Một buổi tối cuối tuần trời mưa, lạnh, nhưng dường như không khí ở phố cổ Hà Nội vẫn náo nhiệt, sôi động, không chỉ bởi những hoạt động mua sắm ở chợ đêm, ở các tuyến phố ẩm thực, mà còn bởi sức hút của những chương trình nghệ thuật đường phố đã kéo mọi người lại gần nhau hơn...
Những “món ăn” tinh thần hấp dẫnChỉ cần đi đến đầu phố Hàng Buồm đã thấy réo rắt tiếng hát, tiếng đàn, tiếng sáo, trống chầu...vọng lại:
“Cô ngự về đồng. ..
đánh phấn soi gương
lược ngà chải chuốt
khăn vành dây cô quấn đầu
cô chơi quán sở tần lầu...”
Các nghệ sĩ thì say sưa biểu diễn, say sưa đàn, người đến nghe cũng phải ngả nghiêng theo nhịp điệu của bài chầu “Cô đôi thượng ngàn”... Mặc dù sân khấu của các nghệ sĩ chỉ vỏn vẹn ở một bên cửa phụ, ngay trước bậc cửa ra vào đền Bạch Mã, nhưng xung quanh lại chật kín người đứng nghe, xem, thậm chí còn kéo dài cả một đoạn phố.
Đang say sưa theo câu hát, chị Nguyễn Thị Hương (Ngã tư Sở, Đống Đa, Hà Nội) ghé vào tai tôi “khoe”: “Từ ngày có chương trình hát chầu văn ở đây, tôi chưa bỏ sót tuần nào không đến nghe vì tôi rất thích thể loại này, đến đây lại được nghe trực tiếp các nghệ sĩ chuyên nghiệp hát thấy thích hơn hẳn”.
Một buổi biểu diễn chầu văn ở đền Bạch Mã, phố Hàng Buồm. |
Anh Kissor, một du khách người Ấn Độ mới đến phố cổ Hà Nội 2 lần, nhưng đã rất ấn tượng với không gian nghệ thuật vào các buổi tối cuối tuần ở đây. “Tôi đã từng nghe âm nhạc truyền thống của Việt Nam ở nhiều nơi, những nơi mà tôi đã từng đến du lịch, nhưng khi nghe nó ở phố cổ Hà Nội trong một không gian rất truyền thống như thế này thì thấy rất thú vị. Tôi thấy có rất nhiều người nước ngoài dù không hiểu tiếng Việt Nam nhưng khi đi qua các sân khấu biểu diễn họ cũng phải dừng chân lại để nghe và thậm chí còn quay phim, chụp ảnh lại các nghệ sĩ đang biểu diễn để làm kỷ niệm, chắc chắn họ cũng có những ấn tượng rất tốt”, anh Kissor chia sẻ.
Không chỉ có chầu văn, ca trù, hát xẩm...thay nhau biểu diễn ở các đình, đền; không gian nghệ thuật phố cổ còn như một “thực đơn” hấp dẫn bởi được đan xen cả các sân khấu nghệ thuật đương đại ở nhiều điểm trong các tuyến phố đi bộ.
Cụ thể, cách đền Bạch Mã không xa, ngay trước cửa Ngôi nhà di sản ở 87 Mã Mây hay góc phố Hàng Giày - Lương Ngọc Quyến, trước cửa chợ Đồng Xuân... là những “sân khấu quần chúng” rất hấp dẫn khi khán giả, khách du lịch có thể cùng lên sân khấu nhảy, đàn, hát với ban nhạc, tạo nên một không gian nghệ thuật vô cùng ấm cúng.
Tuy nhiều điểm sân khấu cùng biểu diễn một lúc, với đủ các thể loại âm nhạc truyền thống và đương đại, nhưng phố cổ lại không hề hỗn độn, xô bồ mà lại trở nên đẹp như một bản hòa âm với đa dạng các màu sắc âm nhạc mà du khách có thể tùy ý lựa chọn và thưởng thức.
Đẹp thêm “thương hiệu” phố cổĐánh giá hiệu ứng của chương trình nghệ thuật đường phố ở phố cổ Hà Nội, bà Trần Thúy Lan, Phó trưởng ban Quản lý phố cổ Hà Nội cho biết: “Từ tháng 10/2014, chúng tôi đã khởi động chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố vào 3 ngày cuối tuần (thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật) trong các tuyến phố đi bộ mở rộng.
Có thể nói, sau 3 tháng hoạt động, các chương trình này đã cho thấy hiệu quả rõ rệt khi nhận đã được những sự hưởng ứng rất lớn từ chính các nghệ sĩ, nghệ nhân và đặc biệt là lượng người dân và khách du lịch đến đây cũng đông hơn hẳn".
"Với sự tham gia nhiệt tình và phi lợi nhuận của các đơn vị nghệ thuật như: Trung tâm phát triển âm nhạc nghệ thuật Việt Nam, CLB ca trù Thăng Long, CLB XB của Nhạc viện Hà Nội... các chương trình nghệ thuật đường phố vào những ngày cuối tuần thực sự đã trở thành điểm nhấn tạo nên ấn tượng đẹp cho phố cổ Hà Nội”.
Cũng theo bà Trần Thúy Lan, với những hiệu quả trong việc phổ biến các thể loại nghệ thuật truyền thống của dân tộc, có thể trong thời gian tới, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội sẽ tăng cường thêm các địa điểm biểu diễn nghệ thuật, tăng các hình thức biểu diễn cũng như số ngày biểu diễn để phục vụ nhiều hơn nữa nhu cầu của nhân dân và khách du lịch.
“Việc tổ chức được những sân khấu nghệ thuật đường phố trong không gian phố cổ như hiện nay là một việc làm vô cùng có ý nghĩa, không chỉ đối với bản thân các nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian mà còn với cả những người thưởng thức. Đặc biệt hơn, qua những đêm diễn tôi thấy những loại hình nghệ thuật “cây nhà lá vườn” lại có sức hút rất lớn. Người ta đến không chỉ được xem, được nghe mà còn được chia sẻ, được hấp thụ những tinh hoa nghệ thuật truyền thống dân tộc.
Chúng ta cần phát triển hơn nữa những chương trình như thế này để nhân dân có thêm cơ hội thưởng thức nghệ thuật dân tộc, tiếp cận với nghệ thuật đương đại và cũng là hình thức quảng bá nghệ thuật truyền thống của Việt Nam một cách rất hiệu quả với bạn bè quốc tế”, nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Hồng Thái khẳng định.
Bài và ảnh: Tạ Nguyên