Mặc dù xuất hiện nhiều biểu hiện tiêu cực, nhưng lễ hội dân gian vẫn là những di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn, phát huy bởi đó là những giá trị văn hóa truyền thống làm giàu cho kho tàng di sản văn hóa Việt Nam, góp phần mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế.
Lễ hội Lim (Bắc Ninh) thu hút nhiều du khách đến tham dự. Ảnh: LÊ Phú |
Chính vì vậy mà Chính phủ đã chỉ đạo Bộ VH, TT & DL xây dựng Quy hoạch tổng thể lễ hội giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến năm 2020, coi đó như một giải pháp quan trọng nhằm tháo gỡ những khó khăn trong quản lý lễ hội hiện nay.
Mới đây, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH, TT & DL) đơn vị được giao soạn thảo Quy hoạch đã đưa ra bản Dự thảo về Quy hoạch lễ hội tổng thể, lấy ý kiến đóng góp của các nhà chuyên môn. Đối tượng được quy hoạch trong dự thảo này là các lễ hội dân gian với 7.039 lễ hội (chiếm 88,36%).
Theo dự thảo Quy hoạch tổng thể lễ hội toàn quốc giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến năm 2020, sẽ có 100% lễ hội được quy hoạch chi tiết dựa trên các nguyên tắc: Phục dựng nghi lễ, các trò chơi, trò diễn đầy đủ và sinh động, hấp dẫn hơn; sáng tạo làm phong phú thêm phần lễ, phần hội đã có, đảm bảo tính phù hợp, thể hiện sinh động các yếu tố di sản cần bảo tồn và phát triển; từng bước đẩy lùi các tệ nạn xã hội, các yếu tố lạc hậu không còn phù hợp với đời sống và sinh hoạt văn hóa hiện tại. Phân cấp quy mô tổ chức lễ hội gồm 4 cấp: Lễ hội quy mô cấp quốc gia, lễ hội quy mô tổ chức cấp tỉnh, lễ hội quy mô tổ chức cấp quận, huyện và lễ hội quy mô tổ chức cấp xã, phường, thị trấn.
Việc thực hiện quy hoạch được phân thành hai giai đoạn: 2012 - 2015 và 2015 - 2020. Trong giai đoạn I, 100% tỉnh, thành phố tổng hợp, phân tích số lượng các lễ hội còn nguyên trạng, ít sự thay đổi, đang được tổ chức và các lễ hội đã được bảo tồn, phục dựng sau nhiều năm gián đoạn. Trên cơ sở tổng hợp, 100% tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ hoàn thành xây dựng quy hoạch, dành quỹ đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ đối với những lễ hội có quy mô lớn thu hút đông người. Giai đoạn II, 100% lễ hội được quy hoạch chi tiết, trong đó lễ hội còn nguyên trạng hoặc ít sự thay đổi được tổ chức thường xuyên, ổn định về lượng khách, cơ sở vật chất, dịch vụ phục vụ...
Bản quy hoạch tổng thể lễ hội được đưa ra lần này đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi khác nhau từ các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu.
Theo nhiều nhà quản lý, việc thực hiện Quy hoạch tổng thể lễ hội là cần thiết, bởi có quy hoạch, bức tranh lễ hội cả nước sẽ trật tự hơn, dễ dàng hơn cho công tác quản lý, chất lượng tổ chức lễ hội sẽ được nâng lên, không gian thực hành lễ hội sẽ được bảo vệ...
Ông Nguyễn Khắc Minh, Trưởng Ban quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho rằng, quy hoạch lễ hội sẽ phục vụ đắc lực cho công tác quản lý. Theo ông Minh, UBND tỉnh Hải Dương cũng đã phê duyệt "Quy hoạch tổng thể lễ hội giai đoạn 2008 - 2015 và định hướng đến năm 2020" với những nội dung cụ thể như quy hoạch lễ hội điểm, lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đối với các lễ hội tiêu biểu nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, phân cấp quản lý lễ hội, đẩy mạnh xã hội hóa tổ chức lễ hội... Đến nay, dù còn có những nảy sinh, nhưng cũng nhờ có quy hoạch, nhiều hình thức văn hóa truyền thống, nghi lễ, trò chơi, trò diễn xướng dân gian đã được phục dựng, công tác tổ chức và quản lý lễ hội ở Hải Dương được nâng cao, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh, tín ngưỡng và sáng tạo văn hóa của nhân dân trong tỉnh... Điển hình như lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc đã quy củ hẳn khi tỉnh Hải Dương tiến hành quy hoạch lễ hội trên địa bàn tỉnh từ năm 2008.
Còn TS. Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VH,TT&DL Lào Cai đánh giá, dự thảo Quy hoạch lễ hội dân gian này tuy đã đi đúng hướng, nhưng trong đó có nhiều điểm mà ông cho rằng khó có tính khả thi. Theo ông Sơn, nếu phân lễ hội là 4 cấp, cấp thấp nhất là xã, phường là chưa chính xác, bởi nhiều lễ hội chỉ tổ chức ở cấp thôn, làng, thậm chí có làng có “hèm” (quy định) là người làng khác không được đến. Thêm vào đó, hiện nay có xu hướng tổ chức lễ hội vùng để thu hút du lịch, có những lễ hội trước kia chỉ ở thôn, làng, nhưng nay có 4 - 5 xã đều làm, nếu phân cấp thì sẽ rất khó.
Ngoài ra, việc phân nhóm lễ hội còn nguyên trạng, ít thay đổi là không khả thi, vì đa số các lễ hội, nhất là lễ hội lớn đều sẽ có sự biến đổi, chỉ là ít hay nhiều thôi, nếu cứ phải bảo tồn nguyên vẹn thì sẽ khó, mà chỉ là “bảo tồn hồn cốt” của lễ hội đó thôi.
Theo ông Sơn, nên phân ra thành 5 cấp, phải có vai trò của thôn, làng, vai trò của liên làng mà người dân vùng đó đứng ra tổ chức. Phải tôn trọng kịch bản lễ hội của từng làng, tránh sự can thiệp quá sâu vào việc tổ chức, không nên lễ hội nào cũng có một kịch bản chung mà nên theo hướng lễ hội mang bản sắc của người dân. Nhà nước không cần bỏ tiền ra tổ chức lễ hội, mà chỉ quản lý về luật lệ, đưa ra những quy định cụ thể cấm những hiện tượng không hay, biến tướng trong lễ hội, hạn chế việc nâng cấp và nâng quy mô lễ hội...
Phương Hà
Bài cuối: Quy hoạch tổng thể lễ hội: Cần quản lý cả những lễ hội hiện đại