Quản lý di tích - Lỏng lẻo từ trên xuống dưới

Những vi phạm liên tiếp xảy ra ở nhiều địa phương, nhưng câu trả lời của các đơn vị liên quan, từ lãnh đạo địa phương, lãnh đạo sở, cục... đều là “không được báo cáo nên không biết”... Điều này bộc lộ lỗ hổng lớn trong công tác quản lý, trùng tu, tôn tạo di tích, và cũng cho thấy sự lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm của các đơn vị liên quan.


Việc sai phạm trong trùng tu nhà Tổ, gách Khánh chùa Trăm Gian diễn ra trong hơn 3 tháng, nhưng cơ quan quản lý lại không hay biết gì, chỉ đến khi báo chí lên tiếng, các cơ quan quản lý mới cấp tập vào cuộc, đình chỉ thi công, kiểm tra liên tục... Lúc đó mới vỡ lở ra nhiều chuyện: Chính quyền xã biết nhưng làm ngơ, thậm chí còn “giúp” nhà chùa thông báo kêu gọi nhân dân đến hạ giải; lãnh đạo huyện thì khẳng định xã không báo cáo nên không biết; rồi Sở VH, TT&DL, Cục Di sản... hết thảy đều khẳng định không nhận được thông báo nên không biết gì. Những điều đó đã bộc lộ vấn đề: Công tác quản lý di tích nói chung và quản lý việc trùng tu nói riêng còn quá nhiều lỗ hổng.


Sự việc tương tự cũng diễn ra tại ngôi đình Ngu Nhuế ở Hưng Yên, phải sau 3 tháng ngôi đình bị phá dỡ, di chuyển, chỉ khi có đơn khiếu kiện của dân, cơ quan quản lý văn hóa mới biết. Trước sự việc đã rồi, Sở VH, TT & DL Hưng Yên vội vàng báo cáo UBND tỉnh Hưng Yên, sau đó UBND tỉnh Hưng Yên mới có công văn gửi Bộ VH, TT&DL, đề nghị cho di chuyển đình Ngu Nhuế để “tránh ảnh hưởng đến quy hoạch và thuận lợi cho các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân”.

 

Khi Thanh tra Bộ VH, TT & DL khẳng định việc di chuyển sang vị trí mới của di tích lịch sử đình Ngu Nhuế chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền là vi phạm Luật Di sản, yêu cầu dừng ngay việc thi công, giữ nguyên hiện trạng đình Ngu Nhuế, rồi Thứ trưởng Bộ VH, TT & DL Lê Khánh Hải có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng ở địa phương và yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghiêm chỉnh việc tu bổ di tích theo quy định của pháp luật... thì lúc đó, đình cũng đã bị phá dỡ, đình mới dựng lại đã gần xong rồi, việc khôi phục chắc chắn không thể được như xưa.


Sai phạm xảy ra, người quản lý trực tiếp là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm, nhưng các cơ quan quản lý về văn hóa như Sở VH, TT & DL, Cục Di sản Văn hóa... cũng không thể chối bỏ trách nhiệm của mình. Lấy ví dụ từ vụ chùa Trăm Gian, nhà Tổ, gác Khánh của chùa hư hỏng đã lâu, nhà chùa đã có đơn gửi các cơ quan chức năng, báo cáo thực trạng, xin được tu bổ, sửa chữa. Nhưng kiến nghị nhiều lần mà cơ quan quản lý không kịp thời triển khai, thế nên mới dẫn đến việc nhà chùa tự ý tháo dỡ để tránh gây tai nạn cho người đến lễ chùa... Không ít người khi biết chuyện đã xót xa, giá như cơ quan quản lý văn hóa không thờ ơ, tắc trách, giá như cơ quan quản lý sớm vào cuộc thì vụ việc đáng tiếc đã không xảy ra.


Trên thực tế, những chuyện thờ ơ, tắc trách đối với việc bảo vệ di sản như vậy vẫn đang diễn ra. PGS.TS Nguyễn Văn Huy kể một câu chuyện tương tự, đó là di tích lịch sử nhà thờ họ Nguyễn Khả ở Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) từ thế kỷ 17 thời Lê - Trịnh, trải qua một thời gian dài di tích không được tu bổ đã bị xuống cấp trầm trọng, do nền di tích thấp hơn những ngôi nhà xung quanh, mỗi lần mưa nước lại tràn vào gây ngập úng. Mấy năm nay, dòng họ Nguyễn Khả đã trình đơn xin được tu bổ, tôn tạo lại nhà thờ, nhưng vẫn chưa được phép. Thế là dù có kinh phí, cả dòng họ vẫn phải xót xa đứng nhìn di tích của tổ tiên ngày một hư hỏng... Vậy thì ai là người có trách nhiệm trong việc này, nếu không phải là Sở VH, TT & DL Hà Nội, nếu không phải là Cục Di sản...?


Bên cạnh việc thờ ơ, tắc trách, việc phân cấp quản lý những di tích đã được xếp hạng của Bộ VH, TT & DL hiện nay cũng đang có những bất cập, chồng chéo. Theo quy định, trách nhiệm quản lý di tích cấp quốc gia thuộc về cấp xã và cấp sở, nhưng trách nhiệm trùng tu di tích lại thuộc cấp cao hơn là Cục Di sản và Bộ VH, TT & DL, còn địa phương quản lý di tích thì… đứng ngoài cuộc. Chính vì vậy, rất nhiều di tích, nhất là di tích kiểu nhà thờ họ, trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, nhưng vẫn phải chờ được ý kiến thẩm định trùng tu của cấp trên, nếu cấp trên không quan tâm, thì di tích cứ tiếp tục... xuống cấp. Chính vì thế nhiều dòng họ hiện nay không muốn nhà thờ của mình trở thành di tích do họ mất quyền chủ động trùng tu, sửa chữa.


Việc các di tích liên tiếp bị xâm hại khi trùng tu trong thời gian qua đã cho thấy sự thiếu hiểu biết, thiếu trách nhiệm của những người trông coi di sản, của một số cán bộ từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời bộc lộ lỗ hổng lớn và sự lỏng lẻo từ trên xuống dưới trong công tác quản lý di tích ở nước ta hiện nay. Lỗ hổng này nếu không nhanh chóng được “vá” lại, bằng việc siết chặt công tác quản lý, bằng việc chú trọng giáo dục cộng đồng nâng cao ý thức bảo vệ di sản... thì với tốc độ xã hội hóa không được kiểm soát như hiện nay, chẳng bao lâu nữa nhiều di tích rêu phong cổ kính, giàu giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật sẽ chỉ còn là hoài niệm, và sẽ không còn di tích để trùng tu.

 

Phương Hà

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN