Theo phong tục người Việt Nam, mỗi khi Tết đến, Xuân về, hình ảnh của bánh chưng xanh, câu đối đỏ, mâm ngũ quả... đã trở thành “linh hồn” của văn hóa ăn Tết cổ truyền. Thế nhưng, nói đến tục dựng thang mía thì đây là một phong tục lạ, nhất là với thế hệ trẻ ngày nay.
Tôi vẫn còn nhớ, những ngày bé, cứ mỗi đêm 30 Tết, khi bữa cơm tất niên gia đình đã xong, bố lại dắt tôi trên những đường phố Hà Nội. Giữa khoảnh khắc chuyển giao của đất trời, hít hà cho đầy lồng ngực không khí mùa Xuân, hai bố con khệ nệ vác hai thân mía to có nguyên cành lá về nhà trong sự tò mò của những đứa trẻ cùng xóm. Mọi thắc mắc của tôi về hai cây mía đến từ ngày đó.
Hai cây mía được dựng hai bên ban thờ ông bà trong nhà, ở giữa là mâm ngũ quả. Những cây mía được đặt cho đến hết mùng 5 Tết mới được bố đem ra để cả nhà cùng ăn.
Bố thường nói, cây mía chính là để kết nối chúng ta với ông bà, các bậc tổ tiên và để đón các ngài về ăn Tết cùng gia đình. Chẳng rõ, nếp thờ cúng này đã có từ đâu và từ bao giờ, nhưng nét đẹp hướng về cội nguồn, hướng về tổ tiên luôn được khắc ghi trong truyền thống mỗi gia đình Việt.
Theo tín ngưỡng của người Việt, cây mía, với nhiều đốt mía được tượng trưng cho chiếc thang, nối giữa trời và đất, giữa hai thế giới âm và dương, dẫn đón vong linh của ông bà, tổ tiên về trần gian sum vầy, ăn Tết cùng con cháu trong những ngày đầu tiên của năm mới. Tán lá cây mía tượng trưng cho mây, trời. Gốc, rễ tượng trưng cho đất, nguồn cội. Vì thế, bên cạnh mâm ngũ quả tượng trưng cho âm dương ngũ hành, các gia đình thường chọn hai cây mía thật to, thật thẳng, các mấu mía không được có sâu, để dựng hai bên bàn thờ tổ tiên.
Mỗi cây, trái được đặt lên bàn thờ đều là những mong mỏi, nguyện cầu của gia chủ về một năm mới bình an, no đủ... Cây mía là một loại cây có hương vị ngọt mà thanh, thân mía rắn chắc, vươn thẳng mạnh mẽ. Vì thế, khi chọn cây mía làm sản vật thờ cúng, cha ông ta từ xưa đã gửi vào đó những ước mong gắn liền với đặc trưng vốn có của cây mía.
Vị ngọt của mía tượng trưng cho vị ngọt nhẹ nhàng của cuộc sống với những điều may mắn, tốt đẹp. Sự vươn cao mạnh mẽ, rắn chắc của cây mía tượng trưng cho sức khoẻ và sự thành công... Cây mía với nguồn nước giải khát chứa sẵn trong mình và cũng được quan niệm như nguồn nước mang lại sự sống cho cây cối, mùa màng. Chính vì vậy, cây mía không chỉ đơn thuần là sản vật dâng cúng gia tiên mà đã trở thành một biểu tượng văn hoá tâm linh của người Việt.
Ngày nay, mỗi dịp Tết đến, nhiều gia đình vẫn thường chọn mua muối trắng với niềm tin, muối mặn sẽ xua đi những điều kém may trong năm cũ và đem đến những điều tốt đẹp trong năm mới. Hay việc mua diêm để “tìm lửa” cầu may trong năm mới. Với cây mía cũng vậy, mặc dù nét thờ cúng thang mía đã không còn phổ biến trong các gia đình trẻ nữa, nhưng phong tục này vẫn được gìn giữ trong những gia đình với lớp người cũ.
“Ăn Tết cổ truyền, chơi Tết cổ truyền”, mỗi một nét đẹp văn hóa của dân tộc được lưu giữ bao đời nay đang dần mất đi giữa bộn bề cuộc sống hiện đại. Nhiều người sẽ cho rằng, dựng thang mía, mua muối, tắm lá mùi hay chuẩn bị những bao diêm dịp đầu năm... để cầu mong điều may mắn sẽ không còn phù hợp với những quan niệm, cách sống mới.
Nhưng với tôi, mỗi hình ảnh, biểu tượng đó không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn là những ký ức, những thước phim ngắn của tuổi thơ bên cha, mẹ. Nếu được giữ gìn, những sản vật văn hóa đó sẽ giúp cho ngày Tết cổ truyền của dân tộc thêm đậm đà.
Vào mỗi dịp đêm 30 Tết, những cây mía lại được dựng bán hai bên đường. Vẫn còn đó những gia đình mua mía về dựng thang. Vẫn còn đó, những bạn trẻ mua mía chỉ với mong ước đơn giản là rước lộc để cầu mong những điều tốt đẹp cho năm mới.
Cây mía không đơn thuần chỉ là vật dâng cúng gia tiên mà đã trở thành một biểu tượng văn hóa tâm linh. Biểu tượng đó đã được lưu giữ từ đời này sang đời khác. Nhất là khi những giá trị hiện đại đang dần len lỏi vào cuộc sống mỗi người thì nó càng cần được lưu giữ hơn bao giờ.