Các gian hàng được bố trí xung quanh hồ Văn và đều có một khoảng rộng bày bút, câu đối để tạo điều kiện thuận lợi cho chữ cùng với nhiều ý tưởng sáng tạo, thể hiện dấu ấn riêng của từng ông đồ - những thư pháp gia. Khách tham quan có thể dễ dàng quan sát dấu ấn riêng của từng thư pháp gia được thể hiện qua gian hàng của mình thông qua những nét chữ "phượng múa, rồng bay".
Đến tham quan một gian hàng treo những câu đối đỏ viết thơ, ca dao, tục ngữ… trông rất bắt mắt, ông đồ Phạm Văn Khôi đến từ Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội đang say mê viết những nét chữ đẹp như “rồng bay, phượng múa” trên câu đối đỏ. Ông Khôi chia sẻ với chúng tôi về cái duyên viết chữ thư pháp đến với ông ở độ tuổi mà ít ai nghĩ đến. Khi bắt đầu học ông đã 50 tuổi, tự mua sách về học, rồi dần dần “mưa dầm thấm lâu”, ông say mê viết chữ thư pháp từ lúc nào không hay. Ông mới làm nghề ông đồ được 4-5 năm nay nhưng gần 25 năm qua, dù bận đến mấy ông vẫn dành 2-3 tiếng mỗi ngày để tập viết chữ thư pháp, ôn đi luyện lại cho chữ ngày càng đẹp hơn.
Khách đến xin chữ ngày xuân. Ảnh: Hà My - TTXVN |
Theo ông Khôi, chữ Hán Nôm là do cha ông ta sáng tạo ra, là nét chữ riêng của dân Việt bắt đầu bằng tư tưởng chống Hán hóa, là ý thức bảo vệ của dân tộc trước sự “thuần hóa” mang tính ngoại lai, đồng thời khẳng định tinh thần tự tôn dân tộc. Hiện nay, giấy và mực dùng để viết chữ chủ yếu vẫn là giấy xuyến chỉ nhập từ Trung Quốc về, trên giấy có in rồng, phượng rất bắt mắt. Tuy nhiên, đẹp nhất vẫn là chữ viết trên giấy điệp của Đông Hồ, đây là một hình thức chơi cao cấp hơn dành cho những người thực sự đam mê và có điều kiện.
Mặc dù đã ở tuổi 74, tuổi mà đáng ra cần được nghỉ ngơi dưỡng già, nhưng ông Khôi vẫn tiếp tục học. Ông tâm sự rằng đấy là di sản tốt nhất mà ông muốn để lại cho con cháu. Ông muốn con cháu noi gương ông đến tuổi này vẫn tích cực học, để các con cháu với những điều kiện tốt hơn càng cần nâng cao ý thức học tập hơn nữa.
Đang miệt mài viết từng nét chữ để tặng cho khách, anh Lê Chí Chung đến từ Trấn Vũ, Hà Nội phấn khởi cho biết đây là lần thứ 3 anh tham gia Hội chữ Xuân. Anh cảm thấy cách tổ chức càng ngày càng tiến bộ, quy củ hơn, ông đồ được chuyển vào công viên hồ Văn là hợp lý, đảm bảo được an ninh, trật tự đô thị, ông đồ không phải chịu mưa, nắng, ngồi vỉa hè ngoài đường.
Hội chữ Xuân còn là nơi cho các bạn trẻ đến giao lưu, học hỏi, tìm lại nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Bạn Trần Mạnh Hùng, sinh viên Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn rất thích thú khi đến với Hội chữ Xuân. Đến đây, Hùng cảm thấy tâm trạng vô cùng thoải mái, được tìm hiểu thêm về chữ viết thư pháp - một nét đẹp văn hóa mà theo Hùng thì giới trẻ nên có ý thức gìn giữ. Hùng chia sẻ: “Đến các gian hàng, tôi cảm nhận như mình đang được trải nghiệm không gian ngày xưa của ông cha ta, từng nét chữ mà ông đồ viết như đưa tôi vào một thế giới cổ xưa, mà ở đó con người chân thành, biết sống hiếu nghĩa, sống vì người khác, luôn phấn đấu hoàn thiện mình hơn”.
Cùng chung tâm trạng, bạn Nguyễn Thị Mai Trang, sinh viên Đại học Hà Nội tâm sự: Đây là lần đầu tiên đến với Hội chữ Xuân, Trang rất ấn tượng khi nhìn các gian hàng, được ngồi trò chuyện cùng các ông đồ, nghe ông đồ phân tích từng tứ thơ, từng ý nghĩa sâu sắc của những câu ca dao, tục ngữ đi vào lòng người khiến Trang tò mò, mong muốn được học hỏi về chữ Hán Nôm. Bên cạnh đó, Trang còn rút ra được rất nhiều bài học về cuộc sống để tự hoàn thiện bản thân sao cho tốt hơn.
Một năm mới đang đến, ai cũng mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với người thân trong gia đình và bạn bè mình. Những nét chữ "rồng bay, phượng múa" với ý nghĩa sâu sắc trên nền giấy đỏ mang đến không khí Tết ấm áp, rộn ràng trong mỗi nhà cũng không nằm ngoài những mong muốn ấy. “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực Tàu, giấy đỏ/ Bên phố đông người qua”. Hình ảnh ông đồ ngồi cho chữ đã trở thành một nét đẹp văn hóa đặc trưng của Thủ đô Hà Nội mỗi dịp Tết đến, Xuân về.