật quốc tế, mạng xã hội... rất cần được khai thác triệt để.


Đặc biệt, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa mối liên hệ với cộng đồng kiều bào ta ở nước ngoài. Sự gắn kết của cộng đồng kiều bào ta với Tổ quốc sẽ góp phần phổ biến, lan tỏa các giá trị tốt đẹp của dân tộc, hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam ra thế giới, củng cố tình cảm và nhận thức đúng đắn của cộng đồng quốc tế về Việt Nam. Cần biến môi trường dư luận quốc tế thành điểm tựa và sự hậu thuẫn vững chắc cho chúng ta trong quan hệ quốc tế.


Nâng cao chất lượng văn hóa


Trong thời đại thông tin và toàn cầu hóa, Việt Nam cần tăng cường hơn nữa vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là thông tin đối ngoại và ngoại giao nhân dân, khiến nhân dân thế giới hiểu rõ hơn về đất nước con người và sức hấp dẫn của Việt Nam. Cần tận dụng mọi cơ hội để phát triển những giá trị cốt lõi có khả năng lan tỏa và tạo thiện cảm với dư luận quốc tế, nhất là trong những vấn đề nhạy cảm có liên quan tới lợi ích quốc gia, như sự thân thiện, khoan dung, cởi mở, yêu chuộng hòa bình, cần cù lao động, sáng tạo, ham học hỏi,… Tăng cường các kênh thông tin và truyền thông, các trang mạng bằng tiếng nước ngoài, nhằm tuyên truyền tình hữu nghị và quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.


Việc gia tăng sức mạnh mềm của văn hóa các nước trên thế giới đối với Việt Nam thường tập trung vào giới trẻ và gắn với việc sử dụng thành tựu khoa học công nghệ hiện đại, gắn với các sản phẩm của ngành công nghiệp văn hóa và truyền thông. Vì vậy, Việt Nam phải tận dụng công nghệ hiện đại và truyền thông để nâng cao chất lượng của các sản phẩm văn hóa, nâng cao sức cạnh tranh của những sản phẩm văn hóa trên thương trường trong nước và quốc tế, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, đặc biệt là thanh thiếu niên.


Như vậy, Việt Nam là một quốc gia có nhiều điều kiện, cơ hội để gia tăng sức mạnh mềm văn hóa như một phương thức hiệu quả nhằm tăng cường sức cạnh tranh và khả năng hội nhập quốc tế của văn hóa. Do đó, đã đến lúc, chúng ta cần xem xét vấn đề gia tăng sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam như một sự lựa chọn chính sách cần thiết nhằm tăng cường mạnh mẽ hơn nữa sức mạnh nội sinh, sức mạnh hội nhập và sức mạnh lan tỏa của văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.


TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

Giữ gìn bản sắc văn hóa Cố đô Hoa Lư
Giữ gìn bản sắc văn hóa Cố đô Hoa Lư

"Quan tâm bồi dưỡng tư tưởng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ... phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, đồng thời từng bước hình thành bản sắc văn hóa ở mảnh đất Cố đô Hoa Lư lịch sử", là mục tiêu của tỉnh Ninh Bình...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN