Nghi thức đưa bát hương trở lại kiệu Ngọc Lộ sau khi xin được chân nhang tại chùa Phổ Minh. Ảnh: Thùy Dung – TTXVN |
Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định đồng thời là một nhà nghiên cứu văn hóa Nam Định cho biết: Chùa Phổ Minh là nơi thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông, vị vua thứ ba đời Trần và cũng là Đệ nhất tổ phái Trúc Lâm. Khi có đại lễ dịp đầu xuân, tổ chức rước kiệu từ chùa Phổ Minh (hay còn gọi là chùa Tháp) sang đền Thiên Trường (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định) có ý nghĩa như rước một người con của dòng họ Trần sang dự nghi lễ thờ thủy tổ dòng họ, tri ân công đức các bậc tiên tổ. Đây là một biểu hiện của sự dung nạp, dung hòa giữa tín ngưỡng và Phật giáo của Việt Nam. Người Việt luôn luôn dung hòa các tôn giáo, tín ngưỡng, thể hiện sự gắn kết cộng đồng, gắn kết các tín đồ, tạo nên sự đoàn kết cộng đồng rộng lớn, góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ con cháu.
Theo tư liệu trong cuốn “Tân Biên Nam Định tỉnh dư địa chí lược” của Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh viết vào đầu thế kỷ XX ở phần phong tục có ghi: "Tức Mặc có lệ 15 tháng Giêng đấu vật ở Trần Miếu. Cứ đến chiều 14 tháng Giêng thì các nơi: Đền Bảo Lộc, Lựu Phố, Hậu Bồi, Đệ Tứ, Phương Bông, Chùa Tháp, Cố Trạch đều chồng kiệu để sáng 15 rước cả vào sân miếu. Các nơi rước kiệu đến sân rồng sau đó lần lượt vào lễ, tế. Lễ dùng cá triều đẩu (cá quả), cá hóa long (cá chép), trâu, dê, lợn là chính"...
Như vậy, có thể thấy lễ hội đầu năm tại đền Trần xưa kia có sự tham gia của nhiều thôn làng xung quanh, song sau này chỉ có làng Tức Mặc hành lễ. Do lễ hội phải chi phí tốn kém nên làng Tức Mặc quy định cứ ba năm mới vào đám một lần vào các năm: Tý, Ngọ, Mão, Dậu. Từ chiều ngày 14 tháng Giêng, các làng thuộc huyện Mỹ Lộc thờ những nhân vật có liên quan; trong đó có làng Tức Mặc thờ vua Trần Nhân Tông ở chùa Phổ Minh tổ chức rước kiệu về đền Thượng (đền Thiên Trường) để tham gia. Tại làng Tức Mặc, dân làng rước kiệu Ngọc Lộ từ chùa Phổ Minh, đưa bát hương thờ Thượng hoàng Trần Nhân Tông sang đền Thiên Trường.
Theo truyền thống, trước khi rước, ông trưởng họ Trần vào thượng điện là nơi thờ đức vua Trần Nhân Tông làm lễ rước xin bát hương ra kiệu. Đám rước có đầy đủ cờ, nghi trượng, dàn bát âm cùng đoàn các già làng mặc áo dài nâu tay cầm cành phan đi theo sau, vừa đi vừa đọc kinh. Theo sau kiệu Ngọc Lộ còn có kiệu thần của các xã Lộc Quý, Hạ Lộc, Hậu Bồi. Tuy chùa Phổ Minh và đền Trần chỉ cách nhau khoảng 400m song thường phải khởi đầu từ giờ Mão (5 giờ) đến cuối giờ Mão (7 giờ) mới đến nơi. Khi đoàn kiệu đến sân đền Thiên Trường thì tế chủ rút 5 nén hương ở bát hương kiệu Ngọc Lộ cắm vào bát hương chỗ thần vị đức vua Trần Nhân Tông trong đền Thiên Trường, sau đó tiếp tục tế lễ và lưu kiệu ở lại đến chiều ngày 16 âm lịch mới rước kiệu trở lại chùa Phổ Minh.
Sau thời gian dài bị mai một, năm 2015, tỉnh Nam Định đã phục dựng lại nghi lễ rước kiệu Ngọc Lộ tại lễ hội khai ấn đền Trần để hoàn thiện các nghi lễ cốt lõi của lễ hội xuân đầu năm. Theo đó, nghi lễ rước kiệu Ngọc Lộ diễn ra vào ngày 11 tháng Giêng hàng năm. Nghi lễ có sự tham gia của đoàn rước khoảng 200 người, đi đầu là đoàn cờ ngũ sắc, nghi trượng, dàn bát âm, tiếp đến là kiệu sứ giả và cuối cùng là các phật tử đi phía sau tụng kinh. Đoàn rước kiệu Ngọc Lộ xuất phát từ chùa Phổ Minh sang đền Trần và tổ chức các nghi thức cụ thể tại đây. Theo các nhà nghiên cứu và bảo tồn văn hóa, hiện nay lễ khai ấn đền Trần đã tổ chức đầy đủ các nghi lễ truyền thống, xứng tầm là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội đền Trần đã có lịch sử lâu đời để tưởng nhớ nguồn gốc thủy tổ các vị vua triều Trần và anh hùng dân tộc Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Các nghi lễ trong lễ hội đều thể hiện lòng tri ân sâu sắc của nhân dân đối với các vị vua anh minh, những vị tướng tài ba và anh hùng dân tộc có công với đất nước.