Theo đó, nội dung buổi tọa đàm xoay quanh các vấn đề liên quan đến việc phát triển hoạt động hợp tác và tổ chức dịch vụ sản xuất phim quốc tế, giới thiệu khả năng cung ứng dịch vụ làm phim của điện ảnh Việt Nam, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới, phục vụ phát triển du lịch từ điện ảnh.
Tham dự tọa đàm, các đại biểu cho rằng muốn ngành điện ảnh nước nhà phát triển, cần phải có vai trò đầu tàu của các đơn vị nhà nước trong các chính sách, chiến lược, quy định đối với công tác quản lý hợp tác, sản xuất phim trong và ngoài nước. Nhà nước cũng cần tập trung đầu tư về cơ sở vật chất cho ngành điện ảnh (phim trường, đạo cụ…), đầu tư đào tạo về con người bằng cách cho các bạn trẻ đi học tập ở các nước có ngành điện ảnh phát triển như Mỹ, Hàn Quốc… Các đơn vị sản xuất phim, đơn vị cung ứng dịch vụ làm phim cũng cần chủ động bắt tay với nhà nước để có những đầu tư hợp lý ngành điện ảnh Việt Nam. Ngành điện ảnh cũng cần phối hợp hiệu quả với ngành du lịch để có thể quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới…
Các đại biểu tham dự tọa đàm cho rằng, nhà nước cần có chính sách và những đầu tư hợp lý để ngành điện ảnh phát triển. |
Đạo diễn Bùi Đình Thứ nhấn mạnh: "Khi làm phim hợp tác với nước ngoài, các đơn vị trong nước cần giữ thế bình đẳng để không bị lấn áp, muốn làm gì thì làm, đến khi ra sản phẩm lại có những bộ phim không như kịch bản ban đầu đã được kiểm duyệt hoặc có những sai lệch về văn hóa, con người Việt Nam".
“Chẳng hạn như ở nước có ngành điện ảnh phát triển là Hàn Quốc. Để ngành điện ảnh phát triển, nước này đã đứng ra xây dựng phim trường riêng. Theo đó, khi đến phim trường, các đoàn làm phim chỉ cần có diễn viên, đạo diễn… mà không phải lo về trang phục, đạo cụ. Việc này không chỉ giúp các đoàn làm phim giảm nhiều chi phí mà sau khi quay xong, hiện trường này còn được sử dụng để quay các bộ phim khác, đồng thời phục vụ cho phát triển du lịch. Trong khi đó tại Việt Nam, mỗi khi làm một bộ phim, đoàn làm phim đều phải dựng phim trường mới; sau khi đoàn làm phim dời đi thì phim trường cũng phải bỏ, đoàn làm phim khác muốn sử dựng phim trường này thì phải đầu tư kinh phí mới. Điều này vừa mất thời gian và rất tốn kém”, đạo diễn Bùi Đình Thứ cho biết thêm.
Có thể thấy nhiều năm qua, Việt Nam đã từng là điểm đến của nhiều dự án hợp tác làm phim quốc tế, như phim Người tình Đông Đương, Điện Biên Phủ, Người Mỹ thầm lặng, Mùa len châu, Nước và Kong: Đảo Đầu Lâu. Những bộ phim này đều sử dụng bối cảnh tự nhiên tại Việt Nam và ít nhiều gây được tiếng vang trên thế giới. Thành công của các tác phẩm điện ảnh trên là cơ hội lớn cho điện ảnh Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực hợp tác quốc tế mà góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.
Hoạt động hợp tác điện ảnh đa quốc gia đang là xu thế sản xuất phim hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được ban ngành triển khai toàn diện và hiệu quả, nhất là khi ngành điện ảnh Việt Nam đang triển khai thực hiện Nghị quyết 08 –NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với chủ trương quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới thông qua nhiều hoạt động khác nhau, trong đó có hoạt động văn hóa, điện ảnh, du lịch.