Từ năm 1945, phong tục Jolabokaflod, còn gọi là Christmas Book Flood (tạm dịch: "Cơn lũ Sách Giáng sinh"), đã trở thành một truyền thống được yêu thích ở Iceland mỗi mùa Giáng sinh.
Jolabokaflod gần giống với ngày hội sách "Super Thursday" (Siêu Thứ Năm) diễn ra hằng năm ở Anh, nhưng với quy mô lớn hơn nhiều. Nếu "xứ sở sương mù" phát hành hàng trăm đầu sách bìa cứng trong ngày thứ Năm đầu tiên của tháng 10, thì Iceland xuất bản đến 70% tổng số sách của cả năm chỉ trong hai tháng 11-12 cuối năm.
Với hàng trăm đầu sách mới được bày bán tại các hiệu sách và siêu thị với giá ưu đãi, phong tục Jolabokaflod đang ngày càng trở nên quan trọng đối với sự tồn tại của ngành xuất bản ở Iceland.
Vào đêm Giáng sinh, người Iceland thường tặng nhau sách và tận hưởng buổi tối yên bình bên bếp sưởi và những trang sách, thường là những cuốn tiểu thuyết trinh thám mới "ra lò" của tác giả Arnaldur Indridason ăn khách nhất ở nước này trong hai thập kỷ qua. Theo Hiệp hội các nhà xuất bản Iceland, gần 70% số người Iceland mua ít nhất một cuốn sách làm quà Giáng sinh tặng người thân hoặc bạn bè.
Truyền thống văn học của Iceland phát triển từ cách đây khoảng 900 năm, trong đó kho tàng truyện dân gian được ví như "viên ngọc quý" của làng văn học thế giới. Các tác phẩm này cho đến nay vẫn được yêu thích, xuất bản rộng rãi và được đưa vào chương trình học ở nhà trường.
Phong tục Jolabokaflod bắt đầu từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 khi Iceland, khi đó còn là một nước nghèo, áp dụng các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" và hạn chế nhập khẩu. Tuy nhiên, chi phí sản xuất giấy khá rẻ, vì vậy sách đã được nhiều người chọn mua làm quà Giáng sinh.
Ngày nay, Jolabokaflod vẫn đóng vai trò quan trọng đối với ngành xuất bản ở Iceland. Theo Cơ quan Thống kê Iceland, doanh số sách trong dịp Jolabokaflod chiếm 40% tổng doanh số năm 2018 ở nước này và 70% doanh số hằng năm của nhà xuất bản sách lớn thứ 2 Iceland là Bjartur.
Theo Hiệp hội các nhà xuất bản quốc tế, Iceland chiếm vị trị thứ 2 về số lượng ấn phẩm xuất bản tính trên đầu người, chỉ xếp sau Anh. Quốc gia Bắc Đại Tây Dương này không những là dân tộc đọc nhiều nhất mà còn là một trong những dân tộc viết nhiều nhất thế giới. Cứ 10 người Iceland thì có một người đã từng xuất bản ít nhất một cuốn sách trong đời. Họ đồng thời là những độc giả tích cực.
Iceland có 83 thư viện, tức là cứ mỗi 4.300 người dân thì có 1 thư viện. Theo kết quả nghiên cứu của Đại học Bifrost công bố năm 2013, hơn 93% số người Iceland đọc ít nhất một cuốn sách mỗi năm, và 50% đọc hơn 8 cuốn mỗi năm. Năm 2011, thủ đô Reykjavik của Iceland được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là "thành phố văn học".
Điều kỳ lạ là ở đất nước có tỷ lệ tội phạm thấp nhất thế giới, thể loại văn học được yêu thích nhất lại là truyện trinh thám. Nhà văn nổi tiếng nhất ở Iceland là Arnaldur Indridason, với thành tích mỗi năm xuất bản một cuốn sách kể từ năm 1997. Đến nay, ông là tác giả của 21 cuốn tiểu thuyết trinh thám với hơn 60 triệu bản trên thế giới.
Sách có thể dễ dàng tìm mua ở mọi nơi, thậm chí ngay cạnh các quầy rau củ trong siêu thị, với mức giá rẻ đến khó cưỡng. Tuy nhiên, sách với đầy đủ bìa cứng được bán với giá khá cao, trung bình 6.990 kronur/ cuốn (52 euro, 57 USD), đắt gấp hai lần ở Pháp hoặc Anh. Giá sách cao chủ yếu do thuế giá trị gia tăng (VAT) ở Iceland đã tăng từ 7-11% vào năm 2015, cộng với chi phí in ấn và nhập khẩu cao bởi Iceland gần như không có rừng và phải in sách ở nước ngoài.
Nhằm hỗ trợ ngành sách, Chính phủ Iceland năm nay quyết định hoàn trả 25% chi phí sản xuất cho mỗi ấn phẩm được xuất bản bằng tiếng Iceland, cả tác phẩm gốc và tác phẩm được dịch từ tiếng nước ngoài.